| Hotline: 0983.970.780

Sau loạt bài Thiết bị giám sát hành trình "hành" ngư dân-Rào cản gỡ "thẻ vàng"

Lời gan ruột của lãnh đạo Sở ở nơi đội sổ về gỡ 'thẻ vàng'

Thứ Sáu 01/07/2022 , 10:12 (GMT+7)

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Thị Na chia sẻ lời gan ruột về bất cập của thiết bị giám sát hành trình và những giải pháp cần làm ngay.

Cần ban hành ngay quy định, quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình

Là người chịu trách nhiệm về thiết bị giám sát hành trình tàu cá ở địa phương, sau loạt bài của Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà có suy nghĩ gì?

Thực tế Báo NNVN nêu, chúng tôi rất đau đầu việc thực thi trách nhiệm của mình. Theo tôi, để quản lý được giám sát hành trình các tàu cá phải nâng cao được chất lượng thiết bị.

Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến bên phía nhà cung cấp. Chúng ta nói họ có làm không? Đương nhiên sẽ không! Thế thì Bộ NN-PTNT trước tiên cần phải phối hợp với các ngành, Bộ KHCN và một số Bộ, ngành ban hành ngay quy định, quy chuẩn đúng với thiết bị giám sát hành trình. Để trên cơ sở đó, các địa phương có căn cứ để quy trách nhiệm nhà cung cấp.

Thứ hai, Bộ NN-PTNT phải có cơ chế chính sách đào tạo, hướng nghiệp cho các lực lượng kỹ thuật viên ngành thủy sản. Điều này nhằm đảm bảo các kỹ thuật viên nắm rõ được kỹ thuật cũng như có thể kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá có hư hỏng hay không, lỗi ở đâu... để từ đó xem xét xem trách nhiệm thuộc về bên nào.

Thứ ba, bản thân nhà mạng cần phải nâng cao chất lượng, đảm bảo sự ổn định của tín hiệu vệ tinh. Họ phải làm sao để kết nối được trạm bờ với các phương tiện đang đánh bắt, không bị mất tín hiệu, kể cả lúc đang đánh bắt xa bờ.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không phải thiết bị ngắt kết nối đều đổ hết lên đầu ngư dân

Có một thực tế, khi lỗi thiết bị xảy ra, nhiều người, trong đó có cả cơ quan quản lý hay đổ lỗi cho ngư dân, vì sao lại thế?

Chúng ta cũng cần phải nhìn ở nhiều khía cạnh, không phải thiết bị bị ngắt kết nối chúng ta đều đổ hết lên đầu ngư dân.

Riêng đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi đem ra xử lý, chúng tôi cũng phân tích xem lý do là gì. Phía nhà cung cấp đã cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra, chúng tôi cũng phải mời họ về làm việc để bảo đảm cam kết với bên cơ quan quản lý nhà nước là phía họ không được ký xác nhận với ngư dân là do thiết bị. Bởi vì nếu chúng tôi không làm vậy thì họ sẽ nghĩ là lỗi do ngư dân

Đồng thời, vấn đề ở đây cũng có liên quan đến chính sách cạnh tranh, nên nếu nhà cung cấp không đảm bảo được quyền lợi cho mình, thì mình sẽ chủ động chuyển sang làm việc với đơn vị khác, nhà cung cấp sẽ bị mất doanh số. Cho nên, khi làm việc chúng tôi phải gây áp lực cho họ.

Vừa rồi chúng tôi đã mời một số nhà cung cấp từ phía Bắc vào đây làm việc cam kết đảm bảo chất lượng cho ngư dân. Không thể ràng buộc ngư dân khi chưa xác định cụ thể lỗi do đâu, vì như vậy sẽ gây thiệt hại cho bà con.

Như vậy, phải xác định được lỗi do ai, phải có người chịu trách nhiệm chứ, thưa bà?

Người dân mua thiết bị giám sát qua một số đại lý vì các cơ sở sản xuất ở rất xa nên các đơn vị thông qua đại lý để bán, lắp cho ngư dân, thậm chí đơn vị thu phí cũng là đơn vị khác. Vậy nên khi máy hỏng, ngư dân không phản ánh được đến những đơn vị trực tiếp sản xuất ra máy đó, đây cũng là một điều bất cập.

Trao đổi với lãnh đạo Bộ NN-PTNT vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị Bộ ban hành quy chuẩn, thậm chí có thể chỉ định luôn những nhà cung cấp đạt yêu cầu để chúng tôi có thể tư vấn cho ngư dân mua của hãng nào và yêu cầu các đơn vị đó phải làm sao bảo đảm, có cơ sở ở các tỉnh, đặc biệt vùng trọng điểm khai thác thủy sản, nhiều tàu bè như Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà cung cấp phải có cơ sở ở đây để hỗ trợ người dân sửa chữa khắc phục khi có sự cố xảy ra. Đây là vấn đề chúng tôi đang rất quyết liệt yêu cầu, kiến nghị rất nhiều trong các báo cáo gửi Bộ.

Hiện nay có những trường hợp ngư dân bị hỏng thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra xem có bao nhiêu thiết bị đang bị ngắt kết nối để nắm được nguyên nhân tại ngư dân hay thiết bị. Sau khi theo dõi, tôi thấy có những thời điểm thiết bị bị ngắt kết nối đến 300-400 chiếc/ngày, nguyên nhân là do thiết bị gặp lỗi, đặc biệt là do sóng yếu, ngư dân không bắt được sóng nên ở trạm bờ không thể kết nối.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau khi theo dõi, bà nhận thấy có những thời điểm thiết bị bị ngắt kết nối đến 300-400 chiếc/ngày do lỗi thiết bị. Ảnh: MS.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau khi theo dõi, bà nhận thấy có những thời điểm thiết bị bị ngắt kết nối đến 300-400 chiếc/ngày do lỗi thiết bị. Ảnh: MS.

Vừa qua khi thực hiện IUU, tỉnh chỉ đạo hàng ngày thông báo đến địa phương về những thiết bị tàu bị ngắt kết nối sau 6 tiếng, đề nghị địa phương phải làm việc ngay với chủ tàu để chủ tàu liên hệ với ngoài tàu đang khai thác xem thiết bị đó bị sao, trong đó cũng rất nhiều trường hợp thiết bị gặp lỗi.

Trong trường hợp như vậy và với giá nhiên liệu như hiện giờ, nếu xử lý ngư dân thì rất tội cho họ. Theo quy định, khi thiết bị bị ngắt kết nối, chúng tôi phải báo với cơ quan chức năng và cho đưa tàu về khôi phục, nhưng chúng tôi thấy điều này không khả thi, vì chi phí cho tàu từ ngoài khơi trở về là rất lớn.

Hiện ngư dân rất khó khăn, chúng ta không thể vì công tác quản lý mà yêu cầu người dân bỏ ra chi phí lớn quay lại bờ do thiết bị giám sát gặp lỗi được. Đây là điều chúng tôi đề xuất Bộ NN-PTNT cần phải có chế tài đối với nhà cung cấp.

Nhà cung cấp cam kết thôi chưa đủ

Vậy, cần phải làm gì để nhà cung cấp thiết bị thực hiện trách nhiệm của họ?

Vừa qua, Sở NN-PTNT cũng mời các đơn vị cung cấp đến làm việc, yêu cầu viết giấy cam kết đảm bảo về chất lượng và phải khắc phục kịp thời các lỗi. Tuy nhiên, dù viết cam kết nhưng nhà phân phối chưa thực hiện được, chưa bảo đảm được trách nhiệm với ngư dân.

Giấy cam kết được thực hiện với Chi cục Thủy sản, nội dung thứ nhất là họ không tiếp tay ngư dân xác nhận khống để tránh việc xử lý hành chính.

Thứ hai là cam kết đảm bảo chất lượng và khôi phục khắc phục kịp thời thiết bị hư hỏng nhưng thực sự cũng chưa có giải pháp nào tối ưu để thực hiện được cam kết này. Cái khó hiện nay là chưa có chế tài để xử lý trường hợp này và thứ hai là chưa có quy chuẩn của thiết bị. Chúng tôi không có cơ sở để dựa vào nói họ chưa đáp ứng được, trên thực tế là các thiết bị hoạt động chưa đảm bảo.

Cơ quan chức năng không có nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật

Năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát về thiết bị này của cơ quan chức năng đến đâu, thưa bà?

Thêm nữa là vấn đề chuyên môn. Cùng với đó tàu lắp giám sát hành trình đa số là thiết bị đánh bắt xa bờ, mà những tàu đó thuộc quyền quản lý của Trung ương.

Vừa rồi chúng tôi tham mưu ký quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung ương kiểm soát vùng biển như hải quân, cảnh sát biển… các lực lượng đang quản lý ở các vùng biển khơi. Sở NN-PTNT chúng tôi chỉ thanh tra và biên phòng chỉ quản lý tàu xuất bến, thanh tra chỉ kiểm soát vùng bờ… trong phạm vi 6 hải lý, ra ngoài 6 hải lý chúng tôi không được quản lý.

Vì vậy, chúng tôi kí kết quy chế phối hợp và thường xuyên có những buổi họp giao ban với lực lượng hải quân, trao đổi khi có những sự việc xảy ra như tắt thiết bị giám sát hành trình hay có những vụ vi phạm IUU.

Các lực lượng sẽ chuyển hồ sơ cho chúng tôi và chúng tôi mời các ngành đến làm việc, kiểm tra cụ thể từng hành vi xem có vi phạm, có lỗi của người dân hay không, chúng tôi có biện pháp chỉ đạo ngành nào xử lý.

Sở NN-PTNT Bà Rịa- Vũng Tàu đã kí kết quy chế phối hợp và thường xuyên có những buổi họp giao ban với lực lượng hải quân, trao đổi khi có những sự việc xảy ra như tắt thiết bị giám sát hành trình hay có những vụ vi phạm IUU. Ảnh: MS.

Sở NN-PTNT Bà Rịa- Vũng Tàu đã kí kết quy chế phối hợp và thường xuyên có những buổi họp giao ban với lực lượng hải quân, trao đổi khi có những sự việc xảy ra như tắt thiết bị giám sát hành trình hay có những vụ vi phạm IUU. Ảnh: MS.

Lực lượng kiểm ngư cũng bày tỏ hạn chế là lực lượng không có chuyên môn để biết thiết bị này có hỏng thật hay không mà chỉ biết được thiết bị không hoạt động. Vì vậy, thực tế hiện nay đòi hỏi phải có chuyên môn để xác định được là lỗi do thiết bị hay ngư dân tắt.

Trong quá trình điều tra, cũng có một số trường hợp ngư dân khai tắt thiết bị, có trường hợp do thiết bị lỗi nhưng quá trình kiểm tra để xác định điều đó là tại sa,o thì cán bộ chấp pháp ở trên biển không làm được, không có nghiệp vụ, không có kỹ thuật về thiết bị giám sát hành trình.

Theo quy định, thanh tra chúng tôi cũng không phải thực hiện kiểm tra những thiết bị này, tất cả thiết bị này đều phải có cơ quan chuyên môn, thanh tra chúng tôi chỉ xem hành vi đó vi phạm gì để xử lý.

Cơ quan chức năng mà không có chuyên môn, nghiệp vụ, nếu ngư dân và nhà cung cấp móc nối nhau, xử lý làm sao?

Hiện giờ chúng tôi theo dõi trên phần mềm, thấy tàu nào bị tắt thiết bị, ngay khi cập cảng chúng tôi sẽ đề nghị chủ tàu mời nhà cung cấp đến xác định có đúng do lỗi kỹ thuật không. Nếu họ đổ cho ngư dân thì ngư dân phải chịu mức xử lý rất nặng.

Ban đầu khi mời ngư dân lên xử lý tàu tắt thiết bị giám sát hành trình, nếu ngư dân có giấy xác nhận thiết bị giám sát bị hỏng thì chúng tôi không xử lý vi phạm hành chính. Nhưng sau này, chúng tôi lo sợ có sự thông đồng giữa nhà cung cấp với ngư dân để né tránh việc xử lý hành chính.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu khi tàu về bến mà vi phạm, nhà cung cấp phải cử cán bộ kỹ thuật xuống tàu kiểm tra cụ thể, nếu thiết bị hỏng do lỗi của nhà cung cấp hay lỗi thiết bị thì phải xác định luôn cho chúng tôi, còn nếu do ngư dân tắt, chúng tôi sẽ lập biên bản ngay tại thời điểm đó để xử lý.

Khi nhân viên kỹ thuật của bên cung cấp thiết bị cử xuống, chúng tôi đều có mặt, cán bộ văn phòng đại diện ở cảng cá sẽ cử người xuống và có những trường hợp khó xử, tôi trực tiếp xuống xem. Khi kiểm tra họ sẽ biết được lỗi là do đâu.

Đơn vị quản lý của Bộ NN-PTNT phải có kỹ thuật, nghiệp vụ

Vậy, theo bà, chúng ta cần phải làm gì?

Từ thực trạng trên, chúng tôi đề xuất, bên cạnh đơn vị cung cấp phải có 1 đơn vị của Bộ NN-PTNT có kỹ thuật.

Hiện nay, việc quản lý và lắp thiết bị giám sát hành trình là yêu cầu bắt buộc đối với các tàu cáu có chiều dài từ 15m trở lên. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT phải có tập huấn cho cán bộ của chính các Chi cục Thủy sản để hiểu biết và có thể kiểm tra được thiết bị này.

Trước đây và hiện tại các cán bộ ngành liên quan mới chỉ nắm bắt được về tàu bè, có kỹ thuật, chuyên môn về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thiết bị giám sát hành trình mới có gần đây, chúng tôi chưa được tập huấn và chưa có lớp tập huấn nào về lĩnh vực này nên chúng tôi đề xuất nên tập huấn cho cán bộ để kiểm tra được và phát hiện, nắm được về thiết bị tàu cá, như vậy sẽ khách quan hơn trong việc kiểm tra, xử lý.

Đồng thời nếu có trường hợp ngư dân và bên cung cấp thiết bị thông đồng thì chúng ta cũng không có đủ chuyên môn và nghiệp vụ để kết luận. Vì vậy chúng tôi kiến nghị khi các nhà cung cấp trang bị thiết bị cho tàu cá thì đồng thời phải có trách nhiệm tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghiệp vụ kiểm tra kỹ thuật.

Một trong những vấn đề nữa là khi nhà phân phối thiết bị, nhà mạng là khác nhau, có nhà cung cấp mạng có cả thiết bị, nhưng có nhà cung cấp thiết bị lại không có mạng, vậy phải quản lý thế nào?

Khi có quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình, các nhà cung cấp cũng liên hệ nhờ Chi cục Thủy sản giới thiệu và chúng tôi chỉ khuyến cáo là có nhà cung cấp này, còn lựa chọn hãng nào là do ngư dân tự thỏa thuận với hãng để lắp.

Hiện giờ, Bộ NN-PTNT cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc lắp những thiết bị này, nhưng thực tế tôi thấy các nhà cung cấp đều gặp những lỗi như nhau, chẳng có hãng nào tốt hẳn.

Chúng tôi cũng báo cáo Bộ NN-PTNT nhiều lần rằng, phải có quy định, quy chuẩn kỹ thuật để dựa vào đó chúng tôi khuyến cáo cho ngư dân và có thể xử lý được nhà cung cấp. Hiện giờ không có quy chuẩn nào, chỉ dừng lại duy nhất vấn đề xử phạt ngư dân, tắt là phạt nhưng với điều kiện lỗi do dân tự tắt, còn lỗi do thiết bị thì mình không xử lý dân.

Theo quy định của nghị định 42 nếu cung cấp thiết bị không sử dụng được thì sẽ xử phạt, vì nhà cung cấp không đảm bảo chất lượng. Sắp tới khi ngư dân về bờ, nếu lỗi là do nhà cung cấp chúng tôi sẽ chỉ đạo xử lý ngay nhà cung cấp.

Tuy nhiên, điều khó nhất là nhà cung cấp ở tận Hà Nội, Hải Phòng, những nơi rất xa… mà ngư dân đi biển vài tháng mới về, chờ đến khi họ về và xác nhận lỗi do đâu mới mời nhà cung cấp đến đây sẽ kéo dài thời gian. Hiện nay, vấn đề quản lý cực kì khó khăn, nhiều vấn đề nhưng theo nghị định 42, cung cấp thiết bị không đảm bảo là bị xử lý.

Phải xử lý dứt điểm mới khắc phục được "thẻ vàng"

Nếu cứ để thực trạng như hiện nay sẽ dẫn đến điều gì, thưa bà?

Điểm E điều 20 nghị định 42: Phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với cung cấp thiết bị cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu theo quy định, nhưng tôi hỏi yêu cầu theo quy định là gì? Không có quy chuẩn nào để chúng tôi dựa vào và xử lý các nhà cung cấp.

Vừa qua, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết liệt chỉ đạo nếu chứng minh được thiết bị hỏng do lỗi thiết bị, chúng tôi xử lý nhưng chẳng có quy chuẩn nào, quy định như vậy, chỉ để chúng tôi ràng buộc được trách nhiệm với nhà cung cấp.

Hiện nay, vấn đề thực hiện IUU là vấn đề mang tính chất quốc gia. Ảnh: MS.

Hiện nay, vấn đề thực hiện IUU là vấn đề mang tính chất quốc gia. Ảnh: MS.

Hiện nay, thanh tra cũng tham mưu đề xuất và chúng tôi đồng ý luôn vì nếu không thì chúng ta không thể nào khắc phục được thẻ vàng. Hiện nay, vấn đề thực hiện IUU là vấn đề mang tính chất quốc gia, không chỉ nằm trong phạm vi các tỉnh nữa và điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo trực tiếp nên bắt buộc tỉnh chúng tôi phải làm quyết liệt và chúng tôi bắt buộc xử lý.

Trước đây chưa xử lý được, nhưng hiện tại tôi chỉ đạo bắt buộc phải xử lý để nâng cao vai trò trách nhiệm với ngư dân, vậy mới công bằng. Vừa rồi một số phương tiện có vấn đề, chờ tàu về chúng tôi mời nhà cung cấp đến trực tiếp làm việc và xử lý luôn. Với nhà phân phối, chúng tôi cũng xử lý hành chính.

Trước thực trạng nhức nhối này, trước khi những kiến nghị được xử lý, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chủ động làm gì?

Thời điểm này, giá nhiên liệu cao nên tàu nằm bờ nhiều, tuy nhiên theo giám sát của chúng tôi, hiện nay chúng tôi đang giám sát tàu cá có chiều dài 15m trở lên tổng 2622 chiếc, phương tiện đang kết nối là 1516 chiếc, trên cảng đang nằm bờ là 859 chiếc, mất kết nối ngoài khơi đang là 247 chiếc.

Như vậy, trên 60% tàu vẫn đang đi khai thác, số lượng đang kết nối là đang khai thác trên biển. Vai trò của thiết bị giám sát hành trình rất lớn. Sắp tới Tỉnh ủy sẽ tổ chức Hội thảo về vấn đề IUU, trong đó thiết bị giám sát hành trình là một trong những công tác phục vụ quản lý tàu cá không vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Ý tưởng cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên ngang với nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá rất quan trọng. Tuy nhiên mình đề nghị họ thì cần có quy định bắt buộc, bởi họ cũng không muốn phô hết ra vì tính chất cạnh tranh giữa các nhà mạng.

Xin cảm ơn bà!

'Đa số hiện giờ nhà cung cấp với nhà mạng gần như là một. Tuy nhiên, vẫn có những nhà phân phối chỉ cung cấp thiết bị, có nhà chỉ cung cấp mạng và rõ ràng mạng là một vấn đề, thiết bị là một vấn đề, hai cái không phải là một bởi vì khi có thiết bị phải vào được mạng.

Trong này chưa có quy định xử lý về nhà mạng, đây cũng là một cái hở của luật. Chỉ có quy định về cung cấp thiết bị không đảm bảo kỹ thuật mà kỹ thuật thế nào thì Bộ chưa có quy định'. Bà Na chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.