| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng đầu nguồn là bảo vệ sự sống

Thứ Tư 28/06/2023 , 08:24 (GMT+7)

TÂY NINH Với vai trò trấn giữ thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, ngoài bảo vệ rừng, trồng rừng được Tây Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ rừng đầu nguồn - sự sống của cả khu vực.

Gian truân thu hồi đất rừng

Vượt chặng đường gần 90km, chúng tôi tiếp tục đến với hồ chứa nước Dầu Tiếng - Phước Hòa. Thời điểm này, trong khi nhiều hồ chứa, thủy điện trên cả nước đang thiếu nước, trơ đáy thì nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng  - Phước Hòa vẫn đầy ắp. Có đôi khi, lượng nước của hồ chạm đến mực nước chết nhưng với tính chất nước hồ được tiếp liên tục từ các hệ thống hồ nhỏ và rừng đầu nguồn nên đây không phải là vấn đề lớn.

Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, công trình trọng điểm quốc gia và là túi giữ nước của cả vùng Đông Nam bộ. Hồ vừa cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành; vừa phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, bảo vệ hồ Dầu Tiếng được xem là nhiệm vụ tối quan trọng, bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng là một trong các biện pháp bảo vệ công trình, nguồn nước, cũng như bảo vệ sự sống của cả khu vực.

Hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng của cả vùng Đông Nam bộ. Bảo vệ hồ và giữ rừng đầu nguồn là nhiệm vụ tối quan trọng. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng của cả vùng Đông Nam bộ. Bảo vệ hồ và giữ rừng đầu nguồn là nhiệm vụ tối quan trọng. Ảnh: Trần Trung.

Trước đây, rừng phòng hộ Dầu Tiếng là điểm nóng của tình trạng bao lấn đất rừng tại tỉnh Tây Ninh. Lợi dụng các khu rừng giáp ranh với khu dân cư, nhiều đối tượng dùng thủ đoạn lấn chiếm đất rừng làm rẫy trồng hoa màu, cao su...

Ông Phạm Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, các đối tượng thường lén lút đốt rừng, bóc vỏ cây, phát cành, làm cây rừng chết dần kết hợp với thủ đoạn xóa mốc ranh giới để khó nhận biết đâu là đất rừng, đâu là đất của dân. Khi bị phát hiện, nhiều đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Có đối tượng còn gài chông, rải đinh tại các đường mòn nhằm ngăn cản việc tuần tra. Trong khi đó diện tích rừng phòng hộ lớn, lực lượng đơn vị lại mỏng nên rất khó kiểm soát...

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Sở NN-PTNT Tây Ninh nhiều giải pháp để giải quyết triệt để. Tính đến cuối năm 2020, Ban Quản lý đã phối hợp xử lý được khoảng 350 ha (trong tổng số 1.060 ha đất) để đưa vào trồng rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp, và dự kiến sẽ xử lý dứt điểm trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp tuần tra nhằm đảm bảo rừng đầu nguồn không bị xâm hại, cháy rừng. Ảnh: Lê Bình.

Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp tuần tra nhằm đảm bảo rừng đầu nguồn không bị xâm hại, cháy rừng. Ảnh: Lê Bình.

Song song đó, Ban chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và các xã có rừng tổ chức tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu lợi ích của rừng, tác hại của việc phá rừng, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân nắm được các hành vi vi phạm, mức xử phạt từ đó họ sẽ ý thức hơn về hành vi của mình.

“Việc xử lý bao lấn chiếm rất là khó, bài học kinh nghiệm của chúng tôi rút ra là phải vận dụng được sự đồng thuận của các cấp, mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi thấy rằng, khi đụng tới quyền lợi của nhân dân, chúng ta phải làm minh bạch, rõ ràng, công khai, tất cả mọi người đều ứng xử như nhau. Minh chứng nhất là khâu tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ được hơn các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của nhà nước, từ đó đồng thuận, trả lại rừng”, ông Phạm Chí Trung- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng chia sẻ.

“Rừng sẽ mất nếu vô chủ!”

Đó là câu nói chắc nịch mà ông Phạm Chí Trung chia sẻ  khi tiếp chuyện chúng tôi về các biện pháp giữ rừng. Chủ trương này được Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng xác định và đi vào trọng tâm hoạt động.

Từ đó, Ban cũng chủ động xây dựng các nhóm hộ nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường lực lượng cho các đội, nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng, bám sát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm mới phát sinh… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khi thành lập đến nay, diện tích rừng đầu nguồn mà Ban Quản lý bảo vệ nguyên vẹn, rừng trồng không ngừng phát triển.

Để hiểu rõ hơn về những lợi ích từ mô hình trồng rừng và giữ rừng mang lại, thông qua Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, chúng tôi có hẹn với anh Chu Đức Toàn (ngụ ấp 2, xã Suối Ngô) tại chính cánh rừng mà anh đang được giao khoán.

Gia đình anh Toàn là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Tân Châu tham gia nhận khoán trồng rừng. Với diện tích 20 ha tại tiểu khu 38, 39 (đội Suối Ngô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng), trung bình mỗi năm, gia đình anh Toàn thu trên 200 triệu đồng từ các loại cây khác trên đất rừng được giao.

Nhờ tham gia nhận khoán trồng rừng mà anh Chu Đức Toàn (ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) có thu nhập ổn định và cùng chung tay bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ tham gia nhận khoán trồng rừng mà anh Chu Đức Toàn (ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) có thu nhập ổn định và cùng chung tay bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Toàn cho biết, trước đây gia đình thuê đất trồng mì và mía nhưng mùa được, mùa thất, giá cả không ổn định. Từ khi ký hợp đồng trồng rừng (thời hạn 50 năm), toàn bộ diện tích đất được giao, gia đình trồng sao, dầu, xen canh cây cao su. Bắt đầu từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, anh trồng xen canh mì, kiếm thêm thu nhập. Năm thứ năm, gia đình bắt đầu có thu nhập từ cây phụ trợ rừng trồng như gỗ, củi, mủ cao su... trên diện tích nhận khoán.

“Gia đình đã gắn bó nhiều năm với rừng. Do gần rừng, gần hộ dân sinh sống, nên tiện cho chúng tôi qua lại canh tác, chăm sóc. Một điều thuận lợi là trồng cây rừng phù hợp, ít chi phí đầu tư so với các loại cây nông nghiệp khác, nhờ trồng rừng, kinh tế gia đình tôi ổn định. Đây là nguồn kinh tế chủ lực của chúng tôi gần 20 năm nay”, anh Toàn chia sẻ.

Ông Phạm Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết thêm, đến nay đơn vị đã thực hiện giao khoán cho người dân tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ trên 7.300 ha/20.144 ha rừng đặc dụng, phòng hộ toàn tỉnh. Riêng năm 2022, Ban Quản lý đã thực hiện 659 ha/308 hộ nhận khoán trồng rừng (gồm 202,5 ha/102 hộ năm 2021, 456 ha/206 hộ năm 2022), đạt 132% kế hoạch. Đến năm 2025, Ban sẽ tiếp tục tổ chức trồng thêm 1.000 ha rừng theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Nhiều cây rừng bị 'bức tử' tại khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều cây rừng bị "bức tử" tại khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ảnh: Lê Bình.

“Chúng tôi chủ động nắm bắt những nguyện vọng của người dân trong việc trồng rừng để đưa ra phương án giải quyết hài hòa. Nghiên cứu mô hình trồng rừng hợp lý, tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; phát triển một số loài cây bản địa quý hiếm còn tồn tại trong rừng; xây dựng mô hình trình diễn nông lâm kết hợp, chuyển giao kỹ thuật đến hộ nông dân...

Việc tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với thu nhập ngày càng ổn định sẽ là giải pháp bền vững giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Bác Hồ từng dạy “Rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ thì rất quý”. Trong một héc-ta rừng, ngoài gỗ thì còn rất nhiều tài sản quý có thể đem lại thu nhập cho người dân. Rừng không có rào, cho nên giữ rừng phải dựa vào dân, đặc biệt là người dân vùng đệm, sống ven rừng nếu khôngrừng sẽ bị tàn phá nếu vô chủ”, ông Phạm Chí Trung chia sẻ.

Cần tăng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người tham gia nhận khoán trồng mới và chăm sóc rừng trồng được trồng xen các loài cây phù trợ, cây nông nghiệp trong thời gian đầu khi rừng chưa khép tán. Hầu hết rừng trồng qua các năm đã khép tán, người dân không còn nguồn thu từ việc trồng xen các loài cây phù trợ, cây nông nghiệp. Điều này khiến thu nhập của người làm nghề rừng giảm dần, chưa có nguồn thu thay thế.

Ngoài ra, định mức khoán bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm thực sự chưa thu hút được người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người làm nghề rừng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và các ngành nghề khác còn ít.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, với diện tích hơn 73.000 ha rừng thì rừng Tây Ninh có diện tích lớn so với các tỉnh Đông Nam bộ. Đặc biệt, đối với một tỉnh có hồ Dầu Tiếng, trong nhiều năm qua, kết quả ghi nhận được là rừng được bảo vệ tốt, nhất là nạn phá rừng gần như không còn. Ngành đang tích cực đề nghị Bộ NN-PTNT và Quốc hội nghiên cứu các chính sách để người dân được hưởng lợi trên rừng trồng, rừng phòng hộ, kể cả cây chính và cây phù trợ…

“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ hướng dẫn cụ thể hơn về các loại cây rừng trồng được khai thác. Đồng thời đề xuất phương án khai thác luân phiên, xoay vòng không quá 20% khi rừng đã đủ tiêu chuẩn, khép tán. Nếu như họ không được khai thác như vậy, trong khi cây rừng đã khép tán rồi, thì hầu như không còn quyền lợi. Khi đó sẽ ảnh hưởng tới tâm huyết cũng như nhiệt tình của người dân để giữ rừng”, ông Xuân nói.

Ngoài giao khoán bảo vệ rừng, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tây Ninh được giao thực hiện trồng mới 2,8 triệu cây xanh, hiện toàn tỉnh đã trồng 1,8 triệu cây giống do nhà nước tài trợ. Trồng rừng không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho địa phương nói riêng, cả nước nói chung. Phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, vừa trồng cây gây rừng, tạo sinh kế, vừa đem lại màu xanh cho cảnh quan, môi trường, sức khoẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phần nào giảm sức ép nhu cầu gỗ từ rừng tự nhiên”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.