| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Ngãi mê tít giống lúa TBR97

Thứ Tư 05/04/2023 , 09:43 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2022-2023 dù đối mặt với nhiều khó khăn do sinh vật gây hại, thời tiết khí hậu thất thường nhưng giống lúa TBR97 vẫn chống chịu tốt, cho năng suất vượt trội.

Nông dân hào hứng khi chứng kiến lúa TBR97 thể hiện những ưu điểm vượt trội tại mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Nông dân hào hứng khi chứng kiến lúa TBR97 thể hiện những ưu điểm vượt trội tại mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

3 năm có mặt trên vùng đất Quảng Ngãi với các mô hình khảo nghiệm, trình diễn, những đặc tính nổi trội, thích nghi trên diện rộng của giống lúa TBR97 của Tập đoàn ThaiBinh Seed đang từng bước tạo được lòng tin của người nông dân. Không chỉ có năng suất cao và ổn định, khả năng chống chịu với nhiều điều kiện thời tiết là điểm cộng để giống lúa này được các hộ sản xuất lựa chọn để nhân rộng.

Vụ đông xuân 2022 – 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung – Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn sử dụng giống lúa thuần TBR97 áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến theo quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tại thôn Phong Niên Hạ (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) trên diện tích 13ha với 120 hộ dân tham gia.

Tại hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình vừa được tổ chức, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho rằng, năm nay điều kiện sản xuất lúa vụ đông xuân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tượng mưa lớn gây ngập úng cục bộ vào thời điểm gieo sạ và lúa trong giai đoạn mũi chông (3 lá), đẻ nhánh đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Cùng với đó, khi lúa trong giai đoạn đẻ nhánh trổ đồng thì các sinh vật gây hại đặc biệt là tình trạng chuột cắn phá đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất chung của mô hình. Mặc dù vậy, vượt lên tất cả đó, giống lúa TBR97 vẫn phát huy được những ưu điểm vốn có để mang đến vụ mùa thắng lợi cho bà con, cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Năng suất TBR97 trong vụ đông xuân năm nay ở Tịnh Phong sau khi gặt thử nghiệm đạt đến 98 tạ lúa tươi/ha. Ảnh: L.K.

Năng suất TBR97 trong vụ đông xuân năm nay ở Tịnh Phong sau khi gặt thử nghiệm đạt đến 98 tạ lúa tươi/ha. Ảnh: L.K.

Dưới sự chứng kiến của hàng trăm bà con nông dân cùng với các ngành chức năng, các đơn vị thực hiện mô hình đã tổ chức gặt thử diện tích để xác định năng suất lúa TBR97 trong vụ này. Kết quả cho thấy, trên 1m2 diện tích, giống lúa TBR97 đạt 0,98 kg hạt chắc, tương đương năng suất đạt 98 tạ/ha lúa tươi. Đây một trong những giống lúa có năng suất hàng đầu so với các giống lúa đang được người dân trong vùng sử dụng.

Bà Đỗ Thị Hơn (thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong) cho biết, vụ này, gia đình bà trồng 3 sào lúa TBR97. Đây là lần đầu tiên tiếp cận và sử dụng giống nên khi mới bước vào vụ sản xuất, bà có phần nghi ngại. Tuy nhiên, theo dõi quá trình sinh trưởng và áp dụng theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, diện tích lúa của bà Hơn phát triển tốt, đạt được kỳ vọng.

“So với các giống mà trước đây gia đình tôi sản xuất thì giống TBR97 này có tỷ lệ nảy mầm cao, đẻ nhánh khỏe, dễ chăm sóc. Ngoài tình trạng chung của lúa đông xuân năm nay là bị chuột, ốc bươu vàng phá hoại thì giống lúa này chúng tôi không thấy xuất hiện bất kỳ một loại sâu bệnh hại nào. Bên cạnh đó, giống cũng nhẹ chi phí phân, thuốc so với các giống khác khoảng từ 20 – 30%. Trong những vụ tới, tôi vẫn mong muốn tiếp tục sử dụng giống này để canh tác trên đồng ruộng nhà mình”, bà Hơn chia sẻ.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho rằng, việc sử dụng giống lúa mới TBR97 kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ theo quy trình “1 phải, 5 giảm” đã giúp người nông dân giảm được rất nhiều chi phí đầu tư như giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, lợi nhuận của mô hình đạt đến hơn 18 triệu đồng/ha, cao hơn các ruộng lúa sản xuất đại trà trên 7 triệu đồng mỗi ha.

Lúa TBR97 cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên các đồng đất ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Lúa TBR97 cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên các đồng đất ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: L.K.

Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung – Tây Nguyên cho biết, tháng 8/2022 vừa qua, giống lúa TBR97 đã được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành. Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngoài huyện Sơn Tịnh giống lúa này còn được sản xuất ở nhiều huyện, thị xã khác như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ với quy mô khoảng 200ha.

“Hầu hết ở các chân đất sản xuất, giống lúa TBR97 đều thể hiện được những ưu điểm đã hội tụ như ngắn ngày, cứng cây, chất lượng gạo khá, chống chịu tốt với nhiều loại đối tượng sâu bệnh hại, được bà con nông dân cũng như ngành chức năng đánh giá cao. Trong những năm đến, chúng tôi sẽ tiếp hỗ trợ chuyển giao cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhân rộng mô hình, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế từ cây lúa”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: “Vụ đông xuân 2022 – 2023, huyện Sơn Tịnh tổ chức sản xuất rất nhiều loại giống, trong đó có giống TBR97 của Tập đoàn ThaiBinh Seed. So với các giống khác thì giống TBR 97 có nhiều ưu điểm như cứng cây, không đổ ngã, kháng được một số loại đối tượng sâu bệnh, dễ chăm sóc. Bên cạnh đó, với năng suất từ 87 – 90 tạ/ha, TBR97 là giống có năng suất rất cao so với các giống khác trên địa bàn. Do đó, trong thời gian đến, huyện sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng mô hình này với quan điểm là giống mới áp dụng quy trình mới là 1 phải 5 giảm”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.