Ngân hàng TPBank có còn đáng tin cậy?
Vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) Chi nhánh Lào Cai và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) phòng giao dịch huyện Bảo Thắng lừa lấy thông tin công dân tại Lào Cai bị vỡ lở.
Theo ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, sau khi sự việc được người dân phản ánh, LPBank và TPBank tại Lào Cai đã cùng với đại diện UBND xã Xuân Giao có biên bản ghi nhận sự việc cam kết có trách nhiệm không để lộ thông tin cá nhân của các công dân đã thu thập. Đồng thời, TPBank Lào Cai đã giao lại toàn bộ hồ sơ thu thập ban đầu cho Công an xã Xuân Giao (hơn 100 hồ sơ đã được gạch chéo để hủy), còn LPBank Lào Cai đã đóng toàn bộ các tài khoản ví điện tử đã mở.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cũng đã có công văn yêu cầu LPBank và TPBank tại Lào Cai kiểm điểm cán bộ thực hiện nghiệp vụ, tiếp tục nghiêm túc phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, người dân để giải trình, làm rõ sự việc nếu được yêu cầu, nhằm đảm bảo uy tín và an toàn các hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Về sự việc 2 chi nhánh ngân hàng thương mại nêu trên tự ý khai thác thông tin cá nhân của công dân để mở tài khoản thanh toán, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh nghiên cứu nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra đánh giá việc khai thác thông tin cá nhân của công dân do 2 ngân hàng này đã thực hiện cũng như hệ quả, phản ứng của dư luận xã hội.
Trường hợp có vi phạm các quy định pháp luật chủ động xử lý hoặc đề xuất báo cáo UBND tỉnh Lào Cai theo quy định.
Trong khi đó, TPBank cho rằng, "bằng việc ký chữ ký mẫu và ký chữ ký chủ tài khoản trên form thể hiện khách hàng biết và đồng ý mở tài khoản ngân hàng. Với các khách hàng đã ký vào form mở tài khoản bản cứng của TPBank sau đó không có nhu cầu mở tài khoản nữa, chúng tôi đã tiến hành hủy các form mở tài khoản này theo yêu cầu khách hàng và trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. TPBank không lưu giữ hoặc tiến hành mở bất cứ tài khoản nào cho khách hàng trên hệ thống”.
Thế nhưng, thực tế, sự việc của TPBank đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Xin nói rõ, đối với TPBank, đây là bản hợp đồng giữa ngân hàng với người dân, ngân hàng này đã thu lại và gạch chữ ký trong bản đăng ký kiêm hợp đồng mở tài khoản cá nhân và sử dụng dịch vụ.
Điều này cho thấy, cách làm của TPBank là không đảm bảo được sự đồng ý và thống nhất của các bên khi ký hợp đồng để mở tài khoản. Việc làm này không những gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, niềm tin của quần chúng nhân dân vào chính quyền địa phương mà TPBank vô hình chung là một đối tác không đáng tin cậy đối với người dân địa phương.
LPBank chịu trách nhiệm như thế nào?
Trong khi đó, liên quan vụ việc xảy ra tại xã Xuân Giao, LPBank có thông cáo báo chí cam kết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm quy định khi tự ý mở tài khoản lienviet24h cho khách.
Trong đó, LPBank cho rằng, "việc mở ví điện tử (ứng dụng lienviet24h) là hoàn toàn miễn phí và được thực hiện theo đúng quy định của ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do số lượng người dân tập trung khá đông nên một số cán bộ nhân viên chưa tư vấn và hướng dẫn rõ ràng. Một số người dân chưa hiểu rõ về việc cài đặt ứng dụng và lo ngại về bảo mật thông tin nên có thái độ bức xúc và yêu cầu xóa tài khoản đã mở”.
Có thể khẳng định rằng, lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở, khi họ chưa tìm được, chưa đặt được niềm tin vào ngân hàng LPBank. Bởi theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, sự nguy hiểm của việc sử dụng thông tin trên căn cước công dân (CCCD) đăng ký mã số thuế ảo, vay tiền từ các tổ chức tín dụng trên mạng xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc ngân hàng LPBank cam kết sẽ đóng các tài khoản đã mở trong vòng 3 ngày và cam kết bảo mật các thông tin liên quan, làm dư luận đặt câu hỏi, việc làm này là do chạy chỉ tiêu, áp lực đối với nhân viên của ngân hàng? Trong một thời gian ngắn, hàng trăm dữ liệu thông tin người dân đã bị lấy trái phép, thủ trưởng đơn vị, quản lý cấp cao của ngân hàng có biết về sự bất thường này hay không, có lờ đi để nhân viên thực hiện việc này hay không?
Vậy trách nhiệm đối với lãnh đạo của ngân hàng ở địa phương này như thế nào, sẽ bị xử lý ra sao hay chỉ xử lý đối với nhân viên ngân hàng tham gia sự việc? Chỉ trong 2 ngày, nhân viên của LPBank đã nhận được thông tin của 121 công dân, chụp ảnh chân dung, ảnh căn cước công dân 2 mặt và thu nhận số điện thoại của công dân.
Đáng chú ý, một số người dân đã tìm được mã xác thực OTP (dịch vụ ngân hàng điện tử) trong thùng rác điện thoại di động mà nhân viên ngân hàng không kịp xóa nên phát hiện ra hành vi vi phạm của cán bộ ngân hàng.
Từ vụ việc ở xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) liệu có xảy ra khả năng rất nhiều tài khoản ảo trong hệ thống của LPBank và TPBank?