Nông dân hết ngờ vực hiệu quả lúa hữu cơ
Với mục đích xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ đông xuân 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hợp tác cùng Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Kim Long, xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) trên diện tích 17,5ha, sử dụng giống lúa ST25. Mặc dù triển khai trong vụ đông xuân gặp rất nhiều khó khăn do liên tục gặp thời tiết bất lợi, nhất là mưa lũ lớn trái mùa, song mô hình đã đưa lại những kết quả rất khả quan.
Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cùng Công ty Thương mại Quảng Trị đã phối hợp với UBND huyện Hải Lăng, Phòng NN-PTNT huyện, UBND xã Hải Quế và HTX chọn vùng ruộng đạt yêu cầu, chủ động tưới tiêu, giao thông thuận lợi, nông dân tham gia mô hình nhiệt huyết để triển khai thực hiện.
Cùng với việc tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay - máy cấy, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu kỹ thuật. Quá trình cấy lúa từ ngày 15 - 20/1/2022, mạ đưa ra cấy là mạ 3 lá, 445 khay/ha, tương đương với 50kg giống/ha.
Thạc sỹ Trần Thị Thúy (Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị) cho biết: Điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa hữu cơ so với các mô hình đại trà là sử dụng mạ khay - máy cấy, sử dụng phân bón hữu cơ Sepon và sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men, phun chế phẩm bằng thiết bị bay không người lái suốt quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Mô hình không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ; chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa.
Để tổ chức thực hiện, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 3 lớp tập huấn với 100 nông dân tham gia, hỗ trợ 50% giống và vật tư. Công ty Thương mại Quảng Trị hỗ trợ cấp 50% giống và vật tư, cuối vụ sẽ thu tiền bằng khấu trừ thu mua lúa.
Do lần đầu tiên thực hiện sản xuất lúa hữu cơ, mạ khay - máy cấy, không sử dụng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ cũng như thuốc BVTV hóa học nên người dân rất e ngại, sợ năng suất không đảm bảo như mong muốn. Tuy nhiên với sự vận động của chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị và Công ty Thương mại Quảng Trị bảo hành năng suất lúa tươi đạt 56 tạ/ha và thu mua lúa tươi với giá 11.000 đồng/kg nên người dân đã rất yên tâm.
Mặc dù vậy trong quá trình triển khai, mô hình cũng gặp không ít khó khăn. Đầu vụ chuẩn bị làm đất để cấy, do không khí lạnh tăng cường nên mưa kéo dài gây ngập úng vùng ruộng sản xuất, sau khi nước tạm rút, HTX mới tiến hành bơm nước để làm đất cấy cho kịp thời vụ.
Đến giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, lại gặp thời tiết bất thuận, ảnh hưởng đợt mưa lớn dị thường từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022, làm hàng ngàn ha lúa tại huyện Hải Lăng ngập chìm trong biển nước, trong đó ruộng mô hình cũng bị ảnh hưởng, mưa lụt làm ngập toàn bộ diện tích trong 7 ngày. HTX Kim Long đã huy động người dân be bờ bằng bao cát, đồng thời huy động máy bơm để cứu lúa, sau khi nước rút đã tập trung chăm sóc và phun bổ sung các dưỡng chất để lúa phục hồi.
Mới đây nhất, đợt mưa kèm gió lớn bất thường trong các ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022 đã khiến nhiều diện tích lúa tại địa phương bị ngã đổ. Mặc dù vậy tới lúc này, mô hình vẫn vượt qua khó khăn, bà con có thể thở phào nhẹ nhõm.
Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc HTX Kim Long cho biết thêm: Khi bắt đầu thực hiện, HTX rất vướng trong việc thống nhất cho các hộ triển khai theo quy trình bởi đây là mô hình mới, một số khâu làm làm thủ công như làm cỏ, không phun thuốc BVTV hóa học. Nhưng nhờ sự vận động, sâu sát của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị trong việc bám sát quy trình sản xuất lúa hữu cơ nên bà con nông dân dần đón nhận. Đến nay, những kết quả mang lại đã giúp bà con trong HTX rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Trí, thôn Kim Long (xã Hải Quế), một hộ dân thực hiện mô hình phấn khởi nói: "Nhà tôi làm 3,5 sào lúa hữu cơ (500 m2/sào). Trước đây vùng đất này bón phân đạm và NPK nhiều nên đất bị chai cứng, lúa cằn cỗi, gần thu hoạch mưa là đỗ ngã. Nhưng nay nhờ làm theo kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn trồng lúa hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khỏe mạnh, cứng cây không bị đỗ ngã dù gặp liên tiếp các đợt mưa giông lớn trong vụ xuân vừa qua. Lúa ít nhiễm sâu bệnh, trỗ đều, tập trung, khoe bông, năng suất lúa hữu cơ nhưng không thua kém so với lúa bón phân hóa học như trước đây".
Lúa hữu cơ thách thức mưa to, gió lớn
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương và bà con nông dân, so với lúa bà con canh tác theo lối thông thường, lúa trong mô hình sản xuất hữu cơ cây rất khỏe mạnh, bộ lá màu xanh bền, màu xanh vừa phải từ đầu vụ đến cuối vụ, cây lúa sạch sâu bệnh từ gốc đến ngọn, màu sắc hạt lúa vàng sáng hơn...
Đặc biệt trong trận mưa, gió mạnh ngày 30/4 - 1/5/2022 vừa qua, lúa toàn đồng đang giai đoạn chín sáp, hầu như các chân ruộng lúa canh tác thông thường đều bị đổ rạp, nhưng đối với lúa mô hình không bị đổ ngã, cây cứng cáp. Năng suất tươi dự kiến đạt khoảng 65 tạ/ha, với giá được Công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu 11.000 đồng/kg, cho thu nhập 71 triệu đồng/ha, cao hơn so với đại trà 15 triệu đồng/ha.
Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Qua kiểm tra đánh giá, mô hình lúa hữu cơ trên địa bàn huyện bước đầu cho thấy rất triển vọng. Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ Sepon và sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men nên đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng cùng sinh sống trên ruộng lúa.
"Hiện nay, huyện Hải Lăng đã có quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ để tiếp tục nhân rộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị chuyển giao, các doanh nghiệp mở rộng diện tích lúa hữu cơ cho các xã còn lại trên địa bàn huyện", ông Hải cho biết.
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường, xã hội, nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa hữu cơ, đảm bảo sản phẩm an toàn. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Quảng Trị đang lựa chọn là hướng đi tất yếu, giúp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
"Mặc dầu thời tiết năm nay hết sức khó khăn, ảnh hưởng lũ lụt trái mùa khiến lúa ngập liên tục nhưng mô hình lúa hữu cơ vẫn đứng vững và cho năng suất cao. Với đà này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cùng phối hợp với các doanh nghiệp để mở rộng quy mô diện tích phát triển lúa hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh và hướng tới thực hiện cánh đồng lớn hữu cơ theo tinh thần của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đến năm 2025 đạt được khoảng 1.000ha lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị", Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, ông Trần Thanh Hiền cho biết.