Đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, xử lý
Trước đó, trong một văn bản trả lời về hoạt động đào tạo, GS.TS.NGƯT Đỗ Minh Nghiệp – Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Chu Văn An, đã thừa nhận việc nhà trường mở các lớp đào tạo “chui” tại Thái Bình, Hải Phòng là chưa đúng quy định.
Do đó, sau khi có thông tin phản ánh, trường đã cho dừng ngay việc đào tạo tại đây. Toàn bộ số học viên đang theo học tại đây đã chuyển về học tập tại trường theo đúng qui định (hàng tuần có xe đưa đón sinh viên đi lại).
Đồng thời, đại diện trường ĐH Chu Văn An cũng thừa nhận: “Việc dạy và học chưa đảm bảo chất lượng, công tác quản lý chưa chặt chẽ nên nhà trường đã rút kinh nghiệm và kiểm điểm các bộ phận liên quan”.
Đối với các lớp tại Thái Bình và Hải Phòng, nhà trường đã cho rà soát lại toàn bộ quy trình tuyển sinh và đào tạo bám sát vào khung chương trình đào tạo theo quy định, bổ sung các môn học, đầu tư thêm giáo trình giáo án đảm bảo đúng quy định.
Trước đó, trao đổi với PV NNVN, ông Dương Phan Cường – Bí thư Đảng ủy trường Đại học Chu Văn An cho biết, những năm qua các đoàn thanh tra của UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Giáo dục đào tạo và Thanh tra Chính phủ cũng vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, những sai phạm của Đại học Chu Văn An vẫn tiếp diễn mà không bị phát hiện và xử lý.
Ngôi trường 8 năm bất yên
Theo quy định của pháp luật, người có thẩm quyền cấp Bằng tốt nghiệp đại học do hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện được phép đào tạo trình độ đại học cấp. Tuy nhiên, ĐH Chu Văn An gần 8 năm qua không có hiệu trưởng và suốt từ năm 2017 đến nay, trường cũng không có Hội đồng trường. Nói cách khác, “cơ quan đầu não” của trường Đại học không còn tồn tại, giống như rắn mất đầu.
Vậy một ngôi trường như vậy có đủ năng lực để tuyển sinh hàng trăm, hàng ngàn sinh viên trình độ đại học và sau đại học mỗi năm?
Ông Dương Phan Cường thừa nhận: “Có thể khẳng định rằng trường ngày càng đi xuống một cách thậm tệ. Trường là gì? Trường là nơi dạy học mà không có sinh viên thì lấy ai để dạy?”.
“Em thấy vừa rồi nhân viên của trường còn lại không nhiều, chỉ mấy chục thôi... 8 năm nay rồi sự bất yên diễn ra liên tục, và hơn 30 người nghỉ việc”. Ở Hưng Yên không thể nào đủ nhân lực để đào tạo được, phải mời rất nhiều thầy từ Hà Nội về dạy. Mà mời từ Hà Nội về Hưng Yên thì không phải lúc nào (các thầy) cũng đi được, có ngày đi, ngày không.
Bí thư Đảng ủy trường ĐH Chu Văn An cũng khẳng định: “Trong trường chỉ có 700 – 800 sinh viên, chưa bằng nổi một khoa một năm của một trường lớn”.
Về trường ĐH Chu Văn An vào những buổi trong giờ hành chính, tất cả các phòng học trống trơn sinh viên. Bởi, theo một cán bộ phòng Kế hoạch – Tài chính của trường, suốt 2 năm qua trường không tuyển sinh được sinh viên hệ chính quy tập trung nào.
Thật xót xa cho một ngôi trường tư thục, từng là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên, do Thủ tướng ký quyết định thành lập.
Làm việc với ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đem những câu hỏi: “Làm thế nào để kiện toàn lại tổ chức bộ máy của trường ĐH Chu Văn An? Và làm thế nào để chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo không đúng quy định của ngôi trường này?
Ông Hưng trả lời rằng, việc thực hiện thanh tra hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT (bởi trường ĐH Chu Văn An trực thuộc Bộ GD-ĐT. Việc Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì tiến hành thanh tra hành chính đối với trường ĐH Chu Văn An từ năm 2012 đến nay theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là không phù hợp (điều này đã được Thanh tra Chính phủ trả lời rõ tại văn bản số 2132/TTCP-V.III ngày 22/11/2019).
UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT chỉ đạo giải quyết đối với trường ĐH Chu Văn An. Tuy nhiên đến nay, những lùng nhùng của ngôi trường này vẫn chưa được giải quyết.
Sẽ chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo
Trong văn bản trả lời cơ quan báo chí ngày 30/6/2020, ngoài việc thẳng thắn thừa nhận những vi phạm trong hoạt động đào tạo, GS.TS.NGƯT Đỗ Minh Nghiệp – Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Chu Văn An, cho biết nhà trường đang thay đổi lại cách thức quản lý và điều hành công việc.
Nhà trường cam kế xây dựng chương trình đào tạo hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, đồng thời nhanh chóng thực hiện theo Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 31/12/2019 để thành lập Hội đồng trường, không để xảy ra mâu thuẫn nội bộ, đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng thêm các ngành nghề có nhu cầu.