| Hotline: 0983.970.780

Bà con dân tộc thiểu số khấm khá nhờ trồng quế

Thứ Sáu 25/11/2022 , 14:05 (GMT+7)

Cây quế giúp bà con thiểu số ở Xuân Tầm đổi đời, có cuộc sống khá hơn. Ở đây có khoảng 700 hộ dân người Dao đỏ thì nhà nào nhà nấy đều trồng quế.

Đời cây đời người 8

Cây quế cổ thụ một người ôm không xuể ở Xuân Tầm (huyện Văn Yên, Yên Bái). Ảnh: Thanh Hải

Bào tổn được giống gen quý

Trong 4 xã trồng quế hữu cơ nổi tiếng của Yên Bái thì quế hữu cơ của Xuân Tầm có giá trị cao bởi chất lượng ổn định, và được khai thác bền vững qua nhiều năm. Xã Xuân Tầm cũng có thể coi là thủ phủ của cây quế hữu cơ vì số diện tích trồng lên tới hàng nghìn héc ta.

Không những vậy cây quế còn được coi là loại cây đời người, gắn bó qua nhiều thế hệ người dân nơi này. 95% dân số ở xã Xuân Tầm là người Dao đỏ nên từ hàng trăm năm nay bà con đã quen với việc trồng quế. Cây quế còn được coi là loại cây chủ lực phát triển kinh tế ở nơi này vì đã giúp Xuân Tầm thay đổi diện mạo từ một vùng đất khó thành một nơi đáng sống, xanh, sạch đẹp.

Theo UBND xã Xuân Tầm, địa bàn xã hiện nay còn hơn 70 cây quế cổ thụ trên 100 năm tuổi, có đường kính một người ôm không xuể. Chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn cùng nhau bảo tồn những cây quế này bằng cách chỉ thu lượm hạt quế rồi mang về trồng và nhân giống.

Các cây quế này không ai được phép khai thác, hoặc gây hư hại… Mỗi năm, một cây quế cổ thụ cho thu hoạch 5-7kg hạt do đó với số lượng quế cổ thụ trên địa bàn đảm bảo cho người dân Xuân Tầm luôn có nguồn gen quý phát triển rừng quế.

Khi cây quế có đầu ra, có chất lượng ổn định thì ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến Xuân Tầm đặt mối làm ăn, thu mua sản phẩm của bà con. Theo người dân, Công ty Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) từ 2009 đến nay đã thu mua sản phẩm quế của bà con nhân dân địa phương và từ Hợp tác xã Bách Lâm có cơ sở trên địa bàn xã. Không những vậy, quế ở Xuân Tầm còn được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm đồ lưu niệm lạ và đẹp mắt.

Ông Bàn Văn Phây ở thôn Khe Đóm cho biết, “nhờ có giống quế ở địa phương và được thừa kế nghề trồng quế từ ông bà, bố mẹ nên sau này kinh tế gia đình ổn định. 9 người con của tôi cũng lớn lên nhờ làm kinh tế từ cây quế. Ở đây không nhà nào là không trồng quế cả”.

Cho đến nay, cây quế đã trở thành cây giúp cho bao nhiêu thế hệ người Dao đỏ ở đây có một cuộc sống ấm no hơn, nhà cửa kiên cố khang trang hơn.

Đời cây đời người 4

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ quế. Ảnh: T.L

Khấm khá nhờ cây quế

Ông Triệu Tòn Vặng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm cho biết, quế của Xuân Tầm được ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt. Do đó, ngoài việc hỗ trợ duy trì đầu ra ổn định cho bà con, xã còn kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở lớp đào tạo nghề quế ngắn hạn tại xã. Tại những lớp học này bà con được hướng dẫn trồng quế hữu cơ, từ khâu chăm sóc đến sản xuất các sản phẩm từ quế.

Xã Xuân Tầm có khoảng 700 hộ dân làm kinh tế bằng nghề trồng quế, với diện tích quế lên tới 3.500ha, bao phủ tới gần ½ diện tích xã. Tháng 7/2021, xã đã thoát nghèo, vươn lên trở thành xã vùng 2 của huyện Văn Yên. Cây quế đã trở thành cây chủ lực, là loại cây đổi đời nhưng để làm được điều này không thể kể đến sự đùm bọc, chia sẻ của bà con với nhau.

Bà Hà Thị Bình, thôn Trung Tâm làm một trong số hộ trong xã có thu nhập khá cao từ cây quế. Mỗi năm, gia đình bà thu về khoảng 1 tỷ đồng từ loại cây này. Khi cuộc sống khấm khá hơn bà giúp đỡ những hộ dân lân cận, cho họ vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Không có vốn thì cho vay vốn, không có giống thì cho mượn giống và chia sẻ kinh nghiệm với bà con để ai ai cũng có thể giàu lên từ cây quế.

Cũng theo bà Hà Thị Bình, từ năm 1988 nhà bà đã có quế để xuất bán, khoảng 3 tấn vỏ quế khô mỗi năm và nhờ những nguồn thu ổn định nên có điều kiện giúp đỡ những bà con khó khăn khác cùng vươn lên, xây dựng kinh tế gia đình.

Ông Bàn Tiến Đức, thôn Khe Đóm xuất thân từ gia đình khó khăn, đông con. Sau khi học xong cấp 3, ông quyết tâm khai hoang để trồng quế. Tới nay gia đình ông đã có khoảng 8ha quế. Cũng chính từ nguồn thu từ rừng quế này, gia đình ông không phải sống trong cảnh nhà gỗ dột nát và đã xây dựng căn nhà riêng kiên cố 150m2, khang trang. Cùng với các sản phẩm nông nghiệp xen canh giữa mùa quế, gia đình ông thu nhập mỗi năm lên tới 300 triệu đồng.

Ông Bàn Tiến Đức cho biết, việc trồng quế được những người có kinh nghiệm trong thôn hướng dãn và hỗ trợ kỹ thuật của xã nên cây quế của gia đình sinh trưởng phát triển ổn định. Từ cây quế, các con tôi được di học giờ có đứa đỗ đại học. Sau này, khi tốt nghiệp, các con sẽ về xây dựng quê hương.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.