| Hotline: 0983.970.780

Mặn xâm nhập, cuộc sống người dân đảo lộn

Thứ Ba 09/07/2019 , 20:37 (GMT+7)

Nắng nóng liên tục nhiều tháng qua khiến mực nước trên các con sông ở Quảng Nam xuống thấp, mặn xâm nhập vào vùng hạ du. Người dân đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Quay cuồng tìm nước sinh hoạt

Tại TP Hội An, nước sông Vĩnh Điện đang bị mặn xâm nhập với nồng độ cao. Theo Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An thì nồng độ mặn đo được trên sông có thời điểm lên đến 3, trong khi nồng nộ mặn cho phép chỉ 4‰ nên không thể sử dụng được.

Người dân phải chắt chiu từng giọt nước để sử dụng cho sinh hoạt.

Ông Võ Văn Mao, (trú thôn 1, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) cho biết, do địa phương nằm vùng trũng thấp, mạch nước ngầm nhiễm phèn nên người dân không thể khoan đóng giếng được. Bà con chủ yếu sử dụng nguồn nước từ Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An để sinh hoạt. Thời gian này, nước sông Vĩnh Điện bị xâm nhập mặn dẫn đến không đủ nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

“Để có nước sinh hoạt, tôi phải đi xa nhà khoảng 2 km gánh nước giếng về cho gia đình mình dùng tạm, riêng với nước dùng để ăn uống thì phải mua.  Bên cạnh đó, việc mất nước xảy ra nhiều ngày nhưng đơn vị cung cấp không thông báo đến người sử dụng để chuẩn bị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi”, ông Mao nói.

Tương tự, các xã Cẩm Phô, Cẩm Châu, Sơn Phong, Cẩm Kim… thuộc TP Hội An đều trong tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng, những khu vực có nước thì bị nhiễm mặn, nấu nướng, sinh hoạt rất khó khăn.

Do bị mặn xâm nhập nên các trạm bơm chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động

Được biết, nước sông Vĩnh Điện là nguồn cung cấp nước chính cho Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An để bơm phục vụ cho cả TP Hội An. Mỗi ngày, TP Hội An tiêu thụ trên 15.000m3 nước sạch. Do nhiễm mặn nên hiện tại lượng nước mà xí nghiệp này chỉ cung cấp được khoảng 2/3 công suất bình thường. 

Ông Nguyễn Viết Thành, Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An cho hay: “Để ứng phó, nhà máy nước đã cử người túc trực 24/24h dò độ mặn kịp thời hút nước lúc độ mặn hạ xuống mức cho phép. Giải pháp trước mắt là tăng cường nước từ nhà máy nước Trảng Nhật (Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn) về, đồng thời mở van hết công suất để đưa nước đến những vùng thiếu hụt, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Lâu dài chúng tôi sẽ nâng cấp đường ống cấp nước về Cẩm Thanh, dự kiến qua tháng 7 sẽ triển khai”.
 

Chờ nước cứu lúa

Mặn xâm nhập vào vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn cũng đã khiến cho nhiều diện tích lúa Hè thu của người dân ở khu vực huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) bị đe dọa. Người dân đã có gắng dùng mọi biện pháp để cứu lúa nhưng đều không mang lại hiệu quả.

Ông Phạm Đỗ (41 tuổi, TX Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, cách đây mấy hôm ruộng lúa nhà ông và nhiều hộ gia đình xung quanh không có nước. Ông đã túc trực nhiều hôm chờ các trạm bơm hoạt động để dẫn nước vào cứu lúa nhưng không thấy. Sau đó, nghe chính quyền địa phương thông báo là nước sông bị nhiễm mặn nên các trạm bơm không hoạt động. Vì đây là thời điểm lúa đang làm đồng nên ông và người dân vô cùng lo lắng.

Bà Đinh Thị Mai (thôn Thanh Tây, phường Cẩm Phô, TP Hội An) nói thêm: “Nước mặn cứ vào ra khiến lúa chết hết, dù cấy đi cấy lại nhiều lần nhưng cây lúa vẫn chết. Nhà tôi có 2 đám ruộng nhưng cũng phải bỏ chứ đâu còn sức lực mà làm trở lại”.

Hàng nghìn diện tích lúa của người dân ở Quảng Nam không có nước vì nhiễm mặn.

Theo Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Quảng Nam, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2019, do mực nước thủy điện thượng nguồn sông Thu Bồn thấp xấp xỉ mực nước chết khiến công suất phát điện và lưu lượng dòng chảy về hạ lưu giảm đột ngột. Cùng với đó, ảnh hưởng của triều cường đầu tháng đã làm nước mặn từ biển Cửa Đại (Hội An) xâm nhập sâu và nồng độ mặn rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Quảng Nam thông tin: “Những ngày qua, độ mặn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu quan trắc được, đây là lần đầu tiên độ mặn đạt được ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Tại xã Duy Thành gần 22 phần nghìn, tại cầu Câu Lâu cũ thì xấp xỉ 21. Hiện nay tất cả các trạm bơm lớn trên hệ thống sông Vu Gia đều bị xâm nhập mặn. Chúng tôi chỉ có thể vận hành lách triều để tạo nguồn cho các trạm bơm”.

Cũng theo ông Hải, do nước sông có độ mặn cao trong khi dòng chảy cơ bản trên sông Thu Bồn lại có xu hướng giảm thấp nên để cung cấp đủ nước tưới cho 4.000 hecta lúa vụ Hè thu, các trạm bơm trên địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn luôn túc trực 24/24 để kiểm tra thủy triều và độ mặn để vận hành. Khi nồng độ mặn xuống thấp thì được phép vận hành và ngược lại khi nồng độ mặn tăng lên thì lập tức dừng hoạt động.

Trao đổi với PV, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là đợt nhiễm mặn lịch sử với độ mặn tương đương nước biển. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi cho Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT đề nghị các thủy điện phải có sự phối hợp tích cực hơn trong việc thực hiện công tác vận hành điều tiết nước cho vùng hạ du. Đặc biệt là thủy điện sông Tranh 2, trong thời gian vừa qua đã không thực hiện việc vận hành xuống hạ du theo đúng quy định của Bộ TN-MT đã yêu cầu….

“Hiện nay, ở các vùng hạ du của sông Vu Gia – Thu Bồn, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động đối phó với tình trạng xâm nhập mặn bằng cách đắp các con đập tạm. Tuy vậy, đó cũng chỉ là giải pháp trước để hạn chế nước biển tấn công trước mắt. Về lâu dài, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với những giải pháp triệt để để ngăn chặn sự xâm nhập mặn ở các vùng hạ du của Quảng Nam”, ông Lê Trí Thanh nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm