| Hotline: 0983.970.780

Lợn giống 'lột xác' nhờ thụ tinh nhân tạo

Thứ Hai 26/12/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nếu không đẩy mạnh công tác chọn lọc lợn đực giống tốt để ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn nái, tăng năng suất lợn thịt thì ngành chăn nuôi sẽ rất khó cạnh tranh trước thềm hội nhập TPP.

Hiệu quả và lan tỏa mạnh

Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, số lợn nái sinh sản được phối giống bằng kỹ thuật TTNT ở nước ta đạt tỷ lệ thấp. Nguồn lợn đực giống chủ yếu tận dụng từ đàn thương phẩm, tỷ lệ cận huyết cao.

20-37-56_lon-vietgp-1
Dự án “Mô hình ứng dụng kỹ thuật TTNT kết hợp với thú y cộng đồng” góp phần phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP
 

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cho phối trực tiếp dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; chất lượng đàn lợn thịt kém, chi phí chăn nuôi tăng cao do phải nuôi nhiều lợn đực giống mới đáp ứng được yêu cầu thụ tinh cho con cái.

Trong 3 năm qua, Dự án “Mô hình ứng dụng kỹ thuật TTNT kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, đã góp phần tạo nên sức bật mạnh mẽ của ngành chăn nuôi, đặc biệt là trong công tác giống.

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện dự án (2014 - 2016) diễn ra vừa qua tại Ninh Bình, TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Việc chăm sóc lợn đực giống, khai thác và TTNT đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên sâu.

Vì thế, việc chọn lựa các hộ để hỗ trợ lợn đực giống ngoại (trọng lượng 90kg/con) được thực hiện rất công phu. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm nuôi, khai thác tinh lợn, chuồng nuôi đảm bảo nhưng chưa có điều kiện đầu tư được những lợn đực giống mới, có năng suất cao, chưa có dụng cụ, thiết bị cần thiết phục vụ công tác pha chế, bảo quản tinh lợn.

Kết quả, các tỉnh dự án đã chọn được 80 điểm trình diễn. Các hộ có lợn nái trong vùng dự án được lựa chọn, được hỗ trợ tinh lợn từ những lợn đực giống tốt của dự án cho công tác TTNT.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ 286 con lợn đực giống (gồm Duroc,Yorkshire, Landrace, Pietrain,...) cho 143 hộ chăn nuôi. Số lợn này đã nhảy giá thành thạo và cho chất lượng tinh tốt với khoảng 19.000 lần khai thác. Hoạt lực tinh trùng đạt khoảng 82%, nồng độ tinh trùng đạt khoảng 255 tinh trùng/ml. Số tinh lợn cấp miễn phí cho lợn nái trong mô hình đều đạt 25 nái/lợn đực.

Trong 2 năm đầu, đã có khoảng 52.500 con lợn nái sinh con, năng suất đạt khá cao (trung bình đạt 10,7 - 10,8 con/lứa); tỷ lệ nuôi sống sau khai sinh đạt khoảng 95% và khối lượng lợn con khi cai sữa trung bình đạt khoảng 7,4 - 7,5 kg/con.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao hiệu quả thiết thực mà dự án mang lại. Đồng thời, ông cũng đề nghị các địa phương duy trì tốt mạng lưới thú y cộng đồng để “chung lưng đấu cật” với nông dân phòng trừ dịch bệnh, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi.

Ngoài hỗ trợ lợn đực giống ngoại chất lượng tốt và một phần chi phí thức ăn, trứng gà và vật tư phục vụ TTNT, dự án cũng xây dựng 54 mạng lưới thú y cộng đồng, thành lập 54 tủ thuốc thú y cộng đồng có thuốc thú y dự phòng, tổ chức tiêm phòng và tiêu độc khử trùng định kỳ, hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép sổ theo dõi chăn nuôi.
 

“Thay máu” nguồn gen đực giống kém chất lượng

Theo ông Hoàng Hùng Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Ninh Bình, trong 2 năm qua, dự án đã chọn 500 hộ chăn nuôi tại thị trấn Yên Ninh, xã Khánh Thiện và Khánh Công (huyện Yên Khánh) và xã Xuân Thiện (Huyện Kim Sơn) với quy mô tổng đàn lợn là 7.210 con tham gia; 8 hộ nuôi lợn đực giống với quy mô 16 con (hỗ trợ mỗi hộ 2 con).

Từ số lợn đực giống của chương trình, đến nay đã có trên 4.800 liều tinh giống chất lượng cao, thụ tinh cho 2.400 lợn nái. Kết quả, các hộ áp dụng kỹ thuật vào mô hình đã tăng. Tỷ lệ TTNT tại các vùng dự án đạt tới 80% (tăng từ 25 - 40%) so với trước. Các hộ nuôi theo hướng VietGAHP tăng lên 91 - 93% (tăng từ 73 - 79% so với trước đây).

20-37-56_lon-vietgp-2
 

Cũng giống như Ninh Bình, theo bà Hoàng Thị Tố Nga, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định chia sẻ: Đàn lợn nái của tỉnh Nam Định được duy trì thường xuyên khoảng 114.000 con, nhưng chỉ 10% áp dụng kỹ thuật TTNT, còn lại là phối giống trực tiếp. Việc triển khai các mạng lưới thú y cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp tăng tỷ lệ TTNT lên 30%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng cho cho đàn lợn cũng tăng từ 70% lên 90%.

Anh Lê Anh Tuấn, chủ hộ được dự án hỗ trợ 2 lợn đực giống tại khu Nam Giang, thị trấn Yên Ninh (Ninh Bình) hồ hởi khoe: "Những năm trước, chúng tôi đã nuôi lợn đực để cho phối giống trực tiếp, nhưng chất lượng tinh không đảm bảo. Năng suất lợn nái sinh sản chỉ đạt 7 - 8 con/lứa. Từ khi nhận được 26 triệu đồng hỗ trợ của dự án, gia đình tôi quyết định bỏ thêm vốn đối ứng để mua 2 lợn đực Duroc. Mỗi con lợn trị giá 18 triệu/con, trọng lượng 100kg/con.

Với đôi lợn đực này, gia đình khai thác 3 ngày/lần, mỗi lần 10 - 12 liều tinh và 100% được sử dụng để TTNT cho đàn lợn nái của địa phương (trung bình 3 - 5 lợn nái/ngày). Lợn nái sinh sản đạt năng suất từ 10 - 13 con/lứa, cá biệt có lứa đạt từ 15 - 18 con. Tất cả đều được gia đình tôi ghi chép cẩn thận và cán bộ thú y có thể kiểm tra bất cứ lúc nào".

Còn anh Nguyễn Công Trung Nhận ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam), người trực tiếp được hỗ trợ 2 con lợn đực giống trong mạng lưới thú y cộng đồng, cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ mua những con lợn đực giống thế hệ lai F3, F4 với giá khoảng 7 triệu đồng/con. Khả năng tăng trọng của lợn con kém, khoảng 80 kg là bà con đã xuất chuồng. Nhưng từ khi được tiếp cận với giống lợn đực lai PiDu75 và PiDu100 chất lượng tốt, tiềm năng tăng trọng của giống rất cao, các hộ trong mô hình nuôi lợn sau cai sữa tới trọng lượng 110 - 130kg mới xuất chuồng".

Theo báo cáo đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án: Khả năng sản xuất của 1 con lợn đực giống năm đầu khai thác khoảng 100 lần, TTNT cho khoảng 500 nái (phối kép), tỷ lệ thụ thai 85% thì sẽ có 425 con lợn nái có chửa, mỗi lợn nái có chửa sẽ thu được 100.000 đồng.

Lợn đực phối giống trực tiếp, phối giống đến khi nái có chửa mới thanh toán tiền, trung bình 1 năm là 172 lợn nái chửa và đơn giá khoảng 180.000 đồng.

Tính hiệu quả kinh tế giữa 1 lợn đực giống phục vụ TTNT so với 1 đực giống phối giống trực tiếp đã tăng 12,32%.

Đồng thời, so sánh khi nuôi 100 con lợn cùng giống, thức ăn và điều kiện tương tự nhau nhưng hiệu quả kinh tế trong mô hình cao hơn đàn ngoài mô hình 12,98%.

 

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài3] Độc đáo heo thảo mộc

Một con heo bình thường, nhưng khi được nuôi với quy trình đặc biệt thì nó trở thành đặc sản, đó là cách nuôi cho heo ăn thảo dược…

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm