Với hơn 632.000ha, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên và thứ 4 cả nước. Hiện tỉnh Gia Lai ghi nhận có 11 công ty TNHH MTV lâm nghiệp và 21 Ban Quản lý rừng phòng hộ, cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai đang đối diện với thách thức khi nhiều nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Điều này càng khiến cho rừng có nguy cơ bị xâm hại, dân di cư tự do chiếm đất rừng làm nương rẫy. Việc tuyển dụng nhân viên giữ rừng đang gặp nhiều khó khăn khi mức đãi ngộ trong lĩnh vực này rất thấp, trong khi công việc áp lực, thậm chí đe dọa đến cả tính mạng.
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (huyện Đăk Pơ) đang xảy ra thực trạng mỗi nhân viên quản lý bảo vệ hơn 3.000ha rừng. Diện tích rừng được giao cho nhân viên tăng gấp 3 lần so với thông thường.
Lý giải điều này, ông Phan Thanh Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết, đơn vị được giao 15 biên chế nhưng đến nay có 6 người xin nghỉ. Trong số 9 người thì lãnh đạo và văn phòng chiếm 6 người, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng chỉ còn 3 người.
"Nguyên nhân do áp lực giữ rừng ngày càng lớn mà tiền lương, chế độ phụ cấp còn thấp. Mặt khác, đặc thù công việc phải xa nhà nên một số người đã xin nghỉ việc hoặc tự động bỏ việc", ông Hải thông tin.
Với thâm niên gần 10 năm trong nghề, anh Hồ Vĩnh Tường (nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê) cho biết, mức lương thực nhận của anh hiện chỉ hơn 4,4 triệu đồng/tháng. Mức lương này không đảm bảo nuôi con cái ăn học, chưa kể các khoản chi tiêu khác. Trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực càng lớn.
“Diện tích rừng lớn nên chúng tôi phải phân chia và phối hợp với địa phương để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên diện tích được giao. Nhiều lúc không có thời gian về nhà thăm gia đình", anh Tường chia sẻ.
Tình trạng thiếu nhân viên bảo vệ rừng còn xảy ra Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur huyện Chư Prông. Mới đây lại có thêm 3 người viết đơn xin nghỉ việc, thậm chí cả trưởng ban cũng viết đơn xin nghỉ hưu sớm. Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Vĩnh Thuận, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur cho biết, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nghỉ nhiều do áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ rừng lại rất lớn, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật, thậm chí có khi bị khởi tố.
Hiện tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (huyện Chư Prông) còn 11 người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 10.000 ha rừng. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Chu Khánh Hữu (nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur) cho biết: “Khu vực này thiếu thốn đủ thứ, điện thoại thì chập chờn, nước sạch thì không có, chỉ trông chờ vào nước mưa. Thu nhập của mình khoảng 6 triệu, nên phải tiết kiệm để còn gửi về cho vợ con”, anh Hữu cho biết.
Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa), nơi được giao quản lý trên 24.000ha rừng. Diện tích này trải dài 40km giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk và 16 km giáp ranh với thị xã Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai. Với diện tích quá lớn, địa hình hết sức hiểm trở, trong khi chỉ có 17 nhân viên trực tiếp tham gia quản lý rừng. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cho biết, hiện nay việc tuyển dụng nhân sự giữ rừng đang gặp khó khăn, ngoài việc lương thấp, nhân viên giữ rừng khi tuyển dụng vào đòi hỏi phải có bằng cấp theo quy đình.
“Được biết, tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị với Trung ương xin cơ chế đặc thù đối với lực lượng giữ rừng. Trong đó, việc tuyển dụng nhân viên giữ rừng bỏ qua vấn đề bằng cấp theo quy định. Chẳng hạn, người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi đi lính nghĩa vụ quân sự nếu được tuyển dụng vào làm nhân viên bảo vệ rừng thì quá tốt”, ông Sơn chia sẻ.
Trước tình trạng nhiều nhân viên lâm nghiệp nghỉ việc, Sở NN-PTNT Gia Lai vừa có thông báo tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc năm 2023. Trước mắt, cần tuyển 69 chỉ tiêu vào 18 ban quản lý rừng phòng hộ và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua kiểm tra thực tế ở 1 số ban quản lý rừng có tình trạng nhân viên xin nghỉ việc. Nguyên nhân do lương thấp, áp lực công việc lại cao nên nhiều nhân viên buộc phải đi tìm công việc khác.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân viên yên tâm công tác giữ rừng, giữ nghề. Hiện các chính sách của Nhà nước vẫn còn thiếu, chưa tương xứng nên chúng tôi đã có những đề xuất trong thời gian tới có những đãi ngộ tốt hơn cho lực lượng giữ rừng”, ông Hoan chia sẻ.
Ngày 29/6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang đã xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra vụ việc phá hơn 5,3ha rừng phòng hộ và 521 cây thông bị ken gốc tại 2 tiểu khu 441 và 437, xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang). Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang đã họp xem xét trách nhiệm, tập thể cá nhân có liên quan chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật diễn ra tại tiểu khu 441, 437.
Kết quả, đối với tập thể, Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, viên chức bảo vệ rừng phụ trách tiểu khu 437 bị kỷ luật với hình thức khiển trách.