Nương chè VietGAP của anh Thắng. |
Cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 18-20 lao động địa phương, mức thù lao 120-200 nghìn đồng/người/ngày, tùy theo tay nghề.
Sau đi thăm khắp các nương chè đang kỳ thu hái, chúng tôi đã ghi nhận được: Vùng nguyên liệu này bao gồm 6ha của 5 hộ liên kết sản xuất, do gia đình anh Thắng làm nòng cốt trực tiếp trồng 2ha chè và chịu trách nhiệm chế biến, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho các hộ.
Các hộ có trách nhiệm tuân thủ chặt chẽ qui trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, bao gồm: Chọn trồng các giống chè có năng suất chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt. Chăm bón chủ yếu bằng phân hữu cơ mục kết hợp với phân bón vi sinh. Ưu tiên sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học (thảo mộc, vi sinh). Chỉ dùng thuốc hóa học khi sâu bệnh có nguy cơ phát sinh thành dịch hại lớn, nhưng phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu cho từng loại thuốc trước khi thu hoạch. Và cũng chỉ được dùng các thuốc trong danh mục nhà nước cho phép sử dụng trên rau quả an toàn. Thu hái chè đúng kỹ thuật, tùy theo thành phẩm sau chế biến.
Để có thể chế biến và tiêu thụ hết sản lượng chè làm ra, anh Thắng đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và nhập ngoại dây chuyền chế biến chè xanh tự động. Thuê tư vấn thiết kế logo sản phẩm. Đảm bảo các loại chè xuất xưởng đều được bao gói qui cách, có mã vạch chuẩn, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, thuận tiện cho truy nguyên nguồn gốc khi cần.
Dây chuyền chế biến chè hiện đại. |
Do quyền lợi của các hộ gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua chuỗi giá trị chè xanh. Nên giữa các hộ đã có sự tự quản lý giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện VietGAP. Nhiều hộ còn chủ động phát huy sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến qui trình kỹ thuật canh tác, giúp gia tăng năng suất, chất lượng chè.
Bằng những cách làm thiết thực nói trên, mỗi năm anh Thắng cùng các gia đình liên kết đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được hơn 8.000kg chè xanh các loại. Doanh thu 3 tỷ đồng.
Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của nhiều tầng lớp người tiêu dùng trong nước, như: Chè đinh cung ứng cho những người có thu nhập cao. Chè nõn cho lớp người thu nhập khá. Chè móc câu phục vụ giới bình dân. Tất cả các loại chè này đều được Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS Thái Nguyên chứng nhận đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thắng cho biết: “Trồng chè VietGAP từ năm 2011, nhưng chỉ vài năm gần đây mới có lãi. Bởi sản xuất chè VietGAP đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tốn nhiều công lao động hơn, mà giá bán cũng chỉ bằng chè không VietGAP, do người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa chè sạch và chè không sạch. Sau này nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan truyền thông, sự quản lý giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, đã giúp cho những sản phẩm chè có địa chỉ sản xuất rõ ràng, tăng dần được giá bán, sản xuất có lãi, trong đó có gia đình tôi.”
Nhật ký ghi chép chè VietGAP. |
Theo anh Thắng: “Liên kết để sản xuất kinh doanh chè là xu hướng tất yếu. Nếu cứ mạnh ai lấy làm, bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không những không mở rộng phát triển được, mà còn có thể mất đi nhiều cơ hội khác. Vì đời sống nhân dân đang ngày càng được nâng cao. Người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi trả cao cho nhu cầu bảo vệ sức khoẻ.
Ví như gia đình tôi nhờ liên kết trồng chè đã chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt cho khai thác hết công suất máy móc chế biến. Có được vùng sản xuất lớn đã mua được các loại vật tư phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) với giá cạnh tranh hơn. Đặc biệt là khai thác được sức mạnh trí tuệ tập thể trong những thời khắc sản xuất kinh doanh khó khăn”.
“Thâm canh chè theo VietGAP năng suất có thể thấp hơn 10-15% so với chè không VietGAP, nhưng chất lượng thành phẩm sau chế biến sẽ ngon hơn khác biệt, giá bán cũng cao hơn từ 20-25%, tùy loại”, anh Thắng chia sẻ. |