| Hotline: 0983.970.780

Lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Thứ Tư 02/11/2011 , 10:39 (GMT+7)

Khảo sát vừa thực hiện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Khảo sát vừa thực hiện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động.

Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, 35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Cũng theo khảo sát, để người lao động có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động (tại thời điểm tháng 4/2011), nhu cầu lương ở vùng I là 3.042.660 đồng/tháng; vùng II là 2.861.780 đồng/tháng; vùng III là 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV là 2.470.950 đồng/tháng.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, cuộc khảo sát cũng đưa ra một kết quả khá bất ngờ là, tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty làm ăn có lãi có thể đạt bình quân tới 8 đến 10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 3 lần so với nhóm doanh nghiệp khu vực FDI. Được biết, những kết quả nói trên cũng là cơ sở để cơ quan này tham gia với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh lương tối thiểu và cơ chế trả lương khu vực doanh nghiệp.

Đánh giá về mức lương điều chỉnh hợp nhất lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vừa được áp dụng, đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng đây là một cố gắng lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, mức điều chỉnh mới chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Theo nhận định của chuyên gia, việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động.

Cụ thể, theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn thì mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực - thực phẩm, nhóm phi lương - thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con. Kết quả khảo sát từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011 tại Hà Nội (vùng I), với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300 kilô calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì người lao động phải chi phí tới 35.300đ/ngày. Như vậy chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng người lao động đã phải chi tối thiểu 1.059.000đ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chi phí để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/tháng. Đối với  doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tháng tối thiểu thống nhất, đối với vùng I: 2 triệu đồng, vùng II: 1,78 triệu đồng, vùng III: 1,55 triệu đồng, vùng IV: 1,4 triệu đồng.

Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai:

“Dự thảo luật sửa đổi lần này quy định Nhà nước phối hợp với tổ chức công đoàn định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm đưa các thông tin công khai minh bạch về tiền lương. Ví dụ, vùng Đông Nam bộ hiện mức lương ở ngành dệt may khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng là hợp lý. Đó sẽ được xem như lương mẫu để người lao động biết mình được trả lương hợp lý hay chưa".

Như vậy, có thể thấy rõ sự chênh lệch rất rõ giữa thực tế đời sống của người lao động với lương tối thiểu vùng hiện nay. Cùng quan đểm, lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng cuộc sống của người lao động, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đang hướng tới giải quyết vấn đề lương, lương tối thiểu cho 15 triệu người tham gia quan hệ lao động.

Cụ thể là hướng tiền lương phải tính theo đúng giá cả của sức lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo bà Mai, trên thực tế hiện chưa có cơ sở nào để xét tiền lương mà chủ sử dụng lao động đưa ra đã hợp lý, đúng giá cả sức lao động của người lao động bỏ ra. Vì vậy Nhà nước phải quy định cơ chế thông tin để người lao động biết tiền lương đối với ngành nghề của mình trong từng giai đoạn, làm cơ sở cân nhắc thỏa thuận với chủ sử dụng.

Cùng đó, Nhà nước phải quy định thang lương, bảng lương để kiểm tra kiểm soát hoặc phải quy định cách thức trả lương để đảm bảo tính hợp lý trong trả tiền lương cho người lao động; định kỳ công bố tiền lương tối thiểu (được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu) để người lao động, chủ sử dụng lao động căn cứ vào đó đưa ra mức giá thỏa thuận về tiền lương.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.