Liên kết làm gạo hữu cơ tiêu chuẩn Âu, Mỹ
Quảng Trị có tổng diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 50.000ha, sản lượng ước đạt 280.000 tấn. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng lúa hữu cơ, VietGAP vẫn còn khiêm tốn.
Với mục tiêu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua xây dựng mô hình liên kết với các hợp tác xã (HTX), Công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Hải Lăng.
Theo đó, bắt đầu từ vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa hữu cơ giống ST25 với HTX Kim Long, xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) trên diện tích 20 ha. Tham gia mô hình, người dân được cung cấp công nghệ, giống, kỹ thuật gieo mạ, dịch vụ nông nghiệp, thu mua sản phẩm đầu ra. Người dân chịu trách nhiệm chăm sóc theo quy trình của doanh nghiệp.
Trước đó vào tháng 5/2021, Công ty Thương mại Quảng Trị đã mời các chuyên gia, cùng với UBND các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh khảo sát, phân tích chất đất nhằm quy hoạch những diện tích trồng lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn.
Sau khi khảo sát, nhận thấy huyện Hải Lăng là nơi có nhiều diện tích ruộng lớn đạt điều kiện tiên quyết sản xuất lúa hữu cơ, trong gần 7.000 ha ruộng của huyện có gần 1.500ha đạt tiêu chuẩn. Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Thương mại Quảng Trị đã lựa chọn các vùng ruộng huyện Hải Lăng để triển khai dự án, làm tiền đề nhân rộng đến các địa phương khác.
Để phục vụ công tác thu hoạch, chế biến lúa gạo hữu cơ, ngay từ vụ đông xuân này, Công ty Thương mại Quảng Trị cũng đang gấp rút hoàn thành, đưa nhà máy sấy lúa công suất 200 tấn/ngày, kho chứa lúa công suất 2.000 tấn vào hoạt động từ tháng 3/2022. Đồng thời chuẩn bị các bước cần thiết xây dựng thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon Quảng Trị.
Theo ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị, để định hình, phát triển vùng lúa hữu cơ, quan trọng nhất là hợp tác bền vững, sát cánh cùng người dân trong quá trình quy hoạch vùng trồng lúa đạt chuẩn.
“Liên kết sản xuất giúp người dân không bị mất đất, mà ruộng của dân sẽ được tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng kỹ thuật, có đường giao thông nội đồng thuận tiện”, ông Hiếu khẳng định.
Công ty đã thực hiện xây dựng xây dựng mô hình liên kết 5 nhà gồm: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông - nhà cung cấp tín dụng trong việc nghiên cứu, áp dụng thực hiện các chính sách, quy trình kỹ thuật về canh tác, chăm sóc lúa hữu cơ như sản xuất phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học...
Đồng thời, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa để làm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra như dùng máy bay không người lái để phun chế phẩm, khoáng chất sinh học, máy cấy, máy cày, máy gieo hạt, máy gặt liên hợp...
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình phát triển lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá: Mô hình lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra hướng canh tác bền vững cho địa phương.
Việc Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hình liên kết với người dân sản xuất lúa hữu cơ góp phần hướng đến hình thức canh tác thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như ứng dụng hiệu quả mô hình khoa học công nghệ, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, tiết kiệm các nguồn nhân lực, vật lực...
Nhà máy chế biến lúa, gạo hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với diện tích 16,94 ha, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng với nhiều khu chức năng, hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại hiện đang được hoàn thành các bước cuối để đi vào hoạt động.
Khi đi vào hoạt động, sẽ đảm bảo sản xuất ra sản phẩm gạo hữu cơ đạt các chứng nhận hữu cơ Quốc tế USDA (Mỹ) và châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Hướng đến thị trường Mỹ
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa hữu cơ, đối với thị trường trong nước, Công ty Thương mại Quảng Trị đã khảo sát và thành lập các chi nhánh ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội... bởi đây là các đô thị có mức sống người dân tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ phát triển mạnh.
Riêng thị trường xuất khẩu, Công ty Thương mại Quảng Trị đánh giá còn nhiều dư địa phát triển bởi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ cao hơn trong nước. Cùng với đó, lợi thế có được của sản phẩm mang thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon Quảng Trị là sẽ đạt 2 chứng nhận Quốc tế là USDA (Mỹ) và EU (châu Âu), nên thuận lợi trong việc tiếp cận được với thị trường quốc tế.
"Trong định hướng phát triển sản phẩm lúa hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị, thị trường trong nước chỉ chiếm 30% tổng sản lượng, 70% còn lại tập trung cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp đang hướng tới là nước Mỹ bởi đây được xem là quốc gia đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, cấp giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ và cũng một thị trường tiêu dùng lớn của thực phẩm hữu cơ", ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết.
Cũng theo ông Hiếu, để sản xuất được hạt gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu..., cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp ngay từ khâu làm đất, gieo cấy, canh tác, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch với yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Hiểu được điều đó, ngay từ khi bắt tay sản xuất lúa hữu cơ, Công ty Thương mại Quảng Trị đã hợp tác cùng Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị… nghiên cứu và xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ Sepon chuyên dùng cho cây lúa; nhập máy cấy lúa, máy gieo hạt, máy bay không người lái để phun các chế phẩm, khoáng chất sinh học chăm sóc lúa.
Đồng thời, nuôi cấy thành công vi sinh vật bản địa, sản xuất các chế phẩm sinh học từ các sản phẩm nông nghiệp như: Gừng, ớt, tỏi, thuốc lá, cá rô phi, vỏ trứng, xương động vật… để bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.
Cùng với đó, Công ty Thương mại Quảng Trị đã hợp đồng với các đối tác nước ngoài trong việc tư vấn, hợp tác, phát triển sản phẩm đầu ra như: Hợp đồng với tổ chức Quốc tế VIRI triển khai Dự án xúc tiến cung - cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam, hỗ trợ thiết kế bao bì, quảng cáo sản phẩm trên các trang web quốc tế.
Hợp đồng với tổ chức nước ngoài (Peterson services Viet Nam) về tư vấn cấp chứng chỉ sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn USDA (Mỹ) và EU (châu Âu). Đồng thời, nắm bắt xu hướng thương mại điện tử, vừa qua Công ty Thương mại Quảng Trị cũng ký hợp đồng bán hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba.com...
Trong tương lai không xa, thương hiệu Gạo sạch Sepon Quảng Trị sẽ sớm có mặt trên kệ hàng trong siêu thị ở các nước Âu, Mỹ...
Theo ông Hồ Xuân Hiếu, đến năm 2025 doanh nghiệp sẽ hợp tác cùng nông dân Quảng Trị hình thành hơn 1.000ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ và 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 35% tổng diện tích lúa hữu cơ toàn tỉnh.
Cùng với đó, xây dựng và đưa thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon Quảng Trị đến với thị trường trong nước cũng như được biết đến rộng rãi tại ở thị trường xuất khẩu vào Châu Âu và Mỹ.