| Hotline: 0983.970.780

Luật Trồng trọt: 'Đánh đố' doanh nghiệp và 'trói chân' sản xuất?

Thứ Hai 12/12/2022 , 15:43 (GMT+7)

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, việc triển khai Luật Trồng trọt có rất nhiều điều cần bàn...

Triệt tiêu động lực cạnh tranh?

Vấn đề xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về khảo nghiệm VCU với cây trồng chính là lúa và ngô, cũng như vấn đề về chất lượng hạt giống, ông thấy có những bất cập gì?

Việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng là vấn đề được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi ngay từ khi xây dựng dự thảo TCVN 13381-1:2021. Đây là vấn đề mà thực ra bản thân tôi cũng khá buồn, bởi những gì đúc rút từ thực tiễn được góp ý lại không được chấp nhận và tiếp thu, để khi ban hành rồi lại rất khó thay đổi, khi ban hành rồi nhưng thiếu khả thi trong thực hiện lại mất công sửa. TCVN càng ban hành chậm thì doanh nghiệp càng tốn kém và mất cơ hội kinh doanh.

anh-3-1135_20210728_702

Ông Trần Xuân Định cho rằng, bộ giống mới và sự đa dạng của giống lúa có thể bị giảm đi, triệt tiêu tính cạnh tranh khi thực hiện Luật Trồng trọt.

Bài liên quan

Theo TCVN, số điểm khảo nghiệm quá nhiều, tới 17 điểm trong phạm vi cả nước, lượng giống phải nộp 1 lần cho đơn vị khảo nghiệm rất lớn vì phải thực hiện cả khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng. Việc chỉ định và thêm đơn vị đủ năng lực, tiêu chí để tham gia khảo nghiệm chậm khiến triệt tiêu động lực cạnh tranh. Nhiều đơn vị lớn cũng đã thấy gánh nặng chi phí của nghiên cứu, chọn tạo và công nhận lưu hành. Số giống mới tham gia khảo nghiệm sẽ giảm đi nhanh chóng, và điều này cũng khiến bộ giống mới trong tương lai sẽ ít đi, tính đa dạng giảm và ứng phó với bất thường của khí hậu sẽ khó khăn hơn.

Cũng có những quan điểm cho rằng không cần nhiều giống, nhiều quá làm "loạn giống" và chất lượng gạo không ổn định, gạo khó xây dựng được thương hiệu… Thực tế không hẳn như vậy. Việt Nam có trên dưới 7,2 triệu ha lúa (diện tích gieo trồng thống kê 2021), chúng ta có trên 250 giống lúa trong danh mục (theo điều tra gần đây của Cục Trồng trọt). Trong khi đó ở Nhật Bản, chỉ có hơn 1,4 triệu ha gieo trồng lúa nhưng có tới 438 giống được lưu hành (số liệu của Viện NARO - Nhật Bản năm 2017). Hay số giống khoai tây ở Hà Lan cũng thế, tới hàng ngàn giống.

Cạnh chúng ta, Trung Quốc ước có tới vài ngàn giống lúa được lưu hành ở các tỉnh. Hiện nay, gạo Việt Nam đã có tên tuổi trên thị trường toàn cầu, giá cao hơn cả gạo của người Thái… Vậy có phải nhiều giống sẽ không có gạo chất lượng cao hay không? Điều này còn liên quan tới vấn đề tổ chức sản xuất, vấn đề làm thị trường và xây dựng thương hiệu.

Vì vậy, cách tiếp cận để xây dựng các quy định, tiêu chí trong TCVN cần thông thoáng hơn, khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, ngô mới..., chứ chi phí để lưu hành được một giống như quy định vùng, vụ, điểm khảo nghiệm thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rồi cả các doanh nghiệp "trường vốn" dần dần cũng sẽ khó mà kham nổi, gánh nặng rồi sẽ lại đổ lên vai nhà nước.

Về chất lượng hạt giống, các quy định, tiêu chuẩn cũng nên có sự tương đồng và phù hợp với quốc tế, các nước trong khu vực. Cơ quan soạn thảo cần lắng nghe và tham khảo các thông tin này. 

1-1608_20211108_492

Việc phát triển những giống lúa truyền thống, "giống toàn dân" đang chông chênh, không biết sẽ về đâu trong thời gian tới. 

Doanh nghiệp chẳng biết lối nào mà lần!

Vậy với các giống cây trồng không phải cây trồng chính, ông thấy quy định về tự công bố lưu hành thế nào, còn gì vướng mắc cần tháo gỡ không?

Đây cũng là vấn đề khá lúng túng, tôi cho rằng, các văn bản hướng dẫn không kỹ, và không tính đến cái đã và đang tồn tại và nếu tư duy kiểu “chẻ từ” thì quả thật doanh nghiệp không biết lối mà lần. Tôi xin dẫn chiếu cụ thể từ Luật Trồng trọt:

- Điều 17. Tự công bố lưu hành giống cây trồng

Điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm:

a) Có tên giống cây trồng;

b) Có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn quốc gia đối với loài cây trồng tự công bố lưu hành; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở;

c) Có thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.

- Trong Nghị định 94/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác (Nghị định 94), tại Điều 6 (Hồ sơ, trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng) nêu:

1. Hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng:

a) Bản tự công bố lưu hành giống cây trồng theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn.

c) Bản công bố các thông tin về giống cây trồng theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

phu-nu-thoi-dai-moi-phai-ban-linh-theo-duoi-den-cung-khat-vong-cua-minh-105002_20210719_237

Theo ông Trần Xuân Định, việc thực hiện quy định theo Luật Trồng trọt trên các giống cây trồng không phải là cây trồng chính như rau, hoa màu... đang khiến các doanh nghiệp không biết đường nào mà lần.

Và trong Mẫu số 02.CN Phụ lục II về bản mô tả thông tin giống là:

"Thông tin về giống cây trồng (nêu rõ thông tin về các chỉ tiêu quy định tại điểm c, d, đ Khoản 1, Điều 10 của Nghị định này. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn cơ sở khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải công bố tối thiểu các thông tin về năng suất, các chỉ tiêu chất lượng chính, mức độ chống chịu với các loài sâu, bệnh chủ yếu, thời gian sinh trưởng, thời vụ gieo trồng, phạm vi địa lý, các chỉ tiêu về chất lượng vật liệu nhân giống tương tự các nhóm cây trồng tương ứng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như quy chuẩn đối với hạt giống của cây ngũ cốc hoặc cây rau màu, cây giống, hom giống, cành giống v.v...)...".

Xin quay lại Điểm b, Khoản 1, Điều 17 của Luật Trồng trọt, có nêu về giá trị canh tác và giá trị sử dụng. Vậy giá trị canh tác gồm các đặc điểm nông sinh học, chống chịu của giống qua đánh giá ngoài sản xuất, còn giá trị sử dụng là năng suất, chất lượng sản phẩm qua đánh giá của người dùng, hay phải hiểu rằng giá trị canh tác là phải khảo nghiệm VCU gồm khảo nghiệm hẹp, rộng và có kiểm soát? Nghị định không hướng dẫn điều này. Và các doanh nghiệp chẳng biết lối nào mà lần!

Như đã trao đổi ở trên, rau màu mặc nhiên được sản xuất kinh doanh và nó được hiểu là pháp luật cho phép từ quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2004. Tất cả các giống rau màu nhập nội vào Việt Nam gồm giống ưu thế lai và thụ phấn tự do đều không bắt buộc thực hiện khảo nghiệm.

watermark_anh-2-huu-co-1358_20210927_325 (1)

Nhờ rất thuận lợi trong nhập khẩu các giống mới nên ngành rau quả Việt Nam đã có những tăng trưởng vượt bậc những năm qua. 

Thực tế trước khi có Luật Trồng trọt, giống rau màu được thả nổi, cơ quan chuyên môn cũng không nắm được hàng năm có bao nhiêu giống rau màu các loại được đưa vào sản xuất; các giống mới là gì, như thế nào? Có nhứng giống như su hào nhập từ Đài Loan, Hàn quốc… có thời gian sinh trưởng chỉ 50 - 55 ngày, tạo củ tốt ngay cả khi nhiệt độ cao, hay bắp cải KA-cross chịu nhiệt, rồi củ cải trắng, cà rốt… đã gieo trồng ở các vùng chuyên canh 5 - 7 năm nay.

Vậy bây giờ tự công bố thì đơn vị sản xuất kinh doanh giống chỉ cần tổng hợp các thông tin về đặc tính nông sinh học của giống, quy trình… như tại Khoản 1, Điều 6 của Nghị định 94 rồi lập hồ sơ tự công bố lưu hành? Còn nếu hiểu giá trị canh tác, giá trị sử dụng là phải thực hiện cả 3 loại khảo nghiệm, trong đó có khảo nghiệm có kiểm soát với sâu bệnh và ngoại cảnh, chả khác gì đánh đố doanh nghiệp!

Tôi cho rằng, nông dân, thị trường sẽ lựa chọn giống; còn doanh nghiệp muốn kinh doanh thì phải thử nghiệm trước, theo dõi, ghi chép những đặc điểm nông sinh học cơ bản, công bố để người dân biết và cơ qan quản lý nắm bắt được hòng xử lý những tranh chấp và sự cố ngoài sản xuất.

Thời điểm sau 1/1/2023, nếu không có giải pháp đơn giản thông thoáng với những trường hợp này, thị trường hạt giống rau, hoa… lại rối bét, thiếu giống và lại nhập lậu, lại “chạy” xin phép các kiểu này nọ, liệu kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả còn như kỳ vọng? 

Ông nói rằng trong Luật Trồng trọt còn có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo. Ông có có thể nêu một vài ví dụ cụ thể?

Empty

Không chỉ các doanh nghiệp, các địa phương hiện cũng đang có nhiều băn khoăn trong việc cơ cấu các giống lúa vào sản xuất khi thực hiện Luật Trồng trọt.

Tôi chỉ dẫn một ví dụ nhỏ ở đây về sự không nhất quán giữa các điều, còn "sạn” trong Luật Trồng trọt cũng khá nhiều, xin được đề cập dịp khác.

- Khoản 1, Điều 13 quy định: Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.

Quy định này được hiểu rằng sản xuất hạt lai để xuất khẩu là được phép ngay cả khi chưa được công nhận lưu hành. Song cũng tại Luật này, ở Khoản 2, Điều 28 lại quy định: Giống cây trồng và hạt lai của giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành và không thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu chỉ được xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế không vì mục đích thương mại và phải được Bộ NN-PTNT cho phép.

- Cả Luật Trồng trọt và nghị định 94 không giải thích rõ cụm từ xuất khẩu; không làm rõ trường hợp sản xuất, gia công cho đối tác nước ngoài tại Việt Nam thì trình tự, thủ tục để xuất khẩu như thế nào. Trong khi đây là hoạt động cần được khuyến khích, hỗ trợ để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất một số chủng loại giống cây trồng cho các nước trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất