Đặc biệt, nhiều giống cây độc, lạ như mít da đỏ, bưởi da đỏ, chuối đỏ… không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được rao bán công khai, ẩn chứa rủi ro thiệt hại sản xuất vô cùng lớn.
Mít phun sơn, bưởi, chuối photoshop… là những thứ dễ bắt gặp nhất trên các trang mạng xã hội khi tìm mua các cây giống độc lạ. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng chạy quảng cáo, với sự tiếp sức của mạng xã hội, những giống cây độc, lạ này xuất hiện tràn lan.
Mua bán mập mờ
Không khó để tìm kiếm những cây giống mà chúng tôi nêu trên, trên mạng xã hội. Trên trang mạng xã hội Facebook, fanpage “Chuẩn rose – Trại cây giống” chạy quảng cáo rầm rộ, rao bán giống mít da đỏ vô cùng lạ mắt.
Fanpage này khẳng định, đây là giống hoàn toàn mới, được nhập khẩu về Việt Nam gần đây. Giá mỗi cây giống là 199 nghìn đồng, mua hai cây miễn phí tiền ship (vận chuyển). Thậm chí, chỉ cần mua 3 cây được tặng thêm 1 cây.
Có một điểm chung, các fanpage bán giống online hoàn toàn không có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng. Người mua mua hàng bằng cách inbox (nhắn tin) để đặt số lượng, thông báo địa chỉ nhận hàng. Hình thức thanh toán có thể bằng chuyển khoản hoặc trả khi giao hàng.
Trang này cũng cho biết, lô hàng nhập về có hạn chỉ khoảng 50 cây, người mua chậm tay sẽ không còn hàng.
Để đảm bảo chất lượng, trang này còn cam kết, mít da dỏ sau khi trồng từ 12 – 18 tháng sẽ bắt đầu cho quả. Cây cho năng suất cao, tới 4 vụ/năm, 80 – 150 kg/cây/vụ.
Giá trị thương phẩm cực cao, đặc biệt sẽ có chính sách thu mua lại quả giá cao tại vườn. Đồng thời, fanpage này cam kết, sẽ hỗ trợ quy trình chăm sóc 24/24 giờ cho người dân đến khi thu hoạch.
Đăng kèm với bài quảng cáo là hai hình ảnh về chùm mít da đỏ sai lúc lỉu treo trên cây và những hom mít giống. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ bức ảnh quả mít da đỏ, không khó để nhận ra, đây là sản phẩm của photoshop (kĩ thuật chỉnh sửa ảnh).
Bởi trong quá trình chỉnh sửa, màu sắc của cả cây mít đã bị sai lệch. Không chỉ phần da của quả mít bị đổ màu, nhiều chi tiết như cành, lá, thân… cây mít cũng bị nhuốm màu đỏ.
Như một hiệu ứng lan rộng, hàng loạt các fanpage cùng sử dụng những hình ảnh như trên để quảng cáo bán sản phẩm giống. Tại fanpage “Nông dân thời nay” lấy địa chỉ ở “Châu Quỳ - Hà Nội”, hàng loạt các giống cây trồng độc, lạ được rao bán hết sức mập mờ.
Thông tin về giống mít da đỏ này trùng khớp hoàn toàn từ hình ảnh, lời giới thiệu trên trang fanpage “Chuẩn rose – Trại cây giống”. Tuy nhiên, trang này có để lại số điện thoại để người dân gọi.
Điều đáng nói, PV Báo NNVN đã nhiều lần gọi vào số điện thoại này được nghe tư vấn mua hàng, nhưng tổng đài báo “số điện thoại không tồn tại”.
Để truy tìm địa chỉ chính xác của cửa hàng online này, PV đã inbox dò hỏi, ngỏ ý muốn xem cây giống trực tiếp. Tuy nhiên, fanpage này cho biết, đa phần chỉ bán giống online, còn nếu mua số lượng lớn (từ 100 cây) mới được cho xem trực tiếp.
Sau vài lần thuyết phục được xem cây giống và dò hỏi nguồn gốc xuất xứ, chúng tôi đã không còn nhắn tin được cho fanpage này nữa. Đơn giản là chủ fanpage này đã thực hiện lệnh chặn liên lạc với tài khoản mạng xã hội của PV.
Giống rởm lên sàn thương mại uy tín
Không chỉ các fanpage mập mờ, vô danh trên mạng xã hội Facebook, nhiều shop online trên các sàn thương mại điện tử uy tín cũng có hành vi tương tự.
Trên trang sendo.vn, không ít shop online rao bán các loại cây giống, trong đó có giống bưởi đỏ Luận Văn.
Đây vốn là giống bưởi có nguồn gốc ở thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Do có hàm lượng caroten khá cao, bưởi đỏ Luận Văn có màu sắc khá đặc biệt. Da bưởi có màu đỏ nhạt, cùi phớt hồng.
Tuy nhiên, hình ảnh quảng cáo bán giống trên nhiều shop của trang sendo.vn lại là màu đỏ đậm, tươi như máu. Có thể khẳng định ngay, những quả bưởi trên trang sendo.vn thực chất cũng là sản phẩm của photoshop quá tay.
Với giá bán 150 nghìn đồng/cây giống, lợi nhuận đem lại cho những cửa hàng online này vô cùng lớn, còn thiệt hại của người trồng thì không ai đếm được.
Bức xúc trước hành vi có dấu hiệu lừa đảo bán giống cây độc, lạ, nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội đã lên tiếng bóc “phốt”, tố cáo.
Một người dùng mạng xã hội Facebook tên “H.H” lên tiếng: “Tình hình là đội lừa đảo đã xuất hiện tràn lan trên Facebook, và có rất nhiều người đã là nạn nhân, khi đã mất tiền chỉ biết ngậm ngùi. Thủ đoạn: dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh đổi màu sắc, can thiệp để biến màu sắc của quả 1 cách dị thường, tạo thành 1 giống cây mới, sau đó chạy quảng cáo, bán giá cao: 199k/cây (gấp 6-8 lần bình thường)”.
Người này khuyến cáo: “Anh em có nhu cầu mua cây giống, hãy lựa chọn nhà vườn uy tín, đừng để bị lừa rồi mới vỡ lẽ, đồng thời cảnh báo người thân, bạn bè đề phòng không mắc bẫy của bọn lừa đảo vô lương tâm này”.
Bài viết ngay lập tức nhận được sự đồng tình, chia sẻ của những người dùng mạng xã hội. Thậm chí, một người dùng còn đăng tải hình ảnh quả mít với hàng chục màu khác nhau. Anh này khẳng định, chỉ một chút kỹ thuật photoshop thì mít, chuối, cam, bưởi… muốn màu nào cũng có.
Tài khoản “P.T.L” thì khẳng định, gia đình gốc tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhiều năm nhân và bán giống bưởi Luận Văn. Bưởi Luận Văn chỉ có màu đỏ nhạt, những hình ảnh rao bán cây giống với màu đỏ chót chắc chắn là lừa đảo.
Quảng cáo sai sự thật
TS Vũ Việt Hưng, Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu rau quả thuộc VASS) chia sẻ, rất nhiều cơ sở, cửa hàng bán giống (cả online) tự mở ra kinh doanh và gần như không có người quản lý. Người ta muốn bán gì thì bán, không qua khảo nghiệm giống cây trồng.
Theo ông Hưng, những giống cây độc, lạ (trừ sản phẩm photoshop) hiện nay được rao bán tràn lan có nguồn gốc nhiều nước và rất dễ nhập về.
Điển hình như giống bưởi Ruby của Thái Lan, được quảng cáo khắp nơi là vỏ đỏ, ruột đỏ, nhưng trên thực tế là vỏ xanh, ruột đỏ. Các cửa hàng đều quảng cáo đây là giống bưởi chất lượng ngon, năng suất cao, thời gian cho ra quả nhanh.
Nhưng theo ông Hưng, chất lượng quả bưởi Ruby Thái Lan chỉ ở mức trung bình so với các giống bưởi cổ truyền Việt Nam, thậm chí là ăn khá chua.
Hiện nay, Bộ môn do ông Hưng phụ trách đã đem giống bưởi Ruby Thái Lan về trồng thử nghiệm. Đánh giá về giống cây mới này, ông Hưng nói: “Giống cây này không có triển vọng. So với giống bưởi da xanh của Việt Nam thì không có ý nghĩa gì về mặt sản xuất. Chúng tôi chỉ sử dụng giống bưởi này làm vật liệu nghiên cứu”.
Ông Hưng khẳng định, nhiều quảng cáo rất sai về mặt chuyên môn. Ví dụ như giống táo đỏ là cây ôn đới lại trồng ở điều kiện miền Bắc. Đây là loại cây phải yêu cầu độ lạnh sâu.
Nhưng nhiều nơi rao bán giống khẳng định có thể cho quả quanh năm, năng suất cao, dễ trồng? Nếu như người dân tin và mua về trồng, chắc chắn sản xuất sẽ thất bại.
Chia sẻ rất thật, khi thấy nhiều nơi rao bán giống trên mạng có dấu hiệu lừa đảo, ông Hưng không ít lần trao đổi, cảnh báo người dân nhằm tránh thiệt hại sản xuất. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn dường như vô ích, khi người dân vẫn đổ xô tìm mua những giống cây độc, lạ do tính tò mò.
“Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý giống phải có vai trò tích cực hơn. Về mặt chuyên môn, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với việc những loại cây ăn quả không thông qua trình tự khảo nghiệm mà rao bán tràn lan. Về phía người dân, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo, nhưng cũng chỉ mang tính chất cảnh báo chứ không thể bắt buộc họ…”, ông Hưng chia sẻ.