| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông 'mở đồng' được mùa, lãi gấp đôi năm ngoái

Chủ Nhật 24/09/2023 , 15:50 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện nay, nông dân ĐBSCL đã 'mở đồng' thu hoạch vụ lúa thu đông sớm trong niềm vui được mùa, giá cao, lợi nhuận cao gấp đôi vụ thu đông năm ngoái.

Niềm vui ngày “mở đồng”

Giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức kỷ lục. Nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn lúa để bán cho thương lái bởi lúa hè thu đã vào cuối vụ thu hoạch. Tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), lúa IR 50404, Ma Lâm 202 có giá 8.000 đồng/kg; OM 5451 giá 7.900 - 8.000 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá từ 8.200 – 8.300 đồng/kg. Tại tỉnh Tiền Giang, vụ thu đông này nông dân gieo sạ các giống lúa phổ biến như: OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, Jasmin... Giá lúa cũng dao động từ 7.800 – 8.200 đồng/kg, tùy theo giống.

Lúa thu đông 'mở đồng' được giá cao, bà con rất phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa thu đông "mở đồng" được giá cao, bà con rất phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, một thương lái thu mua lúa tại ĐBSCL cho hay, ngay từ đầu vụ thu đông 2023, khi nông dân gieo sạ xong là đến đặt cọc 500.000 đồng/công để thu mua lúa với giá từ 8.000 – 8.200 đồng/kg. Theo nhận xét của ông Phong, vụ thu đông năm nay năng suất lúa rất tốt, nông dân hầu hết đạt lợi nhuận gấp đôi vụ thu đông năm ngoái.

“Lúa thu đông năm ngoái chỉ có giá 6.600 đồng/kg, năm nay từ 8.000 đồng/kg trở lên, tăng 1.400 đồng/kg. Tôi mua lúa trên 25 năm nhưng nay mới thấy giá lúa tươi đạt đỉnh đến 8.300 đồng/kg. Năm 2021, lúa khô dự trữ 6 - 7 tháng bán mới được giá hơn 7.000 đồng/kg”, ông Phong cho biết.

Tại các tỉnh có diện tích trồng lúa nhiều như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ…, nhờ được giá vụ hè thu nên bà con tranh thủ xuống giống sớm vụ thu đông 2023. Những ngày này, tại một số địa phương như Đồng Tháp và TP Cần Thơ đã “mở đồng” gặt lúa thu đông. Thương lái mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá từ 8.000 - 8.600 đồng/kg, bà con hết sức phấn khởi, khẩn trương thu hoạch.

Tại Đồng Tháp, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, vụ hè thu 2023, bà con xuống giống gần 185.000ha, đã thu hoạch hơn 95% diện tích. Thị trường lúa gạo sôi động nên bà con tích cực vệ sinh đồng ruộng, làm đất… gieo sạ tiếp vụ lúa thu đông với tổng diện tích 130.000ha, vượt 5.000ha so với kế hoạch. Đến nay, một số huyện đất gò cao như Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò…  nhờ gieo sạ sớm đã có lúa thu hoạch.

Hôm nay, bà con ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) “mở đồng” trong niềm phấn khởi vì được mùa, được giá. Theo tập quán canh tác ở đây, bà con làm 3 vụ lúa/năm. Vụ thu đông năm nay thời tiết rất thuận lợi, lúa đạt năng suất rất khá, dao động từ 700 – 750kg/công (khoảng 6,2 – 6,6 tấn/ha).

Ông Nguyễn Văn Hiểu ở ấp Hòa Quới đang thu hoạch 13.000m2 lúa IR 50404, lúa đạt năng suất 6,6 tấn/ha, với giá bán 8.000 đồng/kg, ông thu về gần 7 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 4 triệu đồng, gần gấp đôi năm ngoái.

Lúa đang có giá nên bà con rất phấn khởi, ông Hiểu nói cắt lúa xong khoảng 1 tuần nữa ông sẽ cho máy xới đất, cho đất nghỉ ngơi đến tháng mười âm lịch thì xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024.

Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Tân Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) vui mừng nói rằng lúa cắt tới đâu thương lái đưa ghe đến cân ngay tại ruộng và trả tiền liền. Gần 2ha lúa Đài Thơm 8 của gia đình chị vừa thu hoạch với năng suất 6,5 tấn/ha, bán tại ruộng 8.300 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng/ha.

Năm nay, nhiều nơi lúa thu đông đạt năng suất trên 6 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nay, nhiều nơi lúa thu đông đạt năng suất trên 6 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Tiền Giang, vụ lúa hè thu năm nay bà con gieo sạ được hơn 40.000ha, trong đó các huyện phía đông xuống giống hơn 23.000ha. Hiện lúa hè thu bà con đã thu hoạch gần xong. Năng suất trung bình khoảng 6 tấn/ha. Riêng các huyện phía tây hiện nông dân đang mở đồng thu hoạch lúa thu đông với năng suất đạt 7 tấn/ha.

Từ đầu vụ đến nay, nông dân Tiền Giang bán lúa đạt giá cao nhất trong hơn 10 năm qua. Thời điểm này, thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân giá từ 7.800 – 8.200 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí, bà con nông dân lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Vụ này, bà con trồng các giống lúa chất lượng cao, cây cứng, ít đổ ngã như: OM 18, Đài Thơm 8, OM 5451, Jasmin.

Ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho hay, mấy ngày nay, diện tích lúa ngoài đê bao đã được bà con thu hoạch xong. Đa số bà con gieo sạ giống OM 18, lúa này đang được giá, có thời điểm bà con bán được đến 8.500 đồng/kg (diện tích bán được khoảng 8ha). Riêng diện tích lúa của HTX trong đê khoảng 20 ngày nữa mới thu hoạch nhưng đã được đặt cọc và thỏa thuận giá. OM 18 có giá 8.200 - 8.400 đồng/kg. OM 5451 có giá thấp nhất 7.700 đồng/kg, cao nhất 8.000 đồng/kg. Năm nay, năng suất lúa của HTX khoảng trên 7 tấn/ha.

Ông Đoàn Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Phú Cường (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, vụ lúa này thương lái tranh nhau thu mua lúa của nông dân, bà con rất vui khi trúng mùa, trúng giá. Sau khi thu hoạch xong, bà con tiến hành cày xới xả lũ ngâm đất, chờ lịch xuống giống của Sở NN-PTNT.

Ông Nguyễn Văn Ðời, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò – Đồng Tháp) cho hay, hơn 90% trong tổng số 900ha lúa thu đông của HTX được sản xuất giống chất lượng cao, năng suất từ 6,2 - 6,5 tấn/ha, giá bán đều trên 8.000 đồng/kg. Ngoài giá lúa tăng cao, năm nay giá vật tư đầu vào có loại giảm mạnh từ 20 - 40%. Nhờ đó chi phí đầu tư giảm rõ rệt, bà con đạt lợi nhuận từ 27 - 35 triệu đồng/ha.

“Hiện thị trường tiêu thụ gạo trên thế giới đang mạnh, giá cao và nhiều triển vọng, do đó HTX động viên bà con tích cực chăm sóc lúa thu đông thật tốt. Nhiều khả năng năm 2023 sẽ là năm được mùa, được giá cho cả 3 vụ lúa đông xuân, hè thu và thu đông”, ông Nguyễn Văn Ðời.

Lúa trong chuỗi liên kết giá cao hơn thị trường

Tại TP Cần Thơ, giá lúa tăng cao đã tạo đà cho nông dân mở rộng sản xuất. Vụ lúa thu đông 2023 này, địa phương sản xuất trên 78.570ha (vượt 12% so với kế hoạch). Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã xác định sản xuất lúa theo mô hình liên kết chặt chẽ từ các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao chất lượng, giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Đồng thời, địa phương còn phối hợp các ban ngành xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Cần Thơ để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Các chuỗi liên kết sản xuất lúa ngày càng chặt chẽ, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các chuỗi liên kết sản xuất lúa ngày càng chặt chẽ, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, nông dân sản xuất lúa ở TP Cần Thơ đã tích cực liên kết thành lập các tổ hợp tác và HTX để kết nối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và tiểu thương cũng tích cực liên kết, phối hợp cùng ngành chức năng và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các cánh đồng lớn gắn với đẩy mạnh cơ giới, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những vùng có điều kiện thuận lợi cho cây lúa như các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh đã hình thành một số vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập trung với tổng diện tích khoảng 55.000ha. Hiện Thành phố có hơn 30 tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa gạo, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn hơn 33.000ha/vụ và có gần 10.000ha sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, SRP và tiêu chuẩn an toàn. Nhiều doanh nghiệp không chỉ tham gia liên kết sản xuất mà còn bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá từ bằng đến cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, bên cạnh đó còn cung cấp lúa giống và các loại vật tư đầu vào cho nông dân, đến cuối vụ mới thanh toán tiền.

Những năm gần đây, tỷ lệ sản xuất các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao của Cần Thơ đạt từ 90 - 95%, tạo thuận lợi cho nông dân bán lúa gạo với giá cao. Các khâu chủ yếu trong quá trình sản xuất lúa như làm đất, tưới nước, bón phân, thu hoạch… hiện đều đã được cơ giới hóa hầu như 100%. Việc áp dụng cơ giới ở các khâu gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được đẩy mạnh và đã đạt 90 - 95%... Nông dân cũng đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm rạ và tận dụng nguồn phụ phẩm này để trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ và sử dụng vào nhiều mục đích khác để nâng cao thu nhập.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.