| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa phương ĐBSCL tăng nhanh diện tích lúa thu đông

Thứ Tư 16/08/2023 , 11:59 (GMT+7)

ĐBSCL Cần Thơ đã tăng trên 7.000ha, Kiên Giang có thể tăng 10.000-12.000 ha lúa thu đông. Nhiều doanh nghiệp bắt tay cùng nông dân xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa tiêu chuẩn cao.

Một huyện tăng gần 6.000 ha lúa thu đông

Những ngày này, đi về các cánh đồng ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đâu đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của lúa thu đông 2023 đang mơn mởn thì con gái. Kết thúc vụ lúa hè thu với thắng lợi cả về năng suất cũng như giá bán đã tạo động lực để nông dân bắt tay vào sản xuất vụ lúa thứ 3 trong năm. Giữa tháng 8, nông dân Tân Hiệp kết thúc lịch gieo sạ lúa thu đông 2023 với diện tích gieo sạ vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Nông dân huyện Tân Hiệp tích cực xuống giống lúa thu đông 2023, đến nay toàn huyện đã tăng diện tích gần 6.000 ha so với kế hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân huyện Tân Hiệp tích cực xuống giống lúa thu đông 2023, đến nay toàn huyện đã tăng diện tích gần 6.000 ha so với kế hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp Bùi Quốc Duy phấn khởi thông tin, đến trung tuần tháng 8, nông dân trong huyện đã gieo sạ lúa thu đông 2023 được 27.634 ha, vượt gần 6.000 so với kế hoạch. Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, nông dân tích cực chăm sóc, phát triển tốt. Cơ cấu giống vụ thu đông chủ lực là OM 18, OM5451, chiếm phần lớn diện tích, còn lại là OM 34, IR 50404.

Theo ông Duy, các vụ lúa trong năm 2023, huyện đã tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng liên kết tiêu thụ của các doanh nghiệp. Cụ thể vụ đông xuân 2022-2023 thực hiện được 31 cánh đồng lớn, với tổng diện tích ký hợp đồng bao tiêu đầu ra đạt 2.674 ha. Vụ hè thu 2023 thực hiện 19 cánh đồng lớn, tổng diện tích bao tiêu 2.552 ha. Các đơn vị tham gia gồm Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Xuân Phương Kiên Giang, Công ty Agimex An Giang, Công ty TNHH Gạo Việt Cần Thơ, Công ty Vĩnh Hòa...

Vụ lúa thu đông 2023, nông dân ĐBSCL đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo sạ, sử dụng máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân vừa giảm lượng lúa giống và tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm công lao động. Ảnh: Kim Anh.

Vụ lúa thu đông 2023, nông dân ĐBSCL đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo sạ, sử dụng máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân vừa giảm lượng lúa giống và tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm công lao động. Ảnh: Kim Anh.

Để vụ lúa thu đông sản xuất đạt hiệu quả, Phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi sâu bệnh định kỳ 7 ngày/lần và phân công cán bộ kỹ thuật kiểm tra đồng ruộng thường xuyên tại các điểm điều tra sâu bệnh, thông báo kịp thời tình hình sâu bệnh cho Chi cục Trồng trọt - BVTV và địa phương để đưa ra hướng chỉ đạo, giúp nông dân hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Tương tự, nông dân huyện Giồng Riềng cũng gieo sạ được hơn 26.500/24.500 ha, vượt 2.000 ha so với kế hoạch. Đây là hai địa phương có diện tích lúa thu đông tăng mạnh tại Kiên Giang, nâng diện tích xuống giống toàn tỉnh đến ngày 15/8 đạt 80.550/71.200 ha theo kế hoạch ban đầu, vượt hơn 9.000 ha. Nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, với việc nông dân tích cực đầu tư sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xuống giống, khả năng vụ lúa này sẽ vượt kế hoạch từ 10.000-12.000 ha, đưa diện tích lúa thu đông toàn tỉnh đạt 83.000 ha.

Diện tích tăng thêm này đều nằm trên nền đất đã từng sản xuất lúa 3 vụ/năm từ những năm trước nên có cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn.

Nông dân làm mạ để cấy bằng máy, giúp nông dân có nhiều thời gian chuẩn bị đất sản xuất vụ lúa thu đông 2023 đạt hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân làm mạ để cấy bằng máy, giúp nông dân có nhiều thời gian chuẩn bị đất sản xuất vụ lúa thu đông 2023 đạt hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Bên cạnh việc tăng diện tích, tỉnh Kiên Giang còn tập trung tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã tổ chức sản xuất được 1.334 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 167.225 ha. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 120.696 ha. Riêng vụ thu đông 2023, các địa phương tổ chức sản xuất được 73 cánh đồng lớn với diện tích 8.427 ha, có 71 cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ với diện tích 7.998 ha.

Cùng với đó là đầu tư sản xuất đạt chuẩn, an toàn, đến nay toàn tỉnh có 55.666 ha sản xuất lúa đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ, kiểm soát dư lượng, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật. Về quản lý, cấp mã vùng trồng đối với cây lúa đã cấp được 118 mã với tổng diện tích gần 6.044 ha, phục vụ xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada.

Chính sách khuyến khích mở rộng diện tích

Việc mở rộng diện tích lúa thu đông nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Đối với TP Cần Thơ, theo tính toán hệ số vòng quay bình quân từ 2.7 - 2.8, nghĩa là thành phố có khoảng 75.000ha đất trồng lúa, tương đương mỗi năm nông dân sản xuất từ 210.000 - 220.000 ha. Ghi nhận thực tế trong vụ thu đông 2023, đến nay diện tích xuống giống của TP Cần Thơ tăng 12% so với kế hoạch, đạt 67.400/60.300 ha (tăng hơn 7.000 ha). Ngành nông nghiệp thành phố dồn sức chỉ đạo sản xuất cho 2 vùng trồng lúa trọng điểm. Cụ thể là vùng diện tích đã rà soát đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và vùng sản xuất lúa tập trung ở 3 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai.

Trạm giám sát sâu rầy thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân quản lý tốt dịch hại, bảo vệ lúa thu đông 2023 hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Trạm giám sát sâu rầy thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân quản lý tốt dịch hại, bảo vệ lúa thu đông 2023 hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nêu quan điểm, phải đặt mục tiêu ở tầm vĩ mô là cơ hội tăng nguồn thu cho bà con nông dân khi mở rộng diện tích lúa thu đông. Cơ hội đó dựa trên điều kiện thực tế về vùng sản xuất phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là thủy lợi đảm bảo. Bên cạnh đó, những vùng này phải bố trí được cơ cấu sản xuất phù hợp, nếu chệch cơ cấu, lỡ vụ đông xuân, cái được không bằng cái mất.

Tại Đồng Tháp, lúa thu đông 2023 đến nay nông trong tỉnh đã gieo sạ được gần 100.000/120.000 ha (đã điều chỉnh tăng so kế hoạch ban đầu 116.000 ha). Ngay từ đầu vụ thu đông 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã xác định tập trung tổ chức sản xuất vụ đông xuân sớm ở những khu vực an toàn về nguồn nước. Theo kế hoạch vụ đông xuân 2023- 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đăng ký xuống giống khoảng 184.000ha. Trong đó, với vụ đông xuân sớm tỉnh Đồng Tháp sẽ chọn 3 huyện là Tháp Mười, Cao Lãnh và Tam Nông tổ chức sản xuất 60.000ha, xuống giống dứt điểm vào tháng 10/2023 và đảm bảo thu hoạch trước Tết Nguyên Đán để tận dụng thời cơ giá tốt.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp dự báo, giá lúa còn có thể tăng cao trong năm nay, điều này sẽ tạo đột phá cho vụ thu đông 2023 và đông xuân 2023 – 2024. Đối với diện tích sản xuất lúa thu đông, phần lớn diện tích tập trung ở vùng sản xuất 2 vụ, kết hợp với nuôi thủy sản. Do đó, việc cải tạo, nâng cao chất lượng đất được ngành nông nghiệp Đồng Tháp đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện thời tiết mưa kéo dài, dễ phát sinh dịch bệnh đạo ôn, một số vùng có nguy cơ bị sâu đục thân gây hại. Ông Điền đề nghị bà con cần thăm đồng thường xuyên, kiểm soát tốt vụ lúa thu đông.

Nông dân ứng dụng máy bay không người lái để chăm sóc, bảo vệ lúa, giúp đảm bảo năng suất và chất lượng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân ứng dụng máy bay không người lái để chăm sóc, bảo vệ lúa, giúp đảm bảo năng suất và chất lượng lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Đặc thù tỉnh Sóc Trăng là địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều năm qua bà con nông dân hạn chế gieo sạ vụ lúa thu đông. Tuy nhiên, một số khu vực nằm trong vùng ngọt, nguồn nước và hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo như huyện Kế Sách và một số xã ở huyện Thạnh Trị, Châu Thành nông dân thực hiện 3 vụ lúa/năm.

HTX nông nghiệp Thạnh Tân ở huyện Thạnh Trị vừa xuống giống 60ha lúa thu đông và vài ngày tới sẽ xuống giống dứt điểm, đảm bảo diện tích đạt trên 300ha lúa thu đông. Anh Lý Thanh Cường, Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Tân cho biết, nhờ hưởng lợi từ hệ thống đê bao khép kín, bà con sản xuất 3 vụ lúa/năm thuận lợi. Anh Cường đánh giá, so với mấy năm vừa qua, chưa bao giờ việc canh tác lúa thuận lợi như hiện nay. Giá lúa thay đổi từng ngày theo đà tăng, hiện dao động gần 8.000 đồng/kg. Nhất là giá vật tư nông nghiệp đã được kiểm soát tốt, dịch hại tương đối ít, tạo động lực cho bà con sản xuất.

Vụ thu đông 2023 ở ĐBSCL được dự báo có nhiều điện kiện thuận lợi cho sản xuất, tạo điều kiện tốt để nông dân liên kết sản xuất, tăng diện tích . Ảnh: Trung Chánh.

Vụ thu đông 2023 ở ĐBSCL được dự báo có nhiều điện kiện thuận lợi cho sản xuất, tạo điều kiện tốt để nông dân liên kết sản xuất, tăng diện tích . Ảnh: Trung Chánh.

Hiện tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai tốt Dự án phát triển lúa đặc sản, giai đoạn 2022 -2025. Với mục tiêu triển khai vùng nguyên liệu lúa đặc sản trong vùng dự án năm 2023 đạt 188.000ha. Đồng thời, duy trì phát triển 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản, với diện tích mở là 1.400ha, trong đó có liên kết tiêu thụ tại các huyện, thị xã.

Để thực hiện dự án đạt hiệu quả trong năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện mời gọi doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa trong các mô hình dự án triển khai thực hiện. Hình thành và xây dựng vùng trồng lúa đặc sản tập trung của tỉnh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhận định, cơ cấu sản xuất lúa hai vụ chính hiện nay ở ĐBSCL, muốn mở rộng diện tích lúa thu đông chỉ cần tác động một số chính sách khuyến khích nông dân sẽ khả thi. Ông Nghiêm đưa ra giải pháp thực hiện hỗ trợ, tổ chức liên kết để bà con thấy có lợi cho sản xuất ở vụ thu đông thì sẽ mạnh dạn xuống giống. Nhất là ở những vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang sẽ giải quyết bài toán mở rộng sản xuất dễ dàng hơn.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Triển khai tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng

Công ty AVAC Việt Nam thành công cung ứng 3 triệu liều vacxin ra thị trường, thể hiện hiệu quả bảo hộ vượt trội và tiềm năng mở rộng đối tượng tiêm phòng.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.