| Hotline: 0983.970.780

Lúa đông xuân Nam Trung bộ khắp nơi tưng bừng được mùa, trúng giá

Thứ Hai 17/04/2023 , 08:15 (GMT+7)

Vụ đông xuân năm nay, nông dân các tỉnh Duyên hải Nam Trung đâu đâu cũng vui vì lúa được mùa lớn, lại trúng giá.

Năng suất cao hiếm thấy

Vụ đông xuân 2022 - 2023, Bình Định sản xuất 46.881ha lúa, hiện nông dân tỉnh này đang thu hoạch rộ. Những ngày này, đến bất cứ cánh đồng nào trên địa bàn Bình Định cũng thấy những nụ cười rạng rỡ của nông dân. Dễ hiểu thôi, bởi ở Bình Định vụ lúa này đâu đâu cũng trúng mùa. Chẳng những vậy, lúa vụ này còn trúng giá nên nông dân thêm phần rạng rỡ.

1

Lúa đông xuân 2022 - 2023 ở Bình Định đang thu hoạch rộ. Ảnh: V.Đ.T..

Về miền trung du Hoài Ân (Bình Định), thật ngạc nhiên khi được biết năng suất lúa đông xuân năm nay ở đây cao nhất tỉnh, lên đến 75 tạ/ha, điều xưa nay hiếm. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây lúa, khi lúa trỗ trời nắng ấm, đến khi thu hoạch trời cũng khô ráo nên lúa không bị thất thoát. 

Vụ đông xuân này ở An Nhơn cũng không ngoại lệ, lúa tốt bời bời. Tại đồng lúa của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) liên kết sản xuất lúa giống TBR1 với Tập đoàn ThaiBinh Seed đẹp đến không tả nổi. Những bông lúa trên cánh đồng phẳng lì như tấm thảm.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) cho hay: “HTX có 300ha sản xuất lúa, vụ đông xuân này HTX liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed sản xuất 50ha giống lúa TBR1, riêng diện tích này đạt năng suất đến gần 80 tạ/ha. Vụ này dù thời tiết thuận lợi nhưng sâu bệnh có gây hại không theo quy luật, lúc mình nghĩ có sâu bệnh thì sâu bệnh không phát sinh, lúc nghĩ là đồng ruộng an toàn thì sâu bệnh lại phát sinh.

Ví như lúc lúa đã trỗ đều lại phát sinh sâu cuốn lá, nhưng nhờ vụ này HTX phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái nên xử lý kịp thời. Nhờ đó năng suất lúa bình quân trên đồng ruộng của HTX được đánh giá cao nhất thị xã An Nhơn, đạt 74 tạ/ha”.

Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, người vừa cùng Cục Thống kê Bình Định về các địa phương kiểm tra năng suất các loại cây trồng vui mừng cho biết dù ở trong ngành đã lâu, nhưng ông không khỏi ngạc nhiên về năng suất của Bình Định trong vụ đông xuân này. Bởi, đầu năm nay thời tiết ở Bình Định biến đổi thất thường, lúc mưa lúc nắng, gây không ít bất thuận cho sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Empty

Vụ đông xuân 2022 - 2023, năng suất lúa bình quân ở Bình Định cao hơn 2,1 tạ/ha so vụ đông xuân năm ngoái. Ảnh: V.Đ.T.

“Năng suất lúa cao nhất Bình Định trong vụ đông xuân này là huyện Hoài Ân với 75 tạ/ha, ở huyện Tuy Phước là 74 tạ/ha, ở thị xã An Nhơn là 72,7 tạ/ha, ở Phù Cát là 71,56 tạ/ha… Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh ở vụ đông xuân năm nay ước tính đạt 71,8 tạ/ha, tăng hơn 2,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước”, ông Kiều Văn Cang cho hay.

Không những được mùa lúa, vụ đông xuân năm nay ở Bình Định còn trúng giá nên niềm vui nhân đôi. Riêng những diện tích sản xuất lúa giống liên kết với Tập đoàn ThiBinh Seed của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, nông dân ở đây được ThaiBinh Seed tiêu thụ với giá 9.500đ/kg, tăng 30% so với lúa thương phẩm (lúa thương phẩm trên địa bàn hiện có giá gần 8.000đ/kg)

“Vụ đông xuân năm trước, giá lúa thương phẩm ở An Nhơn là 6.500đ/kg, vụ này vào đầu vụ có giá hơn 8.000đ/kg, giờ giá lúa đã hạ nhưng vẫn còn gần gần 8.000đ/kg, thương lái lại thu mua mạnh nên ông dân có lãi khá”, nông dân Đinh Văn Chung ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) phấn khởi cho biết.

Khắp nơi được mùa, được giá

Không chỉ ở Bình Định, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng trúng mùa, trúng giá.

Những ngày này, đi khắp các địa phương từ đồng bằng đến miền núi, vùng ven biển ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những đồng lúa chín vàng, trĩu bông sắp bước vào kỳ thu hoạch. Trong vụ đông xuân 2022 - 2023, hoạt động sản xuất lúa của bà con 2 địa phương này gặp không ít khó khăn do chi phí đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) tăng cao.

Empty

Vụ đông xuân năm nay, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV nên khống chế sâu bệnh kịp thời. Ảnh: V.Đ.T.

Bà con nông dân cho biết, thời điểm bắt đầu bước vào vụ sản xuất, mưa lớn liên tục gây ngập cục bộ đã ảnh hưởng đến việc gieo sạ, nhiều diện tích phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Cùng với đó, vấn nạn chuột và ốc bươu vàng phá hoại cũng khiến các chủ ruộng đau đầu.

Chưa hết, trong giai đoạn lúa trổ, thời tiết nắng nóng vào ban ngày, se lạnh vào ban đêm đã tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển. Như tại tỉnh Quảng Ngãi, ngành nông nghiệp ghi nhận có đến trên 750ha nhiễm bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, nhờ theo dõi sát sao đồng ruộng, kịp thời phát hiện nguy cơ để phòng trừ nên các ruộng lúa vẫn phát triển tốt, đạt được kỳ vọng. Hầu hết các địa phương đều nhìn nhận, vụ đông xuân năm nay được mùa.

Còn khoảng 1 tuần nữa, 4,5 sào lúa (500m2/sào) của gia đình mới thu hoạch nhưng gần 10 ngày nay, hầu như hôm nào lão nông Nguyễn Cao Hùng (trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cũng ra thăm ruộng. Ông Hùng khá phấn khởi khi diện tích lúa sử dụng giống 13/2 của gia đình phát triển rất tốt, trổ đều, đẹp. Nằm ngay sát bên tuyến đường chính, hầu như ai đi qua cũng phải dừng chân đứng ngắm nhìn mê mẩn đám ruộng nhà ông.

Empty

Năng suất lúa bình quân ở Quảng Ngãi đạt 62 tạ/ha. Ảnh: L.K.

“Đầu vụ mưa, rồi chuột phá nhiều thế tôi cứ tưởng là mất mùa, nhưng nhờ mình chăm sóc kỹ nên bây giờ lúa đạt lắm. Năm ngoái cũng đám ruộng này tôi thu được khoảng 40 bao (bao 50kg) nhưng năm nay ước phải đạt đến 50, thậm chí 60 bao. Mà lúa năm nay còn được giá nữa.

Hiện nay với giống lúa thương phẩm, thương lái thu mua với giá từ 7.500 - 8.500 đồng/kg. Còn gạo để làm bún bánh như giống 13/2 của tôi ở đây có thời điểm lên đến 12.000 đồng/kg, trung bình cao hơn các năm trước từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Hi vọng khi bước vào thu hoạch đại trà vẫn giữ được giá này để bà con mừng”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Ngô Văn Phi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), vụ này, HTX sản xuất 241ha lúa, trong đó có 160ha sản xuất giống. Do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là giá phân bón tăng gấp đôi nên chi phí đầu vào lớn hơn so với các năm trước.

“Bù lại, năm nay lúa được mùa, năng suất đạt trung bình khoảng 65 tạ/ha (cao hơn năm trước từ 4 - 5 tạ/ha) và giá thương lái thu mua cũng cao hơn mọi năm từ 25 - 30% nên người dân cũng còn có lãi. Sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi ha đạt lợi nhuận từ 10 - 14 triệu đồng”, ông Phi nói.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi là những tỉnh mà nông dân mạnh dạn sử dụng các giống lúa mới, chất lượng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều đồng ruộng thực hiện theo mô hình này đã phát huy được lợi thế khi cây lúa phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, đạt năng suất cao, giảm được đáng kể chi phí sản xuất.

Empty

Giá lúa thương phẩm ở Quảng Nam được thương lái thu mua cao hơn mọi năm từ 25 - 30% nên người nông dân có lãi khá. Ảnh: L.K.

Tại cánh đồng xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), ông Trần Lý không giấu được niềm vui khi 2ha lúa sử dụng giống lúa mới TBR97 áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất lên đến gần 10 tấn lúa tươi/ha. “Năm nay lúa tốt, ít sâu bệnh mà còn được giá nữa nên bà con mừng lắm. Không chỉ riêng tôi mà mấy đám ruộng quanh đây đều tốt, đạt năng suất cả”, ông Lý nói.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo sạ khoảng 37.000ha. Đến thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn từ chín sữa đến thu hoạch.

“Qua theo dõi, vụ đông xuân năm nay của toàn tỉnh gặp một số khó khăn do các loại sinh vật hại như chuột, ốc bươu vàng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã chỉ đạo cho nông dân phòng trừ kịp thời ngay từ đầu vụ. Đồng thời bà con nông dân cũng xuống giống theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh đưa ra nên kết quả đạt được chỉ tiêu đề ra. Qua khảo sát các huyện như Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành thì bước đầu, chúng tôi ước tính năng suất bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 62 tạ/ha”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.