| Hotline: 0983.970.780

Thấy gì qua 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt?

Thứ Hai 12/12/2022 , 07:05 (GMT+7)

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ về những bất cập trong thực hiện Luật Trồng trọt.

Nhiều doanh nghiệp "ngồi trên đống lửa"

Thưa ông, Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 2020) ra đời đã gần tròn 3 năm. Ông đánh giá thế nào về việc thực thi Luật ngoài thực tế? Đặc biệt với các đơn vị là thành viên của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA)?

d1aa829a-khat-vong-lua-gao-viet-3

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam.

Việc triển khai thực hiện Luật Trồng trọt đang là vấn đề khá "nóng" trong cộng đồng doanh nghiệp ngành giống cây trồng của VSTA cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực trồng trọt.

Trước hết xin nói rằng, Luật Trồng trọt là một luật chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật nhưng rất rộng, nó quy định những khuôn khổ, hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh lĩnh vực trồng trọt như giống cây trồng nông nghiệp (không bao gồm cây lâm nghiệp); sản xuất, kinh doan phân bón; canh tác, môi trường trồng trọt...

Và do cần tiếp cận theo chuỗi, nên Luật này còn có cả phần thu hoạch, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng. Lẽ ra, nó cũng bao gồm cả lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật nữa, nhưng đã có riêng một luật này được xây dựng từ trước nên Luật Trồng trọt không bao gồm lĩnh vực này.

Vì nó quá rộng, nên tôi xin được nêu một vài nhận xét đánh giá về Chương II của Luật này là Chương “Giống cây trồng” qua gần 3 năm thực hiện. Có lẽ đây cũng là chương cốt lõi và là chủ đề chính của Luật Trồng trọt.

Sau gần 3 năm trôi qua, Luật quy định có một số vấn đề chuyển tiếp, thời hạn chuyển tiếp đến hết tháng 12/2022, và năm tới 2023, mọi thứ sẽ tuân thủ theo những quy định đã được ban hành. Nó sẽ tác động và ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành giống thế nào? Xin thưa rằng, nhiều đơn vị đang như "ngồi trên đống lửa", không biết sẽ sản xuất kinh doanh kiểu gì, khi mà những giống trước đây được sản xuất và bán bình thường thì giờ “đã quá 10 năm”, nếu sản xuất, kinh doanh sẽ vi phạm luật? Hàng chục đơn vị đã điện hỏi cơ quan chuyên môn và họ hỏi cũng như có ý kiến luôn với cả VSTA.

z2813981445302_36b11e74a7ce9c5a747767210762353d

Các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng đang có nhiều băn khoăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Trồng trọt. 

Trong 3 năm vừa qua, cũng đã có rất nhiều thảo luận, nhiều cuộc họp liên quan tới các văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt, từ Nghị định 94/2019/NĐ-CP, Thông tư số 17/2019/TT-BNNPTNT… và nhất là các TCVN về khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của nhóm 2 cây là lúa và ngô trong tổng 6 cây trồng chính.

Hai năm đầu sau khi Luật có hiệu lực (2020 và 2021); hệ thống nghiên cứu, khảo nghiệm và công nhận bị trì trệ. Giống lúa, ngô mới đã nghiên cứu, chọn tạo cũng đành xếp đó vì cơ quan quản lý chưa chỉ định được đơn vị khảo nghiệm. Câu chuyện này, tôi nhớ cuối năm 2021, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có một loạt bài viết. Không có giống ngô mới nào được công nhận lưu hành; chỉ vài giống lúa do đã có quyết định công nhận sản xuất thử và hoàn thành tiếp khảo nghiệm có kiểm soát mới được công nhận lưu hành theo luật mới. Cũng rất may là việc công nhận này chưa áp dụng TCVN vừa ban hành cách đây gần một năm.

Vấn đề sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu với một loạt nhóm cây không phải cây trồng chính cũng đang làm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hạt giống đau đầu và lúng túng không biết sẽ làm thế nào. Trong nhóm này, có cây ăn quả, cây rau màu, hoa… - một lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 - 7 năm gần đây, nó giúp nông dân nhiều vùng giàu lên, và Việt Nam đã đạt được những kỳ tích về giá trị xuất khẩu nhóm cây này (từ dưới 1 tỷ USD năm 2010 hiện đã đạt trên 4 tỷ USD, tương lai không xa sẽ cán mốc 5 tỷ USD, góp phần rất lớn vào tăng trưởng của toàn ngành.

11_18_3181_anh-1-164205

Nhiều giống rau, hoa màu..., doanh nghiệp sẽ phải tự công bố lưu hành.

Trước đây, theo Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 và Quyết định số 95/2007/QĐ-BNNPTNT, nhóm cây này (cây ăn quả, rau, hoa màu…) mặc nhiên được sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp nhập khẩu cũng được thông quan dễ dàng. Có lẽ chính điều đó đã làm thay đổi một loạt các giống rau, hoa, cây màu khác trong sản xuất trồng trọt ở Việt Nam. Nhiều giống ưu thế lai, năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt như su hào, cải củ, cà rốt, rau cải các loại, dưa chuột, bầu bí, mướp… với thời gian sinh trưởng ngắn hơn, nhiều giống chịu nhiệt và có thể gieo trồng quanh năm và bằng chứng cho thấy nông sản Việt Nam luôn phong phú, không còn cảnh "giáp vụ rau" như trước kia.

Thế nhưng, nhóm giống rau, hoa màu... này, theo quy định mới, đến 2023, nếu chưa tự công bố lưu hành thì theo Luật Trồng trọt, Hải quan sẽ không cho thông quan như trước. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực giống cây trồng hết sức băn khoăn lo lắng, mà có thể ảnh hưởng tới sản xuất... 

Mông lung công nhận "giống toàn dân"

Ông có thể nêu cụ thể một số bất cập trong Luật cũng như văn bản hướng dẫn khiến các doanh nghiệp ngành giống đang lo lắng?

Bất cập có lẽ cũng khá nhiều, nhưng tôi xin nêu một số vấn đề chính có tác động và chỉ hơn 10 ngày nữa có hiệu lực thi hành sau khi hết thời gian chuyển tiếp, được quy định tại Mục 2, Chương II của Luật. Cụ thể:

Nhị ưu 838, một trong những giống lúa

Nhị ưu 838, một trong những giống lúa "toàn dân".

- Ở Điều 15 quy định về "Cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng", tại Khoản 2 Điều này quy định: Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn.

Thực tế, trong sản xuất lúa ở nước ta đang tồn tại và phổ biến khoảng trên 250 giống lúa các loại, các giống này bao gồm các giống lúa cổ truyền địa phương như nếp cái hoa vàng, tám thơm, dự hương, séng cù, nếp bể, nếp dâu, nếp cau... và hàng trăm giống lúa khác là các giống cải tiến do các cơ quan nghiên cứu, các viện, trường, công ty lai tạo chọn lọc từ nhiều năm trước, có nhiều giống được nhập nội từ Trung Quốc như các nhóm lúa thuần, lúa ưu thế lai…, điển hình là Q5, Khang dân, Hương thơm 1, Bắc thơm 7, Nhị ưu 838

Những giống này, nhu cầu sản xuất của nông dân vẫn còn khá nhiều, chúng tôi ước tính lượng giống cần cho thị trường khoảng vài ngàn tấn. Để công nhận lưu hành lại hay gia hạn đối với những giống này là cả một vấn đề lớn. Bởi các giống này về thực chất không có chủ sở hữu, vì giai đoạn công nhận đó Luật Sở hữu trí tuệ và vấn đề bản quyền giống chưa được đề cập và chú ý nhiều, phần lớn các giống này được dùng chung, công ty nào sản xuất kinh doanh cũng được, theo đó các công ty nhỏ, chưa có hoặc có ít giống bản quyền đều tham gia sản xuất, nhân giống và kinh doanh các giống này.

Cũng không ít các công ty lớn đều sản xuất kinh doanh các giống “Public” như vậy, và họ làm hệ thống chọn lọc, sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận bài bản, thị phần thì phổ biến ở 2/3 đất nước từ miền Bắc vào đến Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Empty

Cac doanh nghiệp cho rằng, công tác công nhận lưu hành giống cây trồng theo Luật Trồng trọt còn nhiều bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Để gia hạn công nhận lưu hành theo quy định mới phải gửi giống cho cơ quan khảo nghiệm có kiểm soát để đánh giá mức độ nhiễm sâu bệnh hại. Theo TCVN 13381-1:2021: Điểm sâu bệnh với 3 đối tượng là rầy nâu, đạo ôn và bạc lá phải đạt điểm (lần lượt) là 5; 5 và 7 trở xuống. Tôi có tham khảo các nhà khoa học thì đều nói là khó để đạt được điểm này.

Bởi thực tế, những giống đã phổ biến trên dưới 15 năm, thậm chí 20 năm thì ở giai đoạn lai tạo trước kia, chưa có công nghệ đánh dấu gen (Marker phân tử) để lai tạo backcross như bây giờ. Ví dụ việc giống có kháng được, và có gen kháng không hoàn toàn là may rủi, và sau bao năm tác động của môi trường cũng sẽ khiến kiểu gen thay đổi, liệu tính kháng với các giống đã được "phóng thích" lâu như thế còn giữ được?

- Điều 22 quy định về "Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng", tại Khoản1 của Điều này nêu: Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Điểm a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Do Luật chỉ quy định chung như vậy và không có văn bản hướng dẫn, cũng không có giải thích, hướng dẫn gì thêm nên cán bộ quản lý các cấp đang hiểu rằng: "Ông nào nhanh chân làm gia hạn công nhận lưu hành sẽ tự nhiên được trao quyền sở hữu, và thích cho ai tham gia sản xuất kinh doanh là quyền của họ!"

Điều này trái với Luật Sở hữu trí tuệ và quy định về bảo hộ giống cây trồng, quyền tác giả giống cây trồng. Chúng tôi, các thành viên VSTA cho rằng, thị trường giống sẽ bị rối loạn do quy định này. Đơn vị đứng ra để làm gia hạn lưu hành cũng thừa nhận, năng lực sản xuất chỉ giới hạn và sẽ không thể đáp ứng nhu cầu thị trường của nông dân. Cung không đáp ứng cầu, thị trường sẽ ra sao? Có thể đây sẽ là cơ hội cho giống giả, giống rởm làm hại nông dân, cơ hội cho các cá nhân kinh doanh chộp giật thu lợi bất chính... Vậy nên, các nhà quản lý cần suy nghĩ, giải pháp để giải quyết vấn đề này trong lúc chưa thể sửa đổi Luật Trồng trọt trong một sớm, một chiều.

Xin cảm ơn ông!

Vâng, xin được chia sẻ cùng ông và cộng đồng doanh nghiệp. Vậy mặt tích cực khi thực hiện Luật Trồng trọt là gì, thưa ông?

Ban đầu, cộng đồng VSTA đánh giá, Luật mới sẽ hạn chế được thủ tục và giảm bớt được thời gian đưa các giống mới từ nghiên cứu, chọn tạo ra lưu hành ngoài sản xuất như mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.

Trước đây, một giống lúa (ngô) muốn được công nhận chính thức thường phải mất 3 - 5 năm và phần lớn phải qua 2 bước: Công nhận sản xuất thử rồi hoàn thành tối đa 2 năm sản xuất thử sẽ công nhận chính thức (bây giờ gọi là công nhận lưu hành). Còn theo Luật này, thời gian cũng có thể được rút ngắn lại nhanh hơn, không phải qua 2 bước công nhận nữa, vẫn phải khảo nghiệm VCU đủ 3 vụ diện hẹp, 2 vụ diện rộng và đáp ứng tiêu chí sẽ được công nhận lưu hành (chỉ 1 lần). Theo Luật Trồng trọt, việc công nhận giống cũng không cần có một hội đồng khoa học để đánh giá giống như trước đây nữa, mà chỉ phòng chuyên môn của Cục Trồng trọt thẩm định và ra quyết định công nhận lưu hành.

(Thực hiện)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.