| Hotline: 0983.970.780

Loại protein mới có thể cải thiện tỷ lệ sống của tôm tới 75%

Thứ Hai 21/11/2022 , 11:20 (GMT+7)

Tôm nuôi được cho ăn chế độ có chứa protein vi sinh Uniprotein, thay thế bột cá đã cải thiện tỷ lệ sống lên tới 75%- kết quả một thử nghiệm mới cho biết...

Các thử nghiệm ban đầu do tập đoàn thức ăn chăn nuôi Instituto de Investigación y Tecnología Agroalimentarias ở Tây Ban Nha, cho thấy rằng việc thay thế bột cá bằng Uniprotein sẽ làm tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Theo đó, bằng việc cho tôm ăn công thức 100% bột cá, tỷ lệ sống là 37% và bằng cách thay thế tất cả bột cá bằng Uniprotein thì tỷ lệ sống đã tăng lên từ 67% đến 75%. “Ngoài ra, Uniprotein cũng hoạt động tốt không kém gì bột cá về tỷ lệ chuyển đổi thức ăn. Kết quả này chỉ ra rằng ngành sản xuất tôm có thể cải thiện năng suất và lợi nhuận bằng cách thay thế bột cá bằng Uniprotein”, theo các chuyên gia.

Nhận xét về thử nghiệm, David Henstrom, giám đốc điều hành của công ty Unibio, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi rất vui mừng với kết quả tích cực này, điều đó đã khẳng định khả năng của Uniprotein như một chất thay thế bột cá trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Và điều quan trọng nữa là, nó đã chỉ ra rằng Uniprotein có thể tăng tỷ lệ sống của tôm lên khoảng 75%, và có khả năng biến đổi ngành tôm bằng cách cải thiện doanh số bán hàng và gia tăng lợi nhuận”.

Để kiểm chứng sâu hơn, dựa theo các kết quả từ các thử nghiệm ban đầu, một thử nghiệm thử thách với Vibrio harveyi sau đó đã được tiến hành để gây ra tác nhân gây căng thẳng cho tôm và điều tra xem liệu Uniprotein có ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch trong quá trình thử thách hay không.

Kết quả từ thử nghiệm này cho thấy, chế độ ăn trong đó Uniprotein đã thay thế 100% bột cá – đã làm giảm tỷ lệ tử vong từ 16% xuống 2%, nguyên do là Uniprotein đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch “bất ngờ thú vị” cần được nghiên cứu thêm.

Thử nghiệm dinh dưỡng ban đầu trên, dựa theo vòng đời của tôm và được tiến hành trong khoảng thời gian 5 tháng, bao gồm 24 bể nuôi tôm chứa 200 lít nước được kết nối với hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS). Mỗi bể chứa 100 con tôm post và 7 chế độ ăn khác nhau, trong đó các chuyên gia đã pha chế các tỷ lệ Uniprotein khác nhau để thay thế bột cá.

Trước đó hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng, một phần ba các đại dương trên thế giới hiện đang bị đánh bắt, khai thác quá mức và mức tiêu thụ cá đang ở mức cao nhất mọi thời đại, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của nguồn protein chính, cũng như là sinh kế của hàng triệu người trên thế giới.

Unibio là công ty công nghệ sinh học hàng đầu thế giới, đơn vị đã phát triển một công nghệ tiên tiến và độc đáo gọi là công nghệ lên men U-Loop – đã công bố các phương pháp sản xuất protein bền vững mới. Công nghệ lên men độc đáo của Unibio dựa trên việc chuyển đổi khí tự nhiên (mêtan) thành một sản phẩm protein đậm đặc, mang tên Uniprotein, bằng quá trình lên men của vi khuẩn.

Giới chuyên gia cho rằng, nguồn protein mới Uniprotein dự kiến sẽ phá vỡ chuỗi giá trị thực phẩm truyền thống và giảm thiểu những thách thức truyền thống bằng cách tách sản xuất protein khỏi khu vực nông nghiệp luôn biến động và ngành đánh cá đang căng thẳng. Uniprotein hiện đã được thử nghiệm làm thức ăn cho cá hồi, bê, lợn và gà, với kết quả khả quan về mức độ phù hợp và tốc độ tăng trưởng.

Trước đó, một nguồn nguyên liệu thức ăn thay thế cũng được lưu hành có tên là “đạm đơn bào – single cell protein”, được cho là có giá tính trên đơn vị khối lượng rẻ hơn giá khô dầu đậu nành 47% đạm khoảng 7% mà lại có hàm lượng đạm thô cao hơn 6% (tối thiểu 52% so với 47% ở khô dầu đậu nành), lại còn có ưu điểm là có nguồn cung đều đặn quanh năm. Tuy nhiên hạn chế chung của nhóm nguyên liệu đạm đơn bào này là thường có hàm lượng các thành phần acid amin khá thấp, trừ acid glutamic lại rất cao nên sẽ khó ứng dụng cho tất cả các loại công thức thức ăn mà thường chỉ phù hợp với thức ăn heo con (tập ăn hoặc giai đoạn sau cai sữa) vì giai đoạn này nhu cầu về acid glutamic của heo con khá cao.

Trong thực tế thì nguồn nguyên liệu đạm đơn bào này đang được ưa chuộng nhiều ở các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, nhất là ở các công thức thức ăn cho tôm, cá ăn mồi động vật hay ếch vì trong nguyên liệu này hầu như không chứa chất xơ, rất ít tinh bột và đường tự do vốn đều là những chất có tính kháng dinh dưỡng đối với động vật thủy sản ăn động vật (carnivore).

(The Fishsite; TH)

Xem thêm
Không cho tàu cá rời cảng nếu không trang bị đủ điều kiện an toàn

Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.