Sản xuất lúa ở ĐBSCL |
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, lũ 2018 xuất hiện sớm nhưng giảm nhanh sau khi đạt đỉnh, dẫn đến dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL đang xuống ở mức rất thấp so với năm 2017 và trung bình nhiều năm từ 1980 đến nay. Nguyên nhân lũ xuống nhanh có thể là do mùa mưa kết thúc sớm và các nước thượng nguồn (nhất là Lào) tích lũ cuối mùa mưa... Do đó, dự báo mùa khô 2018-2019 có khả năng xảy ra mặn xâm nhập sớm, sâu với những biến động phức tạp và gay gắt nhưng có thể ít nghiêm trọng hơn mùa khô 2015-2016. Khả năng mặn xâm nhập sâu vẫn có nhưng từ cuối tháng 1 trở đi.
Cụ thể, vào cuối tháng 12/2018 và tháng 1/2019, các vùng cách cửa sông 20-30 km đã có mặn vượt quá 4 g/l vào thời kỳ triều cường; còn khi triều thấp, chân triều vẫn có thể xuất hiện nước ngọt nhưng khả năng lấy được ngọt hạn chế.
Trong tháng 2-3/2019, mặn có thể xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Khu vực từ 40–60km trở ra mặn 4g/l xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường, nhưng vẫn có khả năng lấy ngọt khi triều thấp hoặc xả nước tăng cường thượng lưu. Khu vực từ 60 km trở vào, mặn 4g/l xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường, do vậy có khả năng tranh thủ lấy nước trong thời kỳ này.
Tháng 4/2019, nếu có xả nước thượng lưu, mặn sẽ giảm, trở về như tháng 1 và 2. Trong tháng 5, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông sẽ vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6.
Với dự báo mặn như trên, một số khu vực sản xuất, mùa vụ sau đây cần đặc biệt chú ý: Vụ đông xuân, vụ mùa (vùng tôm-lúa) ở các vùng ven biển đến 20-30km có khả năng thiếu nước; vụ xuân hè, hè thu 2018 có khả năng bị ảnh hưởng nếu không có mưa sớm, khi ấy chi phí sản xuất sẽ tăng do sử dụng bơm chuyền (2 đến 3 cấp) để tận dụng nguồn nước thấp trong kênh nội đồng chống hạn; một số vùng (An Minh, An Biên thuộc Kiên Giang; Nam Quốc lộ 1A thuộc Bạc Liêu; Thạnh Phú, Ba Tri thuộc Bến Tre...) không có khả năng cấp ngọt, khiến cho việc nuôi tôm nước lợ có thể bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do nồng độ mặn cao. Ngoài ra, xâm nhập mặn sẽ gây thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân cho vùng ven biển, đặc biệt là các vùng Cù Lao cửa sông (Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang; Hòa Minh thuộc Trà Vinh; Cù lao Dung ở Sóc Trăng; các huyện ven biển tỉnh Bến Tre…).
Một số vùng cần đặc biệt chú ý về tình hình xâm nhập mặn. Cụ thể, Bến Tre sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngay trong tháng 1 và kéo dài hết mùa khô. Các huyện Long Phú, Trần Đề (Sóc Trăng) từ tháng 1 trở đi gặp khó khăn về nước tưới, do vậy cần có kế hoạch bơm trữ, đóng cống hợp lý để tích nước ngay từ thời điểm này. Các vùng Nhật Tảo-Tân Trụ (Long An), Gò Công (dự án Gò Công, Tiền Giang), Trà Vinh (dự án Nam Mang Thít), trong tháng 3, 4 và 5, nếu không mưa hoặc xả nước thượng lưu, phải tăng cường chuyển nước từ trên xuống theo các kênh dọc trục trong hệ thống. Cần có kế hoạch nạo vét, tăng cường năng lực chuyển nước của các kênh trục hệ thống và mở cửa lấy gạn hoặc bơm để lấy nước (lúc này nước ngọt trong kênh rất thấp). Các vùng Đông Hà Tiên cần chú ý chuẩn bị chống hạn mặn vào các tháng 2, 3, 4 và 5. Thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) mặn có thể xâm nhập với nồng độ đạt đến 2- 4g/l vào tháng 4, tháng 5 (nếu không mưa). Vùng Vị Thủy (Hậu Giang) cũng cần đề phòng nguy cơ xâm nhập mặn cuối mùa khô...
Với những dự báo như trên, các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa ngay từ thời điểm này trở đi và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng chống hạn – mặn; cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây chịu hạn, ít sử dụng nước.