| Hotline: 0983.970.780

Lúa Japonica xô ngã 'nữ hoàng' Bắc Thơm

Thứ Sáu 12/06/2020 , 08:01 (GMT+7)

Bắc Thơm số 7 bấy lâu nay được mệnh danh là “nữ hoàng” trong làng giống bởi chất lượng tốt nhưng mặt trái là rất mẫn cảm với thời tiết, sâu bệnh.

Cận cảnh bông lúa Nhật J02. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh bông lúa Nhật J02. Ảnh: NNVN.

Giờ đây nữ hoàng ấy đã có đối thủ. Chung niềm vui với 341 hộ xã viên khác, anh Nguyễn Ngọc Trình-Giám đốc HTX Phú Mỹ xã Tự Lập (huyện Mê Linh) chỉ cho chúng tôi cánh đồng lúa Nhật đang chín vàng rực, cười hỉ hả: Trước đây cánh đồng này chúng tôi vẫn cấy giống Bắc Thơm 7, gạo tuy ăn ngon nhưng lúa rất mẫn cảm với sâu bệnh, chăm sóc khó khăn, phải liên tục đeo bình đi phun thuốc mà năng suất chỉ khoảng 180kg/sào.

Vụ này, đây là lần đầu tiên Tự Lập kết hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội để cấy 30 ha giống lúa Nhật J02. Xã viên tham gia vào chương trình được hỗ trợ 50% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình lúa sinh trưởng.

Vì là sản xuất theo hướng an toàn nên toàn bộ cánh đồng chỉ phun thuốc tập trung bằng máy bay một lần duy nhất, đảm bảo khắt khe về thời gian cách ly cũng như không có dư lượng.

Diễn biến thời tiết vụ này hoàn toàn bất lợi cho cây lúa phát triển, lúc trỗ gặp rét nên hạt lép, cộng thêm bệnh đạo ôn khiến cho sản lượng bị giảm đáng kể nhưng so với hàng chục giống cấy cùng trà, cùng trên một đồng đất hơn 200 ha của xã thì lúa Nhật vẫn cho năng suất cao nhất, đạt 210 kg. Hơn thế, nó còn hơn hẳn Bắc Thơm 7 vì chăm bón dễ hơn, chất lượng cao hơn nên giá bán khá hơn.

Vụ Xuân 2020, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng được 20 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn. Tổng diện tích đạt 859ha với cơ cấu giống J02 (774 ha) và ĐS1 (85 ha).

Trong số đó, đơn vị đã lựa chọn xây dựng 65 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 300 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, 494 ha sản xuất theo chuẩn chất lượng an toàn. Theo tính toán, năng suất lúa J02 tại các điểm đạt từ 6,3 – 6,5  tấn/ha và ĐS 1 đạt 6 tấn/ha.

Kiểm tra độ chắc mẩy của hạt lúa. Ảnh: NNVN.

Kiểm tra độ chắc mẩy của hạt lúa. Ảnh: NNVN.

Xác định sản xuất ra nông sản không khó bằng tìm kiếm thị trường cho nó, ngay từ khi cây lúa xuống đồng, Trung tâm đã phối hợp với các Phòng Kinh tế của huyện để xúc tiến thương mại, kết nối với 6 đơn vị để thu mua với khoảng giá 5.500 đ/kg lúa tươi nhưng hiện đang trả 5.700-5.900 đ/kg mà dân vẫn chưa đồng ý bán.

Đơn vị cũng thực hiện hỗ trợ cho hai địa phương xây dựng 2 chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm cho HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú và HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết.

Thống kê cho thấy, hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa Japonica trong vụ Xuân năm 2020 đạt bình quân 31 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa chất lượng Bắc thơm số 7 từ 14 - 15 triệu đồng/ha.

Ngoài vượt trội về mức lãi, sản xuất lúa Nhật còn giúp nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hoá chất (các loại thuốc sâu, thuốc diệt cỏ có độ độc hại cao). Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường bền vững.

Lúa Nhật khiến cho Bắc Thơm 7 bị đánh bật. Ảnh: NNVN.

Lúa Nhật khiến cho Bắc Thơm 7 bị đánh bật. Ảnh: NNVN.

Để thuyết phục người tiêu dùng cũng như chính nông dân sản xuất, Trung tâm còn tổ chức đấu thầu để lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm và tư vấn, giám sát, cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Phối hợp chặt chẽ với công ty, trung tâm cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn để tư vấn, giám sát trong quá trình sản xuất, hướng dẫn ghi chép nhật ký phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc.

Đảm bảo 100% diện tích sản xuất đều đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, tiêu chuẩn Việt Nam, hướng hữu cơ và hữu cơ.

Kết quả đã có 9 điểm sản xuất lúa của Hà Nội đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, 8 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn Việt Nam và 3 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ và chuyển đổi hữu cơ.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm đơn vị sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ tại Hà Nội đồng thời triển khai sản xuất vụ Mùa trên diện tích 1.061 ha đảm bảo đúng khung thời vụ; chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, xúc tiến thương mại một cách khoa học.

Trên nền móng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Gạo Japonica Mỹ Thành” (huyện Mỹ Đức) và “Gạo Japonica Nam Phương Tiến” (huyện Chương Mỹ).

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định: Xu thế hiện nay là chuyển đổi các giống lúa có năng suất cao nhưng chất lượng thấp hoặc trung bình sang chất lượng cao, khả năng thích ứng rộng, chịu đựng được điều kiện thời tiết bất thường.

Việc đưa lúa Nhật vào sản xuất trong đó có J02 là một hướng đi đúng, phù hợp với tái cơ cấu của ngành trồng trọt bởi có chất lượng gạo tốt, vừa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.