| Hotline: 0983.970.780

'Ma trận' lúa giống: 'Loạn' hay không?

Thứ Năm 21/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, các loại giống lúa "dòng 2" sau khi SX từ giống lúa xác nhận, thay vì làm lúa thịt thì được mua bán trôi nổi trên thị trường mà cơ quan chức năng gọi đó là giống không rõ nguồn gốc. Do giá rẻ, mua bán thuận tiện nên nó mặc nhiên tồn tại…/ 'Nhập nhèm' giống xác nhận

Chúng tôi về xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc (Long An), nơi có diện tích SX lúa đứng đầu huyện với hơn 600 ha. Mỗi vụ lúa nhu cầu cần giống cao sản không dưới 60 tấn.

Trong khi theo quy định của huyện, Trạm KN, Trạm BVTV là nơi cung cấp chính giống lúa xác nhận có chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương thì ở đây theo ông Lâm Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã, hiện có khoảng 50% lượng giống lúa được nông dân mua trôi nổi bên ngoài để SX, tức vào khoảng 30 tấn.

"Ở địa phương, thực tế là đất lúa manh mún nhỏ lẻ, số hộ nông dân sở hữu diện tích 1,5 ha trở lên đếm trên đầu ngón tay, còn lại mấy công, mấy sào là đại trà. Năng suất lúa cũng không cao như các nơi khác, bình quân chỉ đạt 6 - 7 tấn/ha. Mật độ sạ lúa từ 100 - 120 kg/ha, người ta có mấy sào (sào 1.000 m2) cần vài chục ký lúa giống mỗi vụ là rất nhiều.

Trong khi mua giống của Trạm KN giá 11.000 - 12.000 đ/kg mà còn phải đi xa mấy cây số, còn bên ngoài giống trôi nổi chỉ có 7.000 - 8.000 đ, rẻ hơn 20 - 30%, 5 sào lúa chỉ cần 50 - 60 kg giống, chi phí mất khoảng 500 ngàn đ, người bán còn cho thiếu, thậm chí hỗ trợ vận chuyển giống tới nhà. Có trường hợp vào những thời điểm gieo sạ rộ, bên trạm không giải quyết giống kịp thời, bên ngoài lúc nào cũng có và đáp ứng đầy đủ", ông Quý nói.

"Có khi nào nông dân mua giống lúa trôi nổi mang về trồng xảy ra hiện tượng lúa 2 tầng, lúa "ma" mà chính quyền phải đứng ra giải quyết chưa?", tôi hỏi.

"Cũng có lác đác vào thời điểm lúa làm đòng, bà con thất thu nhưng không nhiều. Tuy nhiên để xác định nguyên nhân do giống là rất khó. Bởi nhiều hộ cùng mua 1 loại giống trôi nổi "không xác nhận" mà có hộ trồng năng suất lại đạt. Hơn nữa, chỉ nghe nói chứ chưa thấy ai viết đơn khiếu nại về chất lượng các loại giống không xác nhận mua từ các nguồn trôi nổi cả", ông Quý đáp.

Đối thoại

Theo tìm hiểu của PV NNVN, tại xã Thuận Thành hiện có ít nhất 3 điểm bán giống trôi nổi và gần như công khai, đó là cơ sở Chín Thành ở ấp Thuận Năng có nhà máy xay xát lúa; cơ sở Bảy Năng chuyên mua bán thức ăn chăn nuôi ở ấp Thuận Đông và cơ sở Chín Xôi ở ấp Thuận Bắc chuyên mua bán lúa gạo.

Đây là các cơ sở mua bán lúa giống "bán chuyên nghiệp" không có giấy phép kinh doanh lúa giống, chỉ đến vụ SX lúa, họ mới đi mua lúa thịt "dòng 2" (SX từ các ruộng lúa xác nhận) ở các nơi khác về bán lại cho nông dân trong vùng. Sau khi hết vụ, những cơ sở này cũng ngưng hoạt động.

Trước khi gieo sạ vụ HT từ ngày 15/5, bằng nghiệp vụ riêng, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Trần Văn Xôi (còn gọi Chín Xôi) ở ấp Thuận Bắc để trao đổi xung quanh việc mua bán lúa giống trôi nổi trong thời gian qua.

- Ngành nghề chính là mua bán lúa gạo, vậy ông có giấy phép được kinh doanh thêm lúa giống không? - Tôi hỏi.

- Nói thật, tôi mua bán lúa giống từ nhiều năm nay mà không có giấy phép gì cả. Cũng chưa thấy có đoàn kiểm tra nào xuống đây. Hàng năm, tôi xuống tỉnh Bạc Liêu, khu vực huyện Hồng Dân ra ngoài cổng số 2 mua lúa tươi dòng 2 giá 4.000 - 5.000 đ/kg tùy loại ở các cánh đồng mẫu lớn mang về, một lần chở khoảng 5 - 10 tấn/xe, sau đó về nhà phơi phóng sạch sẽ rồi đóng bao bán cho nông dân. Chi phí vận chuyển, bốc vác 1 tấn là 500 ngàn đ.

15-08-57_hinh-4
Giống lúa xác nhận OM 5451 sau khi thu hoạch vụ đầu tiên thường được các hộ kinh doanh giống mua về đóng bao bán giá lúa giống (thay vì làm lúa thịt)

Tui bán giá mềm hơn khuyến nông, chỉ có 7.500 - 8.000 đ/kg, còn họ bán 12.000 đ/kg. Có lúc tôi kêu nông dân ra Trạm KN lấy để về sau khỏi đổ thừa, nhưng người ta không chịu nói giống nào trồng cũng như nhau.

"Nói “loạn giống” lúa là không chính xác. Miền Nam hiện có khoảng 60 - 90 giống lúa, trong đó chỉ có 4 - 6 giống chủ lực (giống chủ lực là giống chiếm 10% diện tích trở lên, khoảng 200 - 300 ngàn ha -PV). Nhìn ở góc độ khác, điều này lại tạo nên một sự đa dạng di truyền rất tốt. Chúng ta không nên hoang mang vì xét về mặt khoa học thì đây là điều rất tốt", GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam.

Tuy rằng tôi bán giống lúa không xác nhận nhưng rặt y chang, không lẫn một hột. Hiện nay tôi có 2 lò sấy, mỗi lò sấy 10 tấn lúa/mẻ/ngày. Nếu lúa tươi mang về ướt thì sấy 2 ngày 1 đêm mới ra 1 mẻ. Người ta mua giống ra trạm phải trả tiền liền, còn mình bán chịu, sau này thu lại lúa thịt.

- Ông bán giống gì?

- Đủ loại giống. Đó là giống OM gồm 10 - 20 dòng sản phẩm, giống lúa thơm ST cũng có cả 10 dòng như ST5, ST16, ST19, ST20, ST21... Trên thị trường "hút" giống nào kinh doanh giống đó, có khi thấy nơi khác có giống mới mình mang về "chia sẻ" cho bà con. Tôi đang trồng 4 ha lúa, qua nhiều năm nhận thấy vùng đất ở đây vụ HT không chủ động được nước, vào thời điểm nắng hạn, mình sạ khô (không ngâm) xuống ruộng có khi hột lúa nằm dưới đất cả tháng mới nẩy mầm.

Nếu gặp giống không thích hợp thì có "xác nhận" chất lượng cũng chết. Tôi có các giống lúa thơm OM 7347, OM 4900, trên huyện khuyến cáo là nên trồng nhưng tui không dám bán bởi vì nó không thích hợp. Hiện nay tôi chỉ bán giống OM 5141, OM 6976 giá 7.500 đ/kg, còn ở trên trạm bán giá 12.000 đ, mình bán giá bèo, chỉ cao giá hơn lúa thịt một ít.

- Có trường hợp nào nông dân trồng bị thất thu sau khi mua giống của ông không?

- Không có đâu! Tôi làm mấy năm nay rồi thấy có ai thất thu, thưa kiện gì đâu. Người ta mua giống bên tôi có 3 cái lợi: Thứ nhất giá rẻ; thứ hai cho nợ; thứ ba chở tới tận nhà. Lúa làm có khi lại trúng, không bị sâu bệnh. Năm rồi, giống OM 3747 mua bên trạm sạ bị đạo ôn, dân kêu lắm, nhưng tui cho rằng vùng đất mình bị lúa cỏ nhiều, họ "xới chay" quăng giống xuống nên cỏ và lúa lên cùng lượt gây ra bệnh. Tui nói không phải tại giống của Nhà nước kém mà do nền đất.

- Ông có biết chỉ đạo của huyện vụ HT này cơ cấu các giống lúa chủ lực như OM 6976, 4900, 5451, 10636, Nàng hoa 9, cùng các giống bổ sung OM 4218, 7347, 6162, Jasmine 85, RVT… không?

- Tôi có nghe trên đài truyền thanh xã đọc, nhưng không để ý. Hiện nay tôi biết có tình trạng thương lái móc nối "cưa" lợi nhuận với doanh nghiệp bán giống, họ chỉ cần "thổi" mua giá cao lên một vài giống lúa thì lập tức sốt hàng, nhiều nông dân phải chạy theo mua và trồng giống lúa đó. Lúc này rõ ràng là Cty, doanh nghiệp bán giống được lợi, còn các cơ sở, hộ kinh doanh bán giống trôi nổi như tôi thì tức chết mà không biết làm gì được.'

Ông Đồng Quang Đôn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cần Giuộc cho biết thêm, ngoài xã Thuận Thành còn có xã Phước Lâm cũng đang có những hộ nông dân kinh doanh lúa thịt từ khu vực Đồng Tháp Mười mang về bán thành lúa giống chưa qua kiểm nghiệm, không rõ nguồn gốc. 

"Cái khó nằm ở chỗ ruộng đồng của người nông dân quá manh mún. Thực tế không có doanh nghiệp nào có khả năng ký hợp đồng với hàng ngàn nông dân cả.

Nếu nông dân tự liên kết được, tạo thành những vùng SX lớn thì mặc nhiên họ sẽ tự chọn 1, 2 giống lúa xác nhận có chất lượng đồng nhất, lúc đó doanh nghiệp vừa dễ dàng thu mua mà Nhà nước cũng không phải vất vả kiểm tra tình hình kinh doanh giống nữa".

 

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.