| Hotline: 0983.970.780

Người dân trước miệng hà bá vì những tuyến đê bị băm nát

Loay hoay tìm giải pháp

Thứ Năm 25/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Đê điều thi công dang dở, vừa hoàn thành đã xuống cấp; hiệu quả đầu tư xây dựng các công trình đê điều thấp. Thanh Hóa đang loay hoay tìm giải pháp.

Đơn vị thi công cung cấp hình ảnh xe quá tải chạy trên đê và cho rằng đó là nguyên nhân khiến đê hữu sông Chu đoạn qua xã Xuân Hồng xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi.

Đơn vị thi công cung cấp hình ảnh xe quá tải chạy trên đê và cho rằng đó là nguyên nhân khiến đê hữu sông Chu đoạn qua xã Xuân Hồng xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi.

Mối nguy từ xe quá tải, quá khổ

Lãnh đạo phòng Quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa lý giải, các công trình đê điều phải làm sao đảm bảo giảm thiểu được sự thẩm thấu của nước nên phải sử dụng đất sét để nâng cao trình.

Khi triển khai thi công cải tạo, nâng cấp các công trình này, các đơn vị thi công không thể bóc lớp đất sét đi mà chỉ lấy đi phần đất phong hóa, bê tông đã xuống cấp ở phía trên sau đó tiếp tục thi công bằng vật liệu bê tông hoặc nhựa theo thiết kế. Vì điều này, nền các công trình đê điều luôn yếu hơn các công trình giao thông khác.

Theo quy định, các xe lưu hành trên các tuyến đê như đê hữu sông Chu đi qua huyện Thọ Xuân chỉ cho phép phương tiện có trọng tải bao gồm cả thân xe bé hơn hoặc bằng 12 tấn.

Ông Lê Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân), địa phương có tuyến đê cấp 1 vừa được bàn giao vào cuối tháng 4/2020 đã xuống cấp, khẳng định: “Sau khi đơn vị thi công bàn giao công trình, địa phương đã tổ chức kiểm soát và không có tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông (?)”.

Nói như thế có nghĩa là công trình đê được thi công không đảm bảo chất lượng?

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban huyện Thọ Xuân đều thừa nhận, trên địa bàn huyện có rất nhiều điểm mỏ khai thác cát. Các điểm mỏ này có nhiều xe quá khổ, quá tải vận chuyển cát trên đường đê và đó cũng là một phần nguyên nhân khiến đê xuống cấp nhanh chóng.

“Theo camera gắn trên các tuyến đê, mỗi ngày có khoảng 3-4 lượt xe vượt quá tải trọng đi trên đê. Đó là một phần nguyên nhân khiến đoạn đê từ thị trấn Thọ Xuân đến Xuân Hồng xuống cấp nhanh chóng.

Hiện nay, UBND huyện Thọ Xuân đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh và sẽ kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải lưu hành trên đê nói riêng và trên các trục giao thông nói chung” – một cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thọ Xuân cho hay.

Cùng chung quan điểm trên, đại diện Phòng Quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa khẳng định, việc xe quá tải lưu thông là nguyên nhân khiến đê xuống cấp nhanh chóng.

Cụ thể, sông Chu dọc theo tuyến đê này có tới 4 bến cát đang hoạt động. Lưu lượng xe đi lại chở cát trên đê rất lớn, có những xe trọng tải 20-30 tấn.

Thanh Hóa có 2-3 km đê không có xe quá tải lưu thông thì chất lượng đê điều vẫn tốt. Ảnh: GoogleMap do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cung cấp.

Thanh Hóa có 2-3 km đê không có xe quá tải lưu thông thì chất lượng đê điều vẫn tốt. Ảnh: GoogleMap do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cung cấp.

“Sau khi nghe thông tin tuyến đê vừa bàn giao đã xuống cấp, Ban đã lên kiểm tra. Qua làm việc, đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đã cung cấp hình ảnh, video xe có tải trọng lưu thông trên tuyến đê này vượt nhiều lần quy định.

Ban đã báo cáo cấp có thẩm quyền và đề nghị UBND huyện Thọ Xuân vào cuộc quyết liệt ngăn chặn, xử lý xe quá tải.

Nếu đã bàn giao cho địa phương mà lý do xuống cấp được xác định là do lưu hành quá tải thì khi đơn vị thi công từ chối bảo hành chưa chắc mình đã làm gì được họ” – một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho hay.

Minh chứng cho tác động của xe quá tải đối với sự xuống cấp của các tuyến đê vừa mới thi công, có ý kiến cho rằng, những tuyến đê có chung thiết kế, kết cấu công trình như tuyến đê cấp 1 đi qua huyện Thọ Xuân nhưng không bị xe quá tải “hành” thì hiện vẫn đảm bảo.

Có thể kể đến tuyến đê tại Yên Định và TP Thanh Hóa, do ít tác động của xe quá tải, sau nhiều năm đưa vào sử dụng vẫn đang đảm bảo chất lượng.

“Rách như tổ đỉa”, vá bao giờ cho xong?

Một cán bộ cấp phòng thuộc Quản lý dự án 2 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa “hiến kế”, về lâu về dài, phương pháp đầu tư đồng bộ cho các công trình đê điều là điều cần thiết.

Người dân bức xúc và hoài nghi về hiệu quả đầu tư tu bổ đê điều tại Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân bức xúc và hoài nghi về hiệu quả đầu tư tu bổ đê điều tại Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, việc huy động doanh nghiệp đầu tư đường ven chân đê để phục vụ nhu cầu vận tải của họ, không cho xe quá tải chạy lên mặt đê là rất khó. Vì vậy, nếu xác định “sống chung” với xe quá khổ, quá tải, phải đầu tư đồng bộ, điều này cần nguồn ngân sách rất lớn.

Ngoài việc đắp thân đê đủ lớn thì phải đầu tư nâng cấp chân đê; đường giao thông dọc chân đê. Phải làm sao xây dựng được những con đê như ở Nghệ An, Ninh Bình thì may ra mới đảm bảo được mặt đê không bị xuống cấp.

Trước câu hỏi về hiệu quả đầu tư các công trình đê điều, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã từ chối trả lời.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng đầu tư các công trình đê điều tại Thanh Hóa, không ít người tỏ ra bi quan. Việc đầu tư các công trình đê điều tại Thanh Hóa hiện nay chỉ như muối bỏ bể, hễ vá víu chỗ này thì chỗ kia lại xuống cấp.

Theo tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, địa phương này đang có nhiều dự án đê điều dang dở.

Hiện nay, dự án đê, kè cửa sông Càn (Nga Sơn) tiếp tục đề xuất đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đê 4, huyện Nga Sơn, một phần dự án đã dừng thi công từ tháng 11/2016 do chưa bố trí được nguồn vốn (vốn còn thiếu khoảng 150 tỷ đồng). UBND tỉnh cũng đang tính đến phương án đề nghị Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện tuyến đê này.

Kè 2 bên bờ sông Lò, đoạn qua địa phận khu 2 thị trấn Quan Sơn; khu vực sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Tiến Thành và thôn La Thạch xã Thạch Định, huyện Thạch Thành hiện cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và di dân khẩn cấp tại những khu vực lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hai dự án nêu trên đã được đề xuất hỗ trợ kinh phí để thực hiện...

Thanh Hóa là tỉnh rộng lớn, người dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Bờ biển dài, nhiều dòng sông, nhiều công trình đê điều ách yếu. Theo thống kê, toàn tỉnh có tới 1.008 km đê điều các loại.

Mỗi năm, nguồn ngân sách đầu tư khắc phục các công trình đê điều tại Thanh Hóa rất lớn. Thực trạng xuống cấp, đầu tư kém hiệu quả đang khiến cho người dân các vùng sống xung quanh khu vực đê điều hết sức lo lắng.

Hoài nghi về năng lực ban quản lý dự án

Với kỳ vọng sẽ huy động, điều tiết, quản lý hiệu quả việc xây dựng các công trình trọng điểm trong phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa.

Song, điều khiến dư luận hết sức băn khoăn là, không những tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm mà các công trình xuống cấp nhanh chóng. Không ít công trình trọng điểm thời gian gần đây, tỉnh đã giao cho các huyện làm chủ đầu tư.

Điều này đang dấy lên hoài nghi về chất lượng thực sự của các công trình và năng lực huy động nguồn vốn và khả năng quản trị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.