| Hotline: 0983.970.780

Lúa khỏe, người khỏe nhờ canh tác thông minh

Thứ Tư 30/08/2023 , 06:15 (GMT+7)

Áp dụng quy trình canh tác thông minh và cơ giới hóa đồng bộ vừa tăng 'sức khỏe' cho cây lúa, giảm chi phí và công lao động, tăng lợi nhuận, giảm phát thải...

Trồng lúa chưa bao giờ nhàn hạ đến thế

Nông dân HTX Nông nghiệp Tân Lập - Đập Đá (ấp Đập Đá, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu 2023 giữa bối cảnh giá lúa gạo ở ĐBSCL đang sôi sùng sục. Tàu ghe của thương lái liên tục quần thảo trên sông tìm hỏi mua lúa. Gia đình xã viên Hồ Hoàng Thu khá phấn khởi, anh không thể ngờ rằng làm lúa bây giờ lại nhàn hạ đến thế, chân không phải lội sình, tay không lấm bùn dơ, vậy mà cuối vụ vẫn trúng mùa, lợi nhuận cao.

Canh tác lúa thông minh, sử dụng thiết bị sạ cụm kết hợp bón vùi phân chuyên dùng giúp giảm công lao động, tiết kiệm khoảng 30% lượng phân bón so với bón rải thông thường. Ảnh: Hoàng Vũ.

Canh tác lúa thông minh, sử dụng thiết bị sạ cụm kết hợp bón vùi phân chuyên dùng giúp giảm công lao động, tiết kiệm khoảng 30% lượng phân bón so với bón rải thông thường. Ảnh: Hoàng Vũ.

Anh Thu bảo: “Trước đây làm lúa nhà nông cực nhất là lúc xuống giống và khi thu hoạch, lội sình bùn suốt tuần, thúi cả móng chân móng tay, rồi mang được hạt lúa về nhà phơi cả tuần chưa khô. Có khi gặp trời mưa dầm lúa rải khắp nhà, lên mầm dài như rau giá. Nhưng bây giờ những khâu này lại sướng nhất, nông dân chẳng cần phải động chân động tay, có khi cũng chẳng cần ló mặt ra tới ruộng, tất cả đã có máy móc làm thay con người hết”.

Cái sướng mà anh Thu vừa kể đến từ chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu. Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (gọi tắt là Bình Điền) và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai thực hiện nhiều năm qua, trong đó có vụ lúa hè thu năm 2023. Đồng hành cùng chương trình còn có các doanh nghiệp cung ứng máy cơ giới hóa nông nghiệp, giúp giải phóng hoàn toàn sức lao động cho nhà nông.

Nông dân Tân Hiệp từ lâu đã hình thành tập quán sạ lan với mật độ rất dày, lượng lúa giống lên đến 140 - 240 kg/ha. Gieo vãi xong ngày trước ngày sau nhìn mặt đất đã có màu xanh, thế mới đã con mắt. Thế nên, nông dân rất ngạc nhiên khi chứng kiến chiếc máy sạ cụm do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cung cấp, chỉ sử dụng lượng lúa giống 60 kg/ha mà lúa lên đều tăm tắp như được cấy bằng máy. Chiếc máy này còn có chức năng "2 trong 1", kết hợp bón vùi phân ngay khi gieo sạ, nông dân lại nhàn hơn khi không phải lội ruộng bón phân đợt đầu như trước đây.

Không chỉ ngạc nhiên, nhiều nông dân lần đầu giảm đột ngột đến hơn phân nửa lượng lúa giống gieo sạ còn bán tín bán nghi, liệu sạ thưa vậy đến cuối vụ thu hoạch được mấy bông, lấy đâu ra năng suất? Thế nhưng, nỗi nghi ngờ ấy đã sớm được xóa tan khi lúa lên hơn 1 tháng tuổi, đẻ chồi mạnh và phủ kín mặt ruộng. Các hộ tham gia canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu sử dụng phân bón chuyên dùng của Bình Điền, bón phân theo quy trình khuyến cáo nên lúa phát triển rất tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Sạ cụm bằng máy sử dụng lượng lúa giống chỉ 60kg/ha nhưng đã sớm xóa tan nỗi nghi ngờ của nông dân khi lúa hơn 1 tháng tuổi đã đẻ chồi mạnh và phủ kín mặt ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sạ cụm bằng máy sử dụng lượng lúa giống chỉ 60kg/ha nhưng đã sớm xóa tan nỗi nghi ngờ của nông dân khi lúa hơn 1 tháng tuổi đã đẻ chồi mạnh và phủ kín mặt ruộng. Ảnh: Hoàng Vũ.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm chuyển giao đến nông dân kỹ thuật canh tác mới, ứng dụng cơ giới hóa, giảm công lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến, như quy trình "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật tưới nước ướt – khô xen kẽ… Áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của Bình Điền.

Kết quả cuối vụ thu hoạch đã củng cố niềm tin của nông dân khi mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Việc áp dụng máy sạ cụm với lượng lúa giống chỉ 60 kg/ha có hiệu quả hơn so với việc sạ lan mật độ dày. "Sức khỏe" cây lúa tăng lên. Tuy số bông lúa/m2 thấp hơn nhưng tổng số hạt/bông và số hạt chắc cao hơn, vì vậy cho năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng.

Nhờ chủ động việc điều tiết nước theo nhu cầu của cây lúa, áp dụng quy trình ướt - khô xen kẽ đã giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, vừa tạo điều kiện cho bộ rễ lúa phát triển mạnh, chống đổ ngã, thu hoạch dễ dàng… Bón phân cân đối, hợp lý, cây lúa không bị thừa đạm, ít phát sinh dịch bệnh. Lợi nhuận cuối vụ đạt hơn 23 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng làm theo tập quán sạ dày gần 4 triệu đồng/ha. 

Mô hình còn giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, vật tư đầu vào, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, bảo vệ "sức khỏe" cây lúa, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Cây lúa cường tráng, môi trường khỏe mạnh

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông phối hợp cùng Bình Điền, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty Sài Gòn Kim Hồng đã xây dựng hàng trăm mô hình canh tác lúa tiên tiến tại ĐBSCL. Cùng với chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông, tại các mô hình này còn được đầu tư hệ thống trạm quan trắc nước và giám sát sâu rầy, đưa cơ giới vào sản xuất. Đã có 22 trạm quan trắc mặn, đo độ pH được đầu tư lắp đặt trên các tuyến sông rạch chính ở các vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, 1 trạm giám sát sâu rầy tự động đặt tại Viện Lúa ĐBSCL. Bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật có thể truy cập miễn phí để sử dụng dữ liệu này trên ứng dụng Mekong Rynan.

Áp dụng cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa đã giải phóng sức lao động của nhà nông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Áp dụng cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa đã giải phóng sức lao động của nhà nông. Ảnh: Hoàng Vũ.

Theo ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, canh tác lúa hiện nay đang ở mức độ thâm canh rất cao, đất có ít thời gian nghỉ giữa các vụ, lượng phù sa bồi đắp cho đồng ruộng giảm. Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu khiến bà con trồng lúa gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2016 đến nay, đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ nông dân trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có chương trình canh tác lúa thông minh do Bình Điền phối hợp với các đơn vị khác cùng thực hiện. Trải qua các vụ lúa trong từng năm, đến nay đã có gần 500 mô hình được thực hiện ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Từ hiệu quả của chương trình canh tác lúa thông minh, nhiều dự án canh tác lúa cũng đã và đang được các địa phương triển khai thực hiện trong thời gian qua với quy mô rất lớn. Chương trình canh tác lúa thông minh cũng đã đào tạo, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân. Đặc biệt, nhóm nông dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình được đào tạo rất bài bản, có kiến thức kỹ thuật tốt để chủ động áp dụng vào sản xuất, đồng thời có kỹ năng để chuyển giao giải pháp kỹ thuật ra các nhóm nông dân khác trong khu vực.

Tại An Giang, chương trình canh tác lúa thông minh được triển khai ở huyện Tri Tôn trên diện tích gần 20ha, gồm ruộng thực hiện mô hình và ruộng đối chứng. Nông dân Lê Văn Ngờ trực tiếp tham gia mô hình canh tác lúa thông minh, ứng dụng giải pháp giảm giống bằng máy sạ cụm và quản lý dịch hại theo Much More rice ("tăng năng suất - tăng chất lượng, tăng lợi nhuận của cây lúa", quy trình do Công ty TNHH Bayer Việt Nam đề xướng).

Áp dụng canh tác lúa thông minh giúp cây lúa rất khỏe, gần thu hoạch lá đòng vẫn còn xanh, bông to, chắc hạt, cứng cây, không bị đổ ngã, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. Ảnh: Hoàng Vũ.

Áp dụng canh tác lúa thông minh giúp cây lúa rất khỏe, gần thu hoạch lá đòng vẫn còn xanh, bông to, chắc hạt, cứng cây, không bị đổ ngã, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. Ảnh: Hoàng Vũ.

Anh Ngờ chia sẻ: “Tham gia canh tác lúa thông minh, tôi áp dụng biện pháp sạ cụm bằng máy do Công ty Sài Gòn Kim Hồng cung cấp, với lượng lúa giống giảm tối đa, chỉ còn 60kg/ha. Sạ thưa không chỉ giúp tiết kiệm lúa giống, mà còn giảm phân, thuốc, nước tưới so với cách làm truyền thống từ 25 - 30%. Đặc biệt lúa đến gần thu hoạch lá đòng vẫn còn xanh, bông to, chắc hạt, lúa cứng cây, không bị đổ ngã, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. Năng suất lúa cao nên bà con rất vui”.

Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang, canh tác lúa thông minh, cơ giới hóa khâu gieo sạ vừa giảm lúa giống, vừa tiết kiệm các vật tư đầu vào khác như phân bón, thuốc BVTV, tài nguyên nước… Sử dụng phân bón chuyên dùng của Bình Điền và bón phân theo công thức khuyến cáo giúp tăng hiệu quả sử dụng, giảm 1 lần bón so với canh tác truyền thống. Quản lý dịch hại theo quy trình Much More rice do Công ty TNHH Bayer Việt Nam đề xướng, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ tốt các loài thiên địch, cây lúa phát triển tốt, đảm bảo năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Đưa mô hình canh tác lúa thông minh "vượt biên giới"

“Thực hiện chương trình cơ giới hóa khâu xuống giống năm 2023, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng đã chuyển giao máy sạ cụm thông qua các chương trình, dự án. Cụ thể, dư án khuyến nông Trung ương số 1 do Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai trên địa bàn 5 tỉnh gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Long An. Dự án khuyến nông Trung ương số 2 do Viện Nghiên cứu nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ triển khai trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Các dự án khuyến nông địa phương tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hưng Yên đã chuyển giao thiết bị sạ cụm giảm lượng lúa giống và sạ cụm kết hợp bón vùi phân chuyên dùng cho lúa - phức hợp hữu cơ thế hệ mới, vừa giảm công lao động vừa tiết kiệm khoảng 30% lượng phân bón so với bón rải thông thường.

Đặc biệt, lần đầu tiên mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã được chuyển giao ra nước ngoài do Công ty phối hợp cùng Bình Điền thực hiện tại PrayVeng, Bat Tam Bang và Tà Keo (Campuchia), bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng cho hay.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.