| Hotline: 0983.970.780

Lúa - cá tăng thu nhập

Thứ Sáu 07/04/2017 , 07:45 (GMT+7)

Nuôi trồng kết hợp lúa - cá là tiến bộ kỹ thuật được phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, nuôi cá trên ruộng lúa là hướng làm ăn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

09-41-57_1
TS Lê Quốc Thanh cùng đoàn công tác đánh giá kết quả sau thời gian triển khai mô hình tại xã Yên Đồng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, mô hình lúa - cá kết hợp được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) kết hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 triển khai trên một số địa phương ở Ninh Bình và Nam Định.

Theo TS Lê Quốc Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, do biến đổi khí hậu gây hạn hán, lụt lội, sâu bệnh… khiến năng suất lúa không cao, đời sống bà con rất bấp bênh nếu chỉ phụ thuộc vào cây lúa. Mô hình lúa - cá kết hợp là giải pháp giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Ông Thanh chia sẻ, tại một số quốc gia phát triển như Na Uy, nông dân từ lâu đã thực hiện trồng rau kết hợp nuôi cá. Chất thải và thức ăn thừa của cá được tách lọc và tái sử dụng làm nguồn dinh dưỡng bón cho rau. Mô hình lúa - cá  được Trung tâm CGCN & KN triển khai cũng được thực hiện tương tự như vậy. Sau khi cây lúa phát triển khoảng 20 ngày tuổi có thể tiến hành dâng nước thả cá vào ruộng cho cá ăn sâu, rầy. Nhờ đó, giảm thiểu tối đa lượng phân bón và thuốc BVTV, mang lại nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Xét về hiệu quả kinh tế, diện tích mặt nước càng lớn thì thu nhập cho người dân càng cao. Tuy nhiên trên phương diện về an ninh lương thực thì cần phải đảm bảo sự cân bằng về sản lượng lúa, cá thu được trên mỗi ha đất ruộng. Vì vậy mô hình được thực hiện với tỉ lệ 20/80 nghĩa là cứ 1.000ha đất ruộng sẽ có 800ha để cấy lúa và 200ha để đào ao, mở rộng kênh rạch thả cá. Toàn bộ giống lúa và giống thủy sản được Trung tâm CGCN & KN và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 trực tiếp cung ứng, chỉ đạo kỹ thuật. Người dân tham gia dự án được các chuyên gia đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác lúa - cá.

Theo ông Ngô Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khánh, huyện Ý Yên (Nam Định), tuy thời gian thực hiện mô hình chưa lâu nhưng đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Sau thời gian thực hiện, người dân tỏ ra hào hứng với mô hình này và bày tỏ muốn được tham gia tập huấn kỹ thuật và mong được các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm hơn nữa...

09-41-57_2
Người dân xã Yên Khánh thu hoạch cá trong mô hình

Ông Phạm Văn Tuyên, chủ hộ tham gia mô hình ở xã Yên Khánh cho biết, trước đây gia đình cũng thử trồng lúa kết hợp đào ao thả cá nhưng vì không có kỹ thuật, sản xuất tự phát nên hiệu quả không cao. Cá thu hoạch xong phải tự đem ra chợ bán và nhiều khi tiêu thụ chậm, chấp nhận lỗ. Khi thực hiện mô hình lúa - cá theo quy trình kỹ thuật mới cho sản phẩm cá sạch, tiêu thụ hết. Thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Sản lượng lúa gạo thu được cũng rất ổn định do sử dụng giống đảm bảo dưới sự tư vấn của cán bộ khuyến nông.

Kết quả thu được sau khi triển khai mô hình lúa - cá tại các xã Yên Đồng (huyện Yên Mô, Ninh Bình), Yên Khánh, Yên Chính (huyện Ý Yên, Nam Định) cho thấy thu nhập của bà con tăng đến 2 lần so với độc canh lúa. Cụ thể, năng suất các giống thủy sản tại mô hình 1 lúa - 1 cá đạt 4,5 - 4,9 tấn/ha (thống kê 56/81 hộ đã thu hoạch), năng suất mô hình 2 lúa - 1 cá đạt 4,1 tấn/ha (thống kê 12/35 hộ đã thu hoạch), cao hơn mô hình canh tác truyền thống từ 1,2 - 1,9 tấn/ha, thu nhập 121,0 - 177,0 triệu đồng/ha. Năng suất các giống lúa trong mô hình đạt từ 58,4 - 61,5 tạ/ha trong vụ xuân, 55,6 tạ/ha trong vụ mùa. Thu nhập từ mô hình lúa đạt từ 48,5 - 62,5 triệu đồng/ha.

Năm 2017, diện tích nuôi trồng lúa - cá được người dân xã Yên Đồng mở rộng thêm 30ha, xã Yên Khánh mở rộng 20ha và Yên Chính mở rộng 10ha. Đây là một minh chứng rõ ràng về hiệu quả của dự án đối với nông dân. Các mô hình cũng được cán bộ các ban ngành và chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền và khuyến khích mở rộng...

 

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.