| Hotline: 0983.970.780

Liên kết vùng trồng cây chủ lực

Thứ Năm 18/04/2019 , 10:20 (GMT+7)

Thực tế, nhiều tỉnh, TP hiện có những sản phẩm trái cây giống nhau cho nên cần xây dựng đề án liên kết sản phẩm toàn vùng hay tiểu vùng, từ đó đưa ra quy trình chuẩn cho từng loại trái cây.

Những năm gần đây, diện tích các loại cây ăn quả chủ lực ở một số tỉnh phía Nam tăng mạnh, do nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; đồng thời các địa phương cũng hướng tới phát triển cây trồng chủ lực, tạo liên kết vùng để đáp ứng nhu cầu XK.
 

Long An: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh Long An có giá trị kinh tế và XK cao với tổng diện tích trên 11.000 ha. Do hiệu quả kinh tế mang lại tốt nên những năm gần đây diện tích cây thanh long tăng rất nhanh, người dân từng bước cải tạo vườn từ trồng bằng trụ sống sang trồng bằng trụ bêtông, kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất.

18-08-12_1
Sản phẩm thanh long hướng đến liên kết vùng nhằm mục đích XK

Theo ghi nhận, toàn tỉnh Long An hiện có 66 cơ sở thu mua thanh long XK, gồm 5 HTX vừa SX, vừa tiêu thụ thanh long; 6 DN và 55 cơ sở kinh doanh thu mua; 15 cơ sở đóng gói có kho lạnh bảo quản, trong đó có 1 cơ sở có kho xử lý nước nóng và kho lạnh đạt chuẩn quốc tế; 1 DN trực tiếp XK thanh long đi Nhật - Hàn Quốc; 2 HTX (Dương Xuân, Tầm Vu) và 2 DN được cấp mã code thanh long xuất đi Mỹ. Còn lại là các DN, đại lý thu mua khác không XK trực tiếp mà chỉ đóng gói xuất qua các DN ở TP.HCM và Bình Thuận.

Ông Nguyễn Văn Hôn, nguyên cán bộ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) chia sẻ: “Cây thanh long có diện tích thanh long tăng nhanh từ việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Ngoài ra, còn một số loại cây khác như chanh có hạt và không hạt cũng đang phát triển mạnh, hiệu quả cao hơn so với cây lúa”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, những năm gần đây do giá thanh long, chanh ổn định, có khả năng XK tốt và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên diện tích tăng nhanh. Bên cạnh đó, các cây trồng khác như chuối, khóm cũng phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có 705 ha chuối. Có những mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao với hàng trăm ha, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, không gây hại cho môi trường.

Trước việc diện tích cây ăn quả tăng nhanh, UBND tỉnh Long An đã phải điều chỉnh quy hoạch phát triển cây ăn quả đến năm 2020 là 34.291ha (tăng 13.593ha so với năm 2017); đến năm 2025 là 39.650ha và đến năm 2030 là 45.709ha. Các loại cây ăn quả chủ lực giai đoạn 2021-2025 là thanh long (11.240ha), chanh (18.780ha), khóm (1.270ha) và một số loại khác 8.360ha.

18-08-12_2
Các sản phẩm trái cây tươi vùng ĐBSCL cần có đầu ra ổn định

Ông Nguyễn Chí Thiện, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: “Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng sản SX long, chanh, tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng và đầu ra của sản phẩm; tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phát triển SX; đẩy mạnh áp dụng GAP vì đây là xu thế tất yếu”.
 

Tiền Giang: Đầu tư cho cây chủ lực

Là tỉnh đứng đầu vùng ĐBSCL về cây ăn quả, có gần 73.000 ha vườn trồng cây ăn quả với hơn 1,33 triệu tấn trái cây các loại, Tiền Giang hiện đã định hình được vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực đặc sản tập trung mang tính hàng hóa lớn như dứa (khóm) trên 16.000 ha, sầu riêng 9.200 ha, thanh long 6.000 ha, xoài trên 4.000 ha, vú sữa trên 3.000 ha,... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và XK.

Những năm gần đây, công tác chuyển giao kỹ thuật thâm canh cũng được tỉnh Tiền Giang quan tâm hỗ trợ, có 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận GlobalGAP hoặc VietGAP cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh như xoài, thanh long, sầu riêng, dứa, mãng cầu xiêm... Đặc biệt, Tiền Giang đang tập trung phát triển, mở rộng thị trường XK trái cây nhằm giải quyết tốt đầu ra cho nông sản chủ lực, từ đó nông dân hưởng lợi. Dứa, xoài, thanh long, vú sữa… là những mặt hàng quan trọng mang lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ.

18-08-12_4
Cần tăng cường khâu chế biến nhằm đa dạng sản phẩm

Ông Đoàn Văn Sang, GĐ Cty TNHH SX và chế biến nông sản Cát Tường – một DN chuyên xuất trái cây cho biết: “Hàng năm DN chúng tôi phấn đấu XK 50.000 tấn trái cây tươi, chủ yếu là thanh long sang Trung Quốc và một số nước khác. Với riêng trái vú sữa hiện đang đẩy mạnh đầu tư liên kết với nhà vườn, mỗi năm chúng tôi XK cả chục ngàn tấn quả tươi sang thị trường Hoa Kỳ”.

Theo ông Sang, sản phẩm thanh long được đóng gói bao bì mang thương hiệu “thanh long Cát Tường Tiền Giang” và xuất sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…Hiện nay, lượng trái cây XK ở Tiền Giang tăng khá đều qua từng năm, chủ yếu dạng tươi, thông qua các thương nhân trong tỉnh và TP.HCM, xuất đường tiểu ngạch qua Trung Quốc là chính.

Ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tỉnh đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 và hướng đến năm 2025, sẽ không tăng diện tích cây thanh long mà chủ yếu tập trung đầu tư KHCN để nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa nông hộ, tổ hợp tác, HTX với DNSX qui mô lớn, theo hướng GAP tạo nguồn hàng chất lượng tốt nhằm chiếm lĩnh thị trường… là mục tiêu quan trọng”.

Theo ông Hóa, tỉnh Tiền Giang đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh XK nông sản nói chung và trái cây chủ lực nói riêng. Đặc biệt, xác định ngành hàng và chủng loại trái cây chủ lực cần đầu tư tập trung.

Thực tế, nhiều tỉnh, TP hiện có những sản phẩm trái cây giống nhau cho nên cần xây dựng đề án liên kết sản phẩm toàn vùng hay tiểu vùng, từ đó đưa ra quy trình chuẩn cho từng loại trái cây. Cụ thể như trái thanh long của Tiền Giang, Long An, Bình Thuận ... cần liên kết hình thành chuỗi sản phẩm theo liên kết vùng và đều SX theo quy trình chuẩn. Như vậy, vừa đáp ứng vào nhu cầu của các nước NK mà còn đủ mạnh để cạnh tranh với các nước có cùng sản phẩm.

 

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.