Trong ngày hôm qua, người dân ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) tiếp tục đổ xô đến các siêu thị lớn “dọn dẹp” hầu như sạch sẽ các kệ hàng mì ăn liền, gạo, khăn giấy, thịt- cá đóng hộp và nước uống… Bầu không khí căng thẳng thể hiện rõ trên khuôn mặt người dân khi nỗi sợ hãi xảy ra đại dịch coronavirus tiếp tục lan rộng.
Các nhà khai thác bán lẻ hàng đầu đất nước như Tesco Lotus, The Mall Group và Big C đều thừa nhận rằng, các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày đã bị dân tình khuân đi một cách nhanh chóng kể từ cuối tuần trước.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy cảnh này. Thoạt tiên chúng tôi nghĩ rằng là do trúng vào ngày khuyến mãi lớn, nhưng phần lớn hàng hóa mà người mua lựa chọn là các mặt hàng thực phẩm dự trữ lâu như đồ khô và thực phẩm đóng hộp và nước uống. Hóa ra là do người dân lo ngại về nguy cơ xảy ra dịch viêm phổi cấp nCoV", Chairat Petchdakul, Phó chủ tịch chuỗi siêu thị The Mall Group, thuộc tập đoàn Gourmet Market cho biết.
Ông Chairat cũng lên tiếng chấn an sẽ đảm bảo đủ nguồn cung các loại sản phẩm thiết yếu cho người dân, mặc dù khâu vận chuyển có thể sẽ bị chậm trễ do việc lấy hàng từ các nhà sản xuất đến phân phối bị quá tải.
Lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết, họ đã tăng gấp đôi sản lượng hàng lưu kho từ 15 lên 30 ngày để tránh tình trạng khủng hoảng thiếu và đảm bảo rằng người tiêu dùng có đủ nguồn cung sản phẩm.
Đại siêu thị Big C và Tesco Lotus ở tỉnh Nonthaburi, giáp ranh thủ đô Bangkok cũng xuất hiện dòng người xếp hàng dài tình trạng để gom hàng hóa kể từ thứ Sáu tuần trước do lo sợ bị phong tỏa tránh dịch bệnh như ở Vũ Hán (Trung Quốc) đợt vừa qua.
Theo tờ Bangkokpost, hiện Đại sứ quán Thái Lan tại Seoul đã nhận được thông báo sẽ có hơn 5.000 người lao động nước này quay trở về nước.
"Tôi không biết liệu giới chức có biện pháp hiệu quả để kiểm soát được một lượng lớn người lao động Thái Lan trở về từ Hàn Quốc hay không? Nếu không đầy đủ và nghiêm ngặt thì hậu quả sẽ rất tồi tệ. Tôi rất lo lắng nên phải đi siêu thị mua đồ dự trữ cho từ 1-2 tháng", bà Mintita nói.
Pun Paniengvait, nhà quản lý tập đoàn thực phẩm Thai President Food Plc tiết lộ, phía nhà sản xuất mì gói Mama hiện vẫn đảm bảo ổn định nguồn cung khoảng 10 triệu gói mỗi ngày. Con số này mới đạt khoảng 70-80% năng lực sản xuất của hệ thống và có thể đẩy lên 15 triệu gói/ngày nếu cần thiết.
Hiện nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền bình quân trên đầu người ở Thái Lan là khoảng 45,9 gói mỗi năm. "Đừng lo lắng về sự thiếu hụt sản phẩm. Chúng tôi có thừa năng lực để phục vụ toàn bộ dân số đất nước", ông Pun nói.
Bà Mintita Thowkam, 33 tuổi cho biết, bà đã bắt đầu tích trữ hàng hóa vì lo sợ coronavirus do không tin tưởng vào các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm soát sự lây lan.