Hồ hởi trái bói mắc ca
Đi tham quan những vườn trồng mắc ca bước sang tuổi thứ 5 của Phòng nông nghiệp phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện Tuy Đức trồng thử nghiệm tại các xã Đắk Búk So, Đắk R’tih, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nụ cười mãn nguyện hiện rõ trên gương mặt của những người trong cuộc. Cây mắc ca sau gần 5 năm đưa vào nghiên cứu phát triển tại địa phương đã cho những quả ngọt đầu mùa.
Bên vườn mắc ca đang sai bông và bắt đầu đậu quả, anh Nông Văn Phùng, thôn Doãn Văn, xã Đắk R’tih, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, gia đình anh trồng được 2,5 ha mắc ca ghép, trong đó 1/3 diện tích trồng từ năm 2010 đã ra hoa và cho quả bói gần 2 năm nay.
Đây là diện tích mà gia đình trồng thử nghiệm với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Phòng nông nghiệp huyện Tuy Đức. Qua quá trình trồng, chăm sóc cho thấy, cây mắc ca rất thích hợp với hình thức trồng xen với một số loại cây khác như cà phê, tiêu.
Với việc xen canh, gia đình anh đã tiết kiệm được nước tưới, phân bón... Thời gian qua, vườn mắc ca của gia đình chưa thấy phát sinh sâu bệnh, đang phát triển tốt.
Riêng diện tích cây mắc ca sau 3 năm trồng và chăm sóc của anh Phùng cũng đã ra hoa đồng loạt và cho trái bói vụ đầu. Trong năm 2014 vừa qua, 200 cây mắc ca này cho thu hoạch quả bói với sản lượng 35 kg quả khô, dự kiến năng suất sẽ tăng lên gấp đôi trong năm nay.
Cách đó không xa, gia đình anh Trương Đình Hưởng, thôn 4, xã Đắk Búk So có 2 ha mắc ca 4 năm tuổi được trồng xen canh với cà phê và hồ tiêu. Từ đầu năm 2015 đến nay, diện tích mắc ca của gia đình anh Hưởng đã đồng loạt ra hoa và đậu quả với tỷ lệ rất cao.
Hiện tại, các dòng mắc ca (khoảng 9 dòng) của gia đình anh Hưởng phần lớn đã ra hoa và đậu quả với tỷ lệ khá cao như dòng OC, 695, 246, 816, 849…
Theo anh Hưởng, để việc trồng cây mắc ca có hiệu quả thì bà con nên trồng theo hình thức xen canh với cây cà phê. Việc làm này vừa hạn chế được rủi ro với một cây trồng mới, vừa đảm bảo cây mắc ca được chăm sóc chu đáo từ việc hưởng phân bón, nước tưới của cây cà phê.
381 ha mắc ca "sống khỏe"
Toàn huyện Tuy Đức hiện có khoảng 381 ha mắc ca được trồng thuần và trồng xen chủ yếu trên địa bàn các xã Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Búk So.
Các giống mắc ca ghép được ươm tại Tuy Đức
Trong đó, diện tích mắc ca trồng năm thứ 4 là 4 ha (chủ yếu là diện tích trồng thử nghiệm), khoảng 233 ha mắc ca đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản năm thứ 2 và thứ 3; 148 ha trồng mới trong năm 2014.
Theo ông Đặng Văn Cương, Phó phòng nông nghiệp phụ trách chương trình mắc ca huyện Tuy Đức: Qua theo dõi cho thấy, đa phần diện tích mắc ca trên địa bàn đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài diện tích trồng thử nghiệm tại 2 xã Đắk R’tih và Đắk Búk So hiện đã ra hoa và cho trái, những diện tích còn lại vẫn đang phát triển bình thường, kể cả diện tích mắc ca mới trồng thử nghiệm trên đất trống, đồi trọc.
Đặc biệt, diện tích mắc ca trồng đại trà tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Quảng Trực năm thứ 3 bình quân chiều cao cây đạt từ 2 – 2,5 m; năm thứ 2 đạt từ 1,2 – 1,5m, đạt yêu cầu theo chu kỳ sinh trưởng. Đây là một tín hiệu rất đỗi lạc quan trong việc bổ sung cơ cấu cây trồng và đem vào trồng mới loại cây có giá trị kinh tế cao này.
Trên cơ sở những kết quả trồng thử nghiệm, cũng như diện tích đại trà, huyện Tuy Đức đang khảo sát, đánh giá hiệu quả để lựa chọn những dòng mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất tốt nhằm đưa vào trồng, mở rộng diện tích theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Song song đó, huyện cũng đang triển khai xây dựng vườn sản xuất cây giống mắc ca, kêu gọi doanh nghiệp tham gia sản xuất cây giống, trồng, xây dựng nhà máy thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca ngay tại địa phương.