Vì vậy, những năm gần đây, kinh tế xã này nhiều khởi sắc, đời sống từng bước được nâng lên, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đất vốn được xem là thuần nông của TP Cà Mau.
Mô hình nuôi cá sặc rằn, giúp người dân xã Lý Văn Lâm thoát nghèo |
Ông Trần Quyết Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết: “Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được địa phương quan tâm. Đời sống người dân được ổn định sẽ góp phần đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội. Từ đó, sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển đi lên”.
Theo ông Toán, để giải quyết triệt để bài toán giảm nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã Lý Văn Lâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo, tìm ra phương án SX phù hợp…sau đó, địa phương mới phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các bước hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo.
“Khi hỗ trợ vốn vay, chúng tôi rà soát rất kỹ, hộ nào có đất mà thiếu vốn SX, hộ nào không có đất, hộ nào có người trong độ tuổi lao động mà chưa có việc làm… sau đó, mới vạch ra phương án hỗ trợ cụ thể. Trung bình mỗi hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn khoảng 20 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế gia đình. Đa phần sau khi nhận được vốn vay, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích”, ông Toán đánh giá.
Trên địa bàn xã Lý Văn Lâm hiện có nhiều mô hình SX làm ăn hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Điển hình là mô hình trồng dưa hấu, trồng rau màu, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình nuôi cá sặc rằn…những mô hình này, cho năng suất vượt trội và có sự liên kết đầu ra, đảm bảo có lãi cho người nông dân. Trung bình mỗi ha dưa hấu, sau khi thu hoạch, trừ chi phí người dân lãi từ 80 – 100 triệu đồng.
Bà Phạn Thị Nương, người trồng màu, ngụ ấp Ông Muộn, phấn khởi: “Tôi làm nghề trồng rau màu từ nhiều năm nay, trung bình mỗi tháng cho thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có lúc trúng mùa, được giá lên đến chục triệu đồng mỗi tháng. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi từng bước được ổn định”.
Trồng màu trong nhà lưới theo chuẩn VietGap |
Đầu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lý Văn Lâm có 46 hộ, chiếm 1,03%, cận nghèo có 87 hộ, chiếm 1.93%. Qua một năm phấn đấu, nỗ lực với tinh thần vượt khó, đến cuối năm 2018, địa phương còn 31 hộ nghèo (giảm 15 hộ) chiếm 0,78%, 58 hộ cận nghèo (giảm 29 hộ) chiếm 1.46%.
“Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn xã Lý Văn Lâm sẽ không còn hộ nghèo. Để làm được điều này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền phải có những bước đi phù hợp, đưa ra giải pháp đồng bộ, tìm phương án SX phù hợp cho hộ nghèo. Quan trọng nhất, vẫn là nhận thức, quyết tâm thoát nghèo sẽ là động lực, thúc đẩy hộ nghèo vươn lên. Tuy nhiên xã làm thực chất, quyết chạy thành tích, bởi làm vậy rất dễ xảy ra tình trạnh tái nghèo”, ông Toán khẳng định.