| Hotline: 0983.970.780

Cây quế 'cứu cánh' cho bà con vùng cao trước hạn hán kéo dài

Thứ Tư 17/05/2023 , 06:26 (GMT+7)

LÀO CAI Vụ xuân năm nay, nhiều vùng cao Lào Cai bị hạn hán kéo dài, không thể trồng lúa, ngô... Rất may nhờ có cây quế nên bà con có thu nhập trang trải cuộc sống.

Cái gì từ cây quế cũng thu được tiền

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang tập trung thu hoạch quế bán cho tư thương tại địa bàn xã và chở ra xưởng quế tại Phong Niên (huyện Bảo Thắng) tiêu thụ.

Bà con vùng cao xã Cốc Ly thu bán cành, lá quế khô. Ảnh: Xuân Cường.

Bà con vùng cao xã Cốc Ly thu bán cành, lá quế khô. Ảnh: Xuân Cường.

Bà con trồng quế cho biết về cơ bản, vụ thu hoạch này tình hình tiêu thụ ổn định, giá quế tương đương như năm trước, đầu vụ xuân giá cao và giảm dần từ cuối tháng 4, song mức giá quế vẫn khá cao. Vụ này, nhiều diện tích quế tại xã Cốc Ly đến thời kỳ tỉa cây con trồng dày và tỉa cành lá. Vụ xuân năm nay, do hạn hán kéo dài, một số diện tích không trồng cây được ngô, lúa nên cây quế trở thành "cứu cánh" chính cho người dân nơi đây.

Cốc Ly là xã vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá. Xã có diện tích, dân số lớn và là xã có nhiều thôn nhất huyện với 19 thôn, chủ yếu là thôn vùng cao trên đỉnh đồi núi và 3 thôn trải dài bên các khu đồi, thung lũng nhỏ theo con đường vào xã, bên bờ sông, quần tụ quanh hồ thủy điện Cốc Ly và đây cũng là xã mới phát triển diện tích cây quế với số lượng diện tích lớn của huyện trong mấy năm gần đây. Vì vậy, cây quế ở đây cơ bản đang đến kỳ tỉa cây nhỏ trồng dày và tỉa cành, lá bảo đảm mật độ sinh trưởng.

Hiện nay, bên cạnh các tư thương từ huyện Bảo Thắng và xưởng quế tại xã Phong Niên thu mua, gia đình anh Bàn Văn Thanh, dân tộc Dao ở thôn Lùng xa 1, xã Cốc Ly đã mở đại lý thu mua cây quế nhỏ tỉa thưa và các sản phẩm vỏ quế, lá quế.

Vốn là người dân trồng quế, kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp, mở đại lý thu mua quế nên anh Thanh am hiểu tình hình trồng, thu hoạch, tiêu thụ quế trên địa bàn. Theo anh Thanh, mấy năm nay giá quế khá cao, ổn định, tiêu thụ thuận lợi.

Năm nay, gia đình anh Bàn văn Thanh ở thôn Lùng Xa 1 mở đại lý thu mua các sản phẩm quế nên bà con trong xã Cốc Ly rất thuận lợi tiêu thụ. Ảnh: Xuân Cường.

Năm nay, gia đình anh Bàn văn Thanh ở thôn Lùng Xa 1 mở đại lý thu mua các sản phẩm quế nên bà con trong xã Cốc Ly rất thuận lợi tiêu thụ. Ảnh: Xuân Cường.

Trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình giá quế khá cao và ổn định, vỏ quế khô từ 50 - 60 ngàn đồng/kg, vỏ quế tươi 26 - 28 ngàn đồng/kg. Từ đầu tháng 4/2023 trở lại đây, giá quế giảm nhẹ và giữ ở mức vỏ quế khô 48 - 50 ngàn đồng/kg, vỏ quế tươi 23 - 24 ngàn đồng/kg, còn lá quế vẫn ở mức mua tại chỗ 1.500đ/kg, mang ra xưởng quế ở xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng) có giá 2.000đ/kg; giá cây quế non tươi tỉa thưa ổn định khoảng 2.500đ/kg. Nhìn chung giá ở mức này giúp người dân yên tâm, thu nhập ổn định.

Không có cây quế thì gay go

Vụ thu hoạch quế vụ xuân năm 2023 ở Cốc Ly bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Các sản phẩm từ cây quế thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. 

Gia đình anh Đặng Văn Ngoan, dân tộc Dao ở thôn Làng Pàm (xã Cốc Ly) là một trong số các hộ trồng quế đầu tiên và diện tích thuộc diện nhiều nhất xã với trên 5 vạn cây, tương đương gần 7ha quế từ 4 - 9 năm tuổi. Hiện các diện tích quế gia đình anh đã và đang cho thu hoạch, trong đó có hơn 1 vạn cây trồng đầu tiên năm 2015 có thể cho thu hoạch toàn bộ, còn lại 4 vạn cây đã cho thu hoạch tỉa, hứa hẹn nguồn thu tiền tỷ trong tương lai.

Anh Ngoan cho biết, nhận thấy giá trị cây quế ngày càng cao nên anh không thu hoạch toàn bộ mà chủ yếu thu hoạch tỉa cành, lá, mỗi năm cũng thu từ 10 - 20 triệu đồng đủ trang trải ổn định đời sống. Hiện ngoài việc chăm sóc cây quế, anh còn đi làm thêm việc khác kiếm thêm thu nhập, đợi giá quế cao hơn sẽ thu hoạch với quy mô lớn.

Năm nay, các sản phẩm từ cây quế đều tiêu thụ rất thuận lợi với giá cao và ổn định. Ảnh: Xuân Cường.

Năm nay, các sản phẩm từ cây quế đều tiêu thụ rất thuận lợi với giá cao và ổn định. Ảnh: Xuân Cường.

"Năm nay hạn hán kéo dài, thiếu nước, nhiều nhà không trồng cây ngô, cây lúa được, trồng rau cũng khó, may mà có cây quế mới có nguồn thu lấy tiền mua gạo, mắm muối, không thì đói", anh Ngoan nói.

Đa số các hộ dân trên địa bàn xã Cốc Ly hiện nay trồng quế từ 5.000 đến trên 1 vạn gốc/hộ và phần lớn diện tích quế trong xã đang từ 5 - 9 năm tuổi, đã và đang cho thu hoạch tỉa cây, vỏ, cành, lá, cây non tỉa thưa giúp tạo thêm nguồn thu đáng kể.

Chị Lý Thị Yên, thôn Thẩm Phúc (xã Cốc Ly) cho biết, nhà trồng hơn 6.000 cây quế đã 8 - 9 năm tuổi, năm nay mới thu hoạch bóc vỏ quế lần đầu, chủ yếu tỉa lá, cành. "Năm nay hạn hán kéo dài, trồng cấy khó, may mà còn có cây quế nên có tiền mua gạo, muối, chi phí sinh hoạt…", chị Ngoan cho biết.

Ông Tráng Seo Páo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Ly cho biết, với hiệu quả lớn từ cây quế, xã Cốc Ly đã có nghị quyết xác định cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững và chú trọng mở rộng diện tích, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.

Hiện nay, xã Cốc Ly đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế. Ảnh: Xuân Cường.

Hiện nay, xã Cốc Ly đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế. Ảnh: Xuân Cường.

Hiện tổng diện tích quế toàn xã trên 1.500ha. Năm 2022, xã trồng mới 120ha, năm 2023 kế hoạch huyện giao trồng mới 200ha quế và hiện đã trồng được 160ha. "Năm nay do hạn hán, một số diện tích nương đồi không trồng được ngô, lúa vụ xuân. Mặt khác quế Cốc Ly đến thời điểm tỉa rộ nên các hộ nông dân chủ yếu thu tỉa cành, lá và cây quế non tỉa thưa. Tình hình tiêu thụ cơ bản ổn định, giá quế tương đương năm 2022 và khá cao. Nói chung duy trì ở mức 50 ngàn đồng/kg vỏ quế khô, 23 - 24 ngàn đồng/kg vỏ quế tươi, lá quế 2.000 đồng/kg là bà con vùng cao ở đây đã có thể sống khỏe", ông Páo nói.

Cây quế ở Cốc Ly đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Xã này đang tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng quế; chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại quế; xây dựng quy hoạch vùng và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế, sả nhằm chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong xã nói riêng và khu vực hạ huyện, góp phần giúp đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá… từng bước cải thiện, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.