| Hotline: 0983.970.780

Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - 23 năm, bị hại liên tục kêu oan cho 'hung thủ'

Thứ Năm 21/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Theo gia đình Trần Văn Vót, thì từ khi phải thụ án đến nay, Trần Văn Vót vẫn liên tục kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội.../ Vụ án kinh hoàng

Trần Văn Vót bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội: “Giết người” với vai trò chủ mưu, đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh ném, và “tàng trữ trái phép vũ khí”, “phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội” “gây rối trật tự công cộng”, còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về hành vi “giết người”.

Ngoài ra, còn một số người khác bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về các tội danh khác như “gây rối trật tự công cộng”…Trong các ngày 23-26/2/1994, TAND tỉnh Nam Hà đã đưa vụ án ra xét xử.

Cụ Trần Anh Điền tường thuật lại, thì đây là một phiên tòa khá lạ lùng: Các nhân chứng và 21 người Nhân Phúc bị thương không được triệu tập. Ngoài vợ chồng cụ là đại diện cho nạn nhân Trần Văn Việt, thì thân nhân của những bị cáo cũng không được vào tòa.

Bản án số 37 ngày 26/2/1994 của TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt Trần Văn Vót: Tù chung thân về tội giết người, 10 năm tù về tội phá hoại việc thực hiện chính sách xã hội, 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí, 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng, tổng hợp hình phạt chung cho cả 4 tội là tù chung thân. Phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”. Các bị cáo chống án.

Từ ngày 25-27/8/1994, tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã phúc thẩm vụ án trên. Tình hình vẫn không có gì khác trước, những người trên vẫn không được vào tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Bá Khôi viết giấy đưa cho luật sư cầm ra, yêu cầu lực lượng công an bảo vệ phiên tòa cho những người trên vào, nhưng công an không chấp hành. Thấy thế, cụ Điền đã hỏi ông Khôi:

- Ông điều hành phiên tòa hay là công an điều hành phiên tòa? Đã vậy thì tôi không dự tòa nữa.

Rồi cụ bỏ phiên tòa ra về. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh cùng các nhà báo cũng bỏ về theo. Tuy vậy, phiên tòa vẫn tiếp tục. Bản án hình sự phúc thẩm số 1030 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm.

Bản án kết tội Trần Văn Vót đã đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném vào đám đông xã viên Nhân Phúc chỉ dựa hoàn toàn vào lời khai của Trần Ngọc Thanh.

Tại cả 2 phiên tòa, Thanh đều khai rằng mình không có mặt ở bãi Bạc Hà và cánh đồng Thanh Lan vào chiều 29/11/1992. Nhưng khi bị bắt về trại tạm giam của công an tỉnh, Thanh đã bị dùng nhục hình để ép phải nhận như vậy. Nhưng lời khai tại tòa này không được chấp nhận.

Kể từ sau ngày 29/11/1992, ngày xảy ra vụ ném lựu đạn khiến con trai mình là Trần Văn Việt bị chết, đến nay là 23 năm, cụ Trần Anh Điền liên tục kêu oan cho Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, với những chứng cứ như:

-Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường khi xảy ra vụ án.

- 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn được ném từ phía người Thanh Nga sang phía người Nhân Phúc.

Rất nhiều nhân chứng khác cũng đã xác nhận tình trạng Thanh và Vót ngoại phạm khi vụ án xảy ra. Bà Trần Thị Bông, SN 1944, xóm 4 (Lý Nội) xã Phú Phúc, xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, khi tôi đi về từ nhà bà Chằng, mẹ đẻ tôi, đến ngõ Hải Mạc thì gặp Trần Ngọc Thanh và Đạt đi làm đất về. Ngay sau đó thì tôi nghe tiếng nổ ở ngoài bãi”. Xin lưu ý là từ chỗ bà Bông gặp Thanh đến hiện trường vụ án, khoảng cách là hơn 1km.

Chị Trần Thị Vân, SN 1977, trú quán xóm 4 (Lý Nội) xã Phú Phúc, xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, tôi đi trồng ngô ở ngoài bãi về, đến nhà chú Thu xóm 4 (Lý Nội) thì nghe tiếng nổ ngoài bãi, khi về đến ngõ nhà bà Nhiệm xóm 4 (Lý Nội) tôi gặp anh Trần Ngọc Thanh đi từ phía Tây Lang về. Anh nói là đi vác đất cho ông Tòng về. Lúc đó anh mặc quần soóc, cởi trần và tay cầm áo”.

Ông Trần Văn Thận, SN 1945, trú quán tại xóm 4 (Lý Nội) xác nhận: "Chiều ngày 29/11/1992, tôi đang lấy bùn ở ao nhà ông Quắc và ông Bàng, đều ở xóm 4 (Lý Nội) để trát lò gạch thì tôi nghe tiếng lựu đạn nổ. Ngay sau đó khoảng 5 phút tôi gặp anh Trần Ngọc Thanh mặc quần soóc, cởi trần, tay cầm áo đi về nhà. Tôi hỏi thì anh trả lời cháu đi làm đất cho ông Tòng”.

Chị Trần Thị Sang, hàng xóm nhà Trần Văn Vót, khẳng định: "Chiều ngày 29/11/1992, anh Vót ngồi chơi với chồng tôi ở nhà tôi. Nghe tiếng nổ ngoài bãi, anh Vót mới chạy ra”.

10-38-09_b-con-thon-nhn-phuc-keo-den-cung-cp-thong-tin-ve-vu-n-cho-pv-bo-nnvn
Bà con thôn Nhân Phúc kéo đến cung cấp thông tin về vụ án cho PV Báo NNVN

Ngày 11/12/1998, Phó chánh tòa Hình sự TANDTC Nguyễn Văn Hiện (sau là Chánh án TANDTC và hiện là Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã ký công văn số 515/HS gửi vụ 3 VKSNDTC, có nội dung: "Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1030 ngày 25-27/8/1994, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã kết án Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “giết người”.

Sau khi xét xử phúc thẩm, gia đình bị cáo có đơn khiếu nại nên ngày 10/8/1995 TANDTC đã có công văn số 263 trả lời gia đình bị cáo. Ngày 16/11/1998 ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (bố và mẹ bị cáo Trần Ngọc Thanh) và đại diện gia đình, họ tộc người bị hại Trần Văn Việt tiếp tục khiếu nại và đưa ra một số chứng cứ cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc tòa án kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh. Theo ý kiến của Chánh án TANDTC và căn cứ quy định tại các điều từ 260 đến 263 Bộ luật TTHS, TANDTC chuyển đơn khiếu nại đến vụ 3 VKSNDTC để giải quyết theo thẩm quyền”.

Nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Theo gia đình Trần Văn Vót, thì từ khi phải thụ án đến nay, Trần Văn Vót vẫn liên tục kêu oan, và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, vì cho rằng mình không có tội (Còn nữa).

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.