| Hotline: 0983.970.780

Mã số vùng trồng 'hộ chiếu thông hành' cho nông sản xuất ngoại

Thứ Ba 29/11/2022 , 16:11 (GMT+7)

GIA LAI Việc xây dựng mã số vùng trồng từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, hướng đến xuất khẩu bền vững.

Chanh leo đang là mặt hàng chủ lực của Gia Lai đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh. 

Chanh leo đang là mặt hàng chủ lực của Gia Lai đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Tuấn Anh. 

Thời gian qua, các nước nhập khẩu khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand,… và gần đây là Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu khắt khe cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Theo đó, muốn xuất khẩu sang thị trường các nước, các sản phẩm nông sản cần được sản xuất theo một quy trình đồng nhất. Trong đó, điều kiện tiên quyết là các mặt hàng nông sản được sản xuất từ vùng trồng được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang thị trường các nước này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của mã số vùng trồng, thời gian qua ngành nông nghiệp Gia Lai luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 94 mã số vùng trồng và 22 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ... Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Gia Lai đã được cấp 53 mã số vùng trồng và 14 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, ngành nông nghiệp Gia Lai đã hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thiết lập, xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ 45 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói. Theo đó, ngành nông nghiệp đã trình hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) gửi sang Tổng cục Hải quan các nước nhập khẩu để phê duyệt, đang chờ cấp phép.

Sầu riêng Gia Lai đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạnh thông qua việc xây dựng mã vùng trồng. Ảnh: Minh Quý.

Sầu riêng Gia Lai đứng trước cơ hội xuất khẩu chính ngạnh thông qua việc xây dựng mã vùng trồng. Ảnh: Minh Quý.

Mới đây, Công TNHH một thành viên Nông nghiệp Sê San Gia Lai vinh dự là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch chanh leo sang thị trường Trung Quốc. Để có được thành quả này, trước đó công ty đã liên kết với các hộ dân xây dựng mã vùng trồng, tạo ra sản phẩm chanh dây chất lượng.

Bà Võ Trần Bích Hạnh, Giám đốc Công TNHH một thành viên Nông nghiệp Sê San Gia Lai cho biết, công ty đã liên kết với các hộ dân để mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Theo đó, công ty sẽ hướng dẫn, tập huấn cho người dân các quy trình kỹ thuật đạt chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu, yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn sản phẩm qua Zalo, Facebook… cho người dân. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức về lợi ích lâu dài trong sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.  

Công ty cổ phần Nông nghiệp Sinh học Gia Lai cũng đang tất bật hoàn thiện các thủ tục để xây dựng mã vùng trồng cho hơn 100 ha chanh leo liên kết với người dân. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp sinh học Gia Lai cho biết, để có được mã vùng trồng, công ty cùng liên kết với người dân sản xuất chanh leo theo quy trình chuẩn do Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Mục tiêu của công ty sẽ xây dựng khoảng 4 mã vùng trồng để tránh rủi ro trong quá trình sản xuất và ổn định lâu dài về xuất khẩu.

“Chúng tôi đã có ý định xây dựng mã số vùng trồng cho chanh leo từ cách đây 3 năm. Tuy nhiên lúc bấy giờ, dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến thị trường Trung Quốc đóng cửa nên phải tạm ngưng. Hiện tại, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, việc xây dựng mã số vùng trồng gần như là bắt buộc nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này một cách bền vững”, bà Huyền chia sẻ.

Chanh leo Gia Lai đang được thị trược các nước nhập khẩu ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Chanh leo Gia Lai đang được thị trược các nước nhập khẩu ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Anh.

 Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, HTX đang triển khai xây dựng 2 mã vùng trồng cho sầu riêng với hơn 130 ha và 8 mã vùng trồng cho chanh leo với hơn 180 ha. Đồng thời, HTX đầu tư máy múc dịch chanh leo, xây dựng kho lạnh bảo quản chanh leo và sầu riêng.

“Xây dựng mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để nông sản vươn ra thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, HTX đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ người dân về quy trình chăm sóc, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu”, ông Thanh chia sẻ.

Xuất khẩu chuối của Gia Lai cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Tuấn Anh.

Xuất khẩu chuối của Gia Lai cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, hiện ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho 5 loại cây trồng chủ lực, gồm: sầu riêng, chanh leo, chuối, ớt, khoai lang… Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh thiết lập, xây dựng khoảng 180 - 200 mã số vùng trồng và khoảng 40 - 50 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ...

“Việc xây dựng mã số vùng trồng trong thời gian qua không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX trong việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh từng bước đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…”, ông Khải cho biết.

Ðể thiết lập, xây dựng và được cấp mã số vùng trồng, nông dân, HTX, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về diện tích canh tác, tối thiểu phải là 10ha đối với cây ăn quả. Ðồng thời, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Đồng thời, phải đảm bảo các điều kiện như “vùng trồng phải là vùng sản xuất tập trung, trồng duy nhất 1 loại cây trồng, không trồng xen các loại cây trồng khác”, “vùng trồng phải cách xa nguồn ô nhiễm, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng”…

Xem thêm
Phó Thủ tướng: Hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy quá trình số hóa ngành nông nghiệp, trong đó chủ đạo là xây dựng cơ sở dữ liệu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhớ mãi 'anh Hùng lụt bão' vừa nằm xuống…

THỪA THIÊN - HUẾ 'Anh Hùng lụt bão' về nghỉ hưu nhưng thỉnh thoảng vẫn chỉ bày, tham vấn cho anh em cơ quan cũ về chuyên môn. Vậy mà thật bất ngờ, anh đột ngột rời cõi tạm...

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.