| Hotline: 0983.970.780

Nông dân an nhàn nhờ tưới tiết kiệm thời công nghệ 4.0

Chủ Nhật 24/11/2019 , 16:45 (GMT+7)

Từ lâu, nhiều trang trại ở Lâm Đồng đã áp dụng quy trình tưới tiết kiệm vào sản xuất rau, hoa nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất cây trồng. 

Hiện nay, họ tiếp tục hướng đến mô hình kết nối tưới tiết kiệm với hệ thống IOT để kiểm soát triệt để lượng nước và đạt hiệu suất sản xuất cao nhất.

Khu vườn rộng trên 2ha của gia đình anh Nguyễn Định nằm ở phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại đây, gia đình trồng các loại như cà chua, dưa hấu Pepino, rau ăn lá… và cũng kinh doanh mô hình du lịch canh nông.

Trong khu nhà kính công nghệ cao trồng cà chua, người nông dân 35 tuổi vừa đưa khách đi tham quan vừa dùng điện thoại vận hành hệ thống tưới cho cây trồng. Anh chia sẻ, từ ngày làm trang trại, gia đình đã chọn giải pháp tưới nhỏ giọt để đảm bảo năng suất cho cây. Mới đây, được bạn giới thiệu về quy trình tưới nước, bón phân, điều khiển hệ thống chăm bón bằng công nghệ hiện đại, gia đình anh quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư hệ thống.

Nông dân TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ 4.0 vào điều khiển hệ thống tưới nước tiết kiệm để tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Lê Khánh.

“Hệ thống tưới tại vườn được kết nối với bộ xử lý số hóa trên phần mềm điện thoại. Do vậy, dù ở đâu mình cũng có thể điều khiển hệ thống tưới nước cho cây”, anh Nguyễn Định chia sẻ và cho biết thêm, việc tưới nước tiết kiệm rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Nếu tưới bằng việc cầm vòi phun trực tiếp vào cây trồng, người làm khó kiểm soát lượng nước đổ ra đất và thường gây xói mòn, rửa trôi nhiều chất dinh dưỡng trong đất.

Tại khu vườn gia đình anh Định, những ống nước nhỏ bằng ngón tay được đấu nối trực tiếp từ mạch chủ và chạy song song trên bề mặt từng luống đất. Đối với cà chua, anh tiếp tục đấu nối một loại ống nhỏ hơn đầu đũa và có kim găm để vào từng gốc. Lượng nước từ hệ thống chính sau khi được vận hành bằng công nghệ sẽ thẩm thấu đến bộ rễ giúp cây hấp thụ tối đa. Trong khi đó, những gốc dưa Pepino lại hấp thụ nguồn nước từ hệ thống nhỏ giọt ngay trên luống đất.

“Không phí phạm giọt nước nào và cây trồng có đủ lượng nước, khoáng chất để phát triển”, anh Nguyễn Định thổ lộ.

Những ống nhỏ được ghim vào gốc cây để cung cấp nước cho cây trồng. Ảnh: Lê Khánh.

Tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), ông Lê Văn Ba cũng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho 2ha ớt và 4ha cà chua. Ông cho biết, việc tưới tiêu cho cây là khâu quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng. Ở mô hình tưới phun thông thường, nếu không kiểm soát tốt, lượng nước dư thừa không chỉ lãng phí mà còn có thể gây úng rễ.

Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm được ông thực hiện trên hình thức nhỏ giọt và phun sương. “Chi phí đầu tư ban đầu có thể hơi lớn nhưng cần phải làm ngay”, ông Ba cho hay. Hiện nay, để việc chăm bón cây trồng hiệu quả, gia đình ông Ba cũng đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để có thể điều khiển bằng công nghệ kết nối Internet vạn vật IOT.

Theo nông dân, hệ thống tưới nhỏ giọt thông thường giúp tiết kiệm lượng lớn nguồn nước, công sức lao động. Khi kết nối hệ thống với công nghệ 4.0 thì một lần nữa, họ có thể kiểm soát tối đa lượng nước. Từ các tính toán dựa trên độ ẩm hiện có, độ pH của đất, nhiệt độ trong vườn… mà công nghệ đưa ra, việc điều tiết nước đến gốc cây cũng được áp dụng trên một công thức khoa học để đi đến hiệu quả cao nhất.

Nhờ kết nối hệ thống tưới tiết kiệm với phần mềm hiện đại, nông dân có thể chọn quy trình tưới một cách phù hợp, hiệu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Thanh Hải, nông dân canh tác 2ha hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên (TP Đà Lạt) chia sẻ, công nghệ tưới tiết kiệm ở làng hoa đã bước vào một cuộc “cách mạng” mới. Những hộ có quy mô đầu tư lớn đều hướng đến kết nối hệ thống với phần mềm quản lý thông minh.

“Cách làm này mới mẻ. Lượng nước tưới, thời gian tưới đều có thể kiểm soát một cách chặt chẽ nên năng suất cây trồng cao hơn so với cách làm truyền thống”, ông Hải thổ lộ. 

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 1994, Công ty Dalat Hasfarm (doanh nghiệp Hà Lan) đầu tư tại Đà Lạt và áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Đây cũng là mốc đánh dấu ngành nông nghiệp hiện đại đến với xứ sở sương mù và người dân cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 54.400ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có gần 195ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng, tưới tiêu trong sản xuất.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi thiết yếu trong tương lai. Mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 65.000ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó khoảng 700ha ứng dụng IOT (Internet kết nối vạn vật) và hơn 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản triển khai phần mềm quản lý chuỗi cung ứng thông qua mã QR.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.