| Hotline: 0983.970.780

Lo bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Sáu 18/02/2022 , 17:40 (GMT+7)

KON TUM Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cảnh báo, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp với nguy cơ bùng phát cao.

Dịch tả lợn Châu phi tại Kon Tum đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Tuấn Anh.

Dịch tả lợn Châu phi tại Kon Tum đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận tại xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), địa phương có số con heo bị chết nhiều do mắc dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, trên địa bàn xã Hiếu đã có 37 con heo bị chết do dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy với trọng lượng 434 kg. DTLCP tại địa phương này đang có nguy cơ phát sinh, lây lan cao.

Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết, DTLCP xuất hiện trên địa bàn rất khó kiểm soát, nguyên nhân nhiều khả năng do thức ăn không đảm bảo. Ngoài ra, nguyên nhân khác có thể do nguồn bệnh trong môi trường. 

“Hiện DTLCP không phát sinh đồng loạt trên địa bàn xã nên khi dịch bệnh xuất hiện ở khu vực nào sẽ khoanh vùng dập dịch khu vực đó. Mặt khác, chúng tôi cũng đang chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm về môi trường xem có phải là nguyên nhân dẫn đến DTLCP bùng phát hay không để có phương án tiêu độc khử trùng”, ông Vinh cho biết.

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Kon Tum là 156.500 con. Năm 2021, tỉnh Kon Tum đã có gần 5.400 con gia súc (chủ yếu là trâu, bò và lợn) mắc bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, DTLCP, viêm da nổi cục… Lực lượng chức năng đã buộc phải tiêu hủy 1.653 con gia súc, gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp.

Trong tháng 1/2022, toàn tỉnh đã phát sinh và tiêu hủy 139 con lợn mắc bệnh DTLCP với trọng lượng hơn 4,3 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 ổ DTLCP chưa qua 21 ngày tại Sa Loong (huyện Ngọc Hồi), xã Hiếu (Kon Plong), xã Mô Rai (Sa Thầy), Thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô).

Lực lượng chức năng đang tập trung nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Lực lượng chức năng đang tập trung nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, hầu hết dịch bệnh phát sinh ở những hộ chăn nuôi có quy mô nông hộ, điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học và nuôi theo phương thức thả rông. So với cùng kỳ năm trước, tình hình bệnh DTLCP xảy ra thấp hơn kể cả quy mô ổ dịch, số lượng gia súc mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy.

Theo ông Mai, tình hình thời tiết hiện có nguy cơ rất cao khiến bệnh DTLCP bùng phát, nền nhiệt giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức đề kháng của vật nuôi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Kết hợp với đó là các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ ngày càng phức tạp, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm và lây lan ngày càng cao.

Để ngăn chặn DTLCP, các cơ sở chăn nuôi cần kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt. Bên cạnh đó, cần cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt mầm bệnh trong thức ăn, đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

Xem thêm
Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.