| Hotline: 0983.970.780

Lý giải việc 'dưa hấu Quảng Nam phải dán tem Trung Quốc'

Thứ Năm 18/04/2019 , 08:29 (GMT+7)

Những ngày gần đây, thông tin “dưa hấu Quảng Nam nhưng dán tem Trung Quốc” để XK bỗng dưng trở thành vấn đề khiến dư luận quan tâm.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

17-35-57_dsc_0902
Ông Nguyễn Quý Dương

Ông Dương khẳng định: Việc đóng gói, ghi nhãn thông tin sản phẩm hàng hóa nói chung (trong đó có các loại hoa quả) không chỉ là việc làm cần thiết đối với các nhà SX khi đưa một sản phẩm ra thị trường, mà đây còn là yêu cầu theo thông lệ quốc tế đối với các mặt hàng trong quá trình xuất nhập khẩu. Các mặt hàng trái cây của Trung Quốc XK sang Việt Nam, cách đây 30 năm, họ cũng đã áp dụng việc đóng thùng, có nhãn mác, thông tin về nguồn gốc sản phẩm bằng cả tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Anh hẳn hoi rồi.

Đối với các mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi XK vào nước này, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên mậu lâu đời với Trung Quốc, nên phải khẳng định là họ áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với chúng ta muộn hơn so với các nước ASEAN. Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả NK từ Việt Nam.

Mặc dù trước năm 2018, phía Trung Quốc chưa chính thức bắt buộc việc thực hiện cung cấp truy xuất nguồn gốc đối với trái cây Việt Nam, tuy nhiên phải khẳng định từ lâu, các loại trái cây chủ lực của Việt Nam XK sang Trung Quốc như thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối đều đã được các doanh nghiệp XK của Việt Nam triển khai việc đóng thùng, bao gói, ghi nhãn mác thông tin xuất xứ sản phẩm rất bài bản.

Duy chỉ còn lại 2 loại sản phẩm XK sang Trung Quốc là mít và dưa hấu là vẫn XK một cách rất tùy tiện, không sơ chế, không đóng gói, cứ quẳng lên xe tải rồi lót rơm, chở từ ruộng lên cửa khẩu... Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp đã phản ánh từ lâu chứ không phải bây giờ mới nói.

Vậy đến thời điểm này, tình hình triển khai việc cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc đối với các loại trái cây Việt Nam XK sang Trung Quốc ra sao, thưa ông?

Theo quy định của Trung Quốc đối với quả tươi NK vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, cơ quan thẩm quyền của nước XK (Việt Nam) phải cung cấp thông tin về mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói quả tươi cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.

17-35-57_1
Đăng ký cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điều kiện tiến quyết để có thể XK các loại trái cây sang thị trường Trung Quốc

Ngay sau nhận được yêu cầu này, ngày 23/5/2018, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành trên cả nước và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đề nghị triển khai ngay các công việc gồm: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND cấp huyện tổ chức gấp rút triển khai thống kê vùng trồng cây ăn quả, các cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc (có kèm theo mẫu phụ lục). Trong đó, trước mắt tập trung triển khai thống kê thông tin 8 loại quả tươi đã được phía Trung Quốc cho phép NK từ Việt Nam gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu.

Hàng tháng, Cục BVTV sẽ là đơn vị cập nhật thông tin về vùng trồng và cơ sở đóng gói từ các tỉnh gửi về và gửi sang phía Trung Quốc. Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp thuận, Cục BVTV sẽ cập nhật chi tiết danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn -> Kiểm dịch thực vật -> Quy định KDTV của các nước -> Danh sách mã số vườn trồng và cơ sở đóng gói hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc).

Cụ thể đến thời điểm này, Cục BVTV đã tổng hợp và đã được phía Trung Quốc chấp thuận đối với hơn 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu) tại 42 tỉnh thành trên cả nước, cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành.

Nghĩa là đến nay, vẫn còn những tỉnh chưa có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nào được cấp mã số để XK trái cây sang Trung Quốc. Ông có khuyến cáo nào cho những địa phương này?

Đến nay, một số tỉnh có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp với số lượng lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Sơn La, Bến Tre, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Tây Ninh... Tuy nhiên, cũng có những tỉnh có số lượng mã số khiêm tốn, hoặc thậm chí vẫn còn 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng và 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói nào được cấp để XK các loại trái cây sang Trung Quốc. Những tỉnh này, có thể không có các loại trái cây có tiềm năng XK đi Trung Quốc, hoặc họ không có nhu cầu, hoặc có thể do những nguyên nhân khác (không ngoại trừ việc địa phương ấy chưa nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc cấp mã số)...

Việc đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bên cạnh yếu tố để kiểm soát từ gốc đối với hàng nông sản NK về điều kiện an toàn thực phẩm, còn có mục đích giám sát xem loại nông sản ấy có được SX đúng với diện tích, sản lượng hàng năm tại nước XK hay không để tránh tình trạng gian lận thương mại. Chẳng hạn, Việt Nam đăng ký mã số vùng trồng A, có diện tích B ha, sản lượng hàng năm bình quân khoảng C tấn, nhưng số liệu quản lí của nước NK lại cho thấy mỗi năm vùng trồng A ấy lại XK tới gấp 2-3 lần so với sản lượng C, và điều đó rõ ràng là có dấu hiệu bất thường (có thể nguồn hàng được NK từ nước thứ 3, hoặc từ địa phương khác)...

Có thể hình dung Trung Quốc mới chỉ đang trong giai đoạn đầu triển khai việc quản lí, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây NK từ Việt Nam, nên họ cho phép phía Việt Nam tự cung cấp thông tin về vùng trồng, về cơ sở đóng gói để họ đưa vào hệ thống quản lí của hải quan nhằm thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa. Tuy nhiên về lâu dài, rất có thể họ sẽ tiến tới bước xa hơn, đó là trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra thực tế từng vùng trồng, từng cơ sở đóng gói sơ chế, từng điều kiện SX, sử dụng thuốc BVTV xem có đúng yêu cầu hay không... Điều này thì ngành lúa gạo hiện nay phía Trung Quốc đã thực hiện đối với các doanh nghiệp XK gạo của Việt Nam, và cũng đã có những doanh nghiệp đăng ký XK gạo sang Trung Quốc bị dừng XK do không đạt được các yêu cầu của họ sau khi kiểm tra.

Vì vậy, việc truy xuất, giám sát đối với trái cây XK của Việt Nam, sẽ là yêu cầu có tính xu thế tất yếu mà các địa phương, doanh nghiệp, nông dân cần phải nắm được để chủ động có giải pháp ngay từ sớm.

Trở lại với vấn đề “dưa hấu Quảng Nam dán nhãn Trung Quốc”, một số ý kiến băn khoăn rằng, thông tin truy xuất của nhãn cho thấy nguồn gốc sản phẩm vẫn còn chung chung, chỉ nói xuất xứ Việt Nam, mà không chỉ rõ nơi SX. Hơn nữa, đơn vị SX ra tem truy xuất lại là một Cty của Trung Quốc, chứ không phải của Việt Nam. Ông có thể lí giải về vấn đề này?

Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, dưa hấu (cũng như 8 loại trái cây đã được XK sang Trung Quốc), trên thùng sản phẩm chỉ phải ghi những thông tin gồm: Tên tổ chức xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).

Với hình thức ghi nhãn này, khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan của Trung Quốc sẽ phải gõ thông tin từng lô hàng một, sau đó mới đối chiếu với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói (đã được Cục BVTV gửi cho cơ quan hải quan Trung Quốc cập nhật trước đó), rất mất thời gian, gây ứ đọng cửa khẩu.

Để đơn giản hóa thủ tục hải quan và giúp thông quan cho các mặt hàng trái cây NK từ Việt Nam được nhanh gọn hơn, cơ quan hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ hải quan điện tử và mã hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua tem truy xuất QR code (hiện nay là Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Traceability CCIC).

17-35-57_2
Trái cây Việt Nam tập kết tại khu ngoại quan Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc)

Với hình thức này, chỉ cần quét mã QR code trên lô hàng, cơ quan hải quan của phía bạn đã có thể đối chiếu được toàn bộ thông tin truy xuất, bao gồm chủng loại sản phẩm; mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói; tên doanh nghiệp XK, tên DN nhập khẩu. Cần phải hiểu rằng, thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói (nơi trồng, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc BVTV, nơi đóng gói, thông tin liên hệ) đã được cung cấp đầy đủ trước đó thông qua mã số vùng trồng mà các địa phương đăng ký lên Cục BVTV và gửi sang cho phía Trung Quốc đưa vào hệ thống dữ liệu hải quan. Ví dụ: Một lô hàng khi quét QR code, có mã vùng trồng là VN-BGOR-0001, nghĩa là thông tin về mã số đó đã được lưu giữ đầy đủ dữ liệu vùng trồng là vải thiều, tại xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang, với diện tích bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu....

Cũng xin nói thêm rằng, các yêu cầu về việc ghi nhãn thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, là do cơ quan chức năng phía Trung Quốc yêu cầu đối với chính các doanh nghiệp NK của họ phải thực hiện, và các doanh nghiệp NK của họ gián tiếp đề nghị các cơ sở đóng gói gói, các doanh nghiệp XK của Việt Nam thực hiện mà thôi. Chính các doanh nghiệp NK trái cây của Trung Quốc họ có quyền lựa chọn hình thức in thông tin truy xuất trên thùng hàng và làm thủ tục hải quan quan thủ công như trước đây, hoặc là sử dụng tem nhãn bằng QR code để thông quan nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Đối với việc in thông tin về sản phẩm trên bao bì (thùng hàng) ra sao, thì phải do chính doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc và doanh nghiệp XK của phía Việt Nam tự thỏa thuận, xem là bao bì cần phải in cả tiếng Việt, tiếng Trung hay cả tiếng Anh. Thông thường, thông tin trên thùng hàng khi XK sang nước nào thì các DN thường tự thỏa thuận là in bằng tiếng của nước NK và (hoặc) tiếng Anh. Chúng ta muốn họ (doanh nghiệp NK của Trung Quốc) in bao bì bằng cả bằng tiếng Việt và tiếng Trung hay tiếng Anh, nhưng DN của họ lại không đồng ý, vì cho rằng bất tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm của họ khi NK về nước, thì chúng ta cũng chẳng có quyền bắt buộc họ phải in chữ tiếng Việt trên thùng hàng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Masan: Lãi quý IV/2024 gấp gần 14 lần so với cùng kỳ

Lợi nhuận quý 4/2024 của Masan gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 691 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm 2024 đạt 200% kế hoạch kịch bản cơ sở.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất