| Hotline: 0983.970.780

'Ma trận' giống lúa kháng bạc lá: Lập lờ đánh lận con đen

Thứ Tư 15/06/2016 , 13:10 (GMT+7)

Chỉ cần có thêm 3 chữ “kháng bạc lá” hoặc “chống bạc lá” trên bao bì sản phẩm, giá 1kg lúa giống có thể đẩy lên vài ngàn, thậm chí cả chục ngàn đồng so với giống bình thường.

Nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo lập lờ để dẫn dụ nông dân tin rằng, sản phẩm của họ có khả năng chống chịu bệnh bạc lá. Nhưng hầu hết những “lời mật ngọt” ấy đều thiếu cơ sở.

Cty CP Giống cây trồng tỉnh Hải Dương là một trong hai đơn vị được Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho phép khai thác bản quyền giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Thế nhưng, ông Giám đốc Trịnh Huy Đang luôn miệng than thở rằng: “Thị trường đang loạn giống Bắc thơm 7 có khả năng kháng bạc lá do nhiều doanh nghiệp làm nhái. Nơi thì ghi là “có chứa gen kháng bạc lá”, nơi thì ghi “kháng bạc lá”, nơi thì ghi “chống (hoặc chống chịu) bạc lá. Họ lấp liếm đủ đường, lập lờ tột độ và làm nhái trắng trợn với mục đích khiến cho nông dân tin sản phẩm của họ kháng được bệnh bạc lá”.

Ông Đang đã từng phát hiện có đơn vị mua lại lúa giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá ở cấp xác nhận (thường chỉ dùng để trồng lúa thương phẩm) mà Cty CP Giống cây trồng Hải Dương xuất bán ra thị trường, sau đó nhân dòng để sản xuất lúa giống. Đây là việc làm cần ngăn chặn ngay. Bởi quy trình sản xuất ra hạt giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá vô cùng gian truân và tốn nhiều thời gian.

Vị giám đốc này chia sẻ, trước khi sản xuất giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá, Bộ NN-PTNT yêu cầu Cty phải gửi mẫu giống siêu nguyên chủng về Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia (Cục Trồng trọt). Sau đó trung tâm sẽ mã hóa các mẫu giống lúa, sau đó chuyển sang Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để giải trình tự gen, nếu xác định có sự tồn tại của gen Xa21 thì mới được tiếp tục sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận.

Bởi vậy, không thể làm hời hợt, chớp nhoáng được. Vậy mà, có Cty "mi ni" mới thành lập đã tung ra sản phẩm Bắc thơm 7 có khả năng kháng bạc lá. Họ làm như vậy là đánh lừa nông dân, bởi họ chẳng có cơ sở nào để chứng minh rằng, sản phẩm của họ chứa gen kháng bạc lá.

Ông Phạm Văn Khắc, chủ đại lý giống cây trồng ở khu 3, thị trấn Yên Định (Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ: "Tôi đã từng bán lúa giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá cho 4 - 5 Cty khác nhau với số lượng khoảng 7 - 8 tấn/vụ. Chỉ biết là trên bao bì có ghi chữ “kháng bạc lá”. Còn nói thực là đại lý không có chuyên môn để giám định bao bì của Cty nào là thật, Cty nào là giả. Mà túi sản phẩm người ta đóng rồi, mở ra thì hạt nào cũng như hạt nào, khó xác định thật, giả".

Ông Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia khẳng định, để xác định một giống lúa có khả năng kháng bạc lá, hoặc chống bạc lá thì phải iểm tra trong phòng lây nhiễm nhân tạo và gửi mẫu lúa giống về Bộ môn Sinh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp) để giải trình tự gen, nếu xác định có gen kháng bạc lá (ví dụ Xa4, Xa5, Xa7, Xa13, Xa21…) thì giống lúa đó mới có khả năng kháng bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm chỉ xác nhận cho duy nhất giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá có chứa gen Xa21 của Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và Cty CP Hạt giống vàng (Thái Bình) trong từng lô giống bán ra thị trường. Ngoài ra, không có đơn vị nào gửi mẫu kiểm định. Bất cứ sản phẩm giống lúa Bắc thơm 7 nào quảng cáo là có khả năng “kháng bạc lá”, “chống chịu bạc lá” hoặc “chứa gen kháng bạc lá” (trừ 2 Cty kể trên) đều không có căn cứ.

Lời ông Dũng nói khiến tôi ngạc nhiên, bởi hiện nay trên thị trường nhan nhản các giống lúa quảng cáo là có thể kháng/chống bạc lá. Một ví dụ điển hình, vụ mùa năm 2016, một Cty giống cây trồng ở Hà Nội chào báo 3 giống lúa có khả năng kháng bạc lá gồm LT2, T10 và Bắc thơm 7. Giống LT2 kháng bạc lá và Bắc thơm 7 kháng bạc lá có đơn giá 26.000 đồng/gói 1kg, chưa kể chiết khấu 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, giống LT2 thông thường (không quảng cáo về ưu điểm kháng bạc lá) do chính Cty này cung ứng có giá chỉ 22.000 đồng (chưa kể chiết khấu 2.000 đồng/kg).

Giống T10 kháng bạc lá có giá 28.000 đồng (chưa kể chiết khấu 3.000 đồng/kg), trong khi đó, giống T10 bình thường cũng do Cty này cung ứng chỉ được niêm yết giá 24.000 đồng (chưa kể chiết khấu 2.000 đồng/kg).

Một Cty khác ở TP. Hồ Chí Minh cũng tung ra thị trường miền Bắc một số sản phẩm kháng bạc lá là: Nhị ưu 838, Nam ưu 604 và Bác ưu 903 kháng bạc lá. Riêng hai giống Nhị ưu 838 và Nam ưu 604 chưa được đơn vị chức năng nào kiểm chứng về đặc điểm kháng bạc lá. Thế nhưng, 3 chữ “kháng bạc lá” luôn được in chữ rất đậm ở vị trí trang trọng trên bao bì.

Anh B, một nhân viên (yêu cầu giấu tên) từng làm việc tại Cty này chia sẻ, hiện chỉ có sản phẩm Bác ưu 903 kháng bạc lá được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức là giống quốc gia. Nhờ ứng dụng công nghệ lai hồi giao (backcross), họ có thể đã chuyển được gen kháng bạc lá vào 2 giống Nhị ưu 838 và Nam ưu 604. Nhưng muốn được công nhận chính thức là giống kháng bạc lá thì phải mất vài năm khảo nghiệm DUS, VCU, sau đó sản xuất thử đủ 500ha. Ngoài ra, còn chưa kể 65 tính trạng của giống kháng bạc lá...

“Chính vì vậy, doanh nghiệp lách luật bằng cách vẫn ghi trên bao bì tên thương mại của giống Nhị ưu 838, Nam ưu 604, song nhấn nhá phía dưới dòng chữ "KBL". Nếu đoàn thanh tra hay quản lý thị trường "sờ đến" thì doanh nghiệp sẽ “chết” vì quảng cáo thiếu cơ sở. Do quy định quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng còn nhiều lỗ hổng và kiểm soát chưa chặt nên doanh nghiệp chẳng dại bỏ tiền để gửi cơ quan chức năng kiểm định mẫu, chứng minh về khả năng kháng bạc lá của các giống lúa...", anh B nói.

“Từ khi giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá xuất hiện trên thị trường, nhiều doanh nghiệp trước đây bán giống Bắc thơm 7 (thông thường) như bị “cướp chén cơm”. Chỉ một số Cty làm ăn chân chính, còn lại đa số doanh nghiệp đều quảng cáo trí trá giống lúa kháng bạc lá hoặc chống bạc lá”, giám đốc một Cty chia sẻ.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.