Mãng cầu đứng đầu trong mâm ngũ quả Tết của người dân Nam bộ: “cầu, thơm dừa, đủ, xoài”. 5 loại quả này tượng trưng cho 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Theo quan niệm từ xa xưa, vũ trụ và vạn vật được tạo ra từ 5 yếu tố này. Người Việt chưng mâm “ngũ quả” trong ngày Tết, như một cách tưởng nhớ tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với đấng tạo hóa.
Với người Nam bộ, mâm ngũ quả khi nói lái đi giống như “cầu thơm vừa đủ xài”. Đó là mong ước rất giản đơn của người dân Nam bộ, chỉ cầu mong một năm có cuộc sống no đủ.
Với mãng cầu Bà Đen, không phải ngẫu nhiên mà được đăng kí thương hiệu, trở thành đặc sản của vùng núi Tây Ninh. Từ lâu, những vườn mãng cầu được người dân trồng quanh chân núi Bà Đen còn nổi tiếng với những quả to, thịt dai và có vị thơm ngon rất đặc biệt.
Trứ danh “mãng cầu Bà Đen”
Những ngày cận tết Tân Sửu 2021, chúng tôi có dịp về thăm xứ sở Tây Ninh, vùng đất nằm giữa đôi bờ Vàm Cỏ, nơi đây còn có ngọn núi Bà Đen cao nhất khu vực Đông Nam bộ. Ngạc nhiên hơn, nếu như ở Vũng Tàu có “mãng cầu lửa”, Tiền Giang có “mãng cầu Gò Công” thì nơi đây trứ danh với “mãng cầu Bà Đen”.
Theo bà con địa phương, nhờ thiên nhiên ưu đãi cho vùng này khí hậu khô nóng nhưng đất đai không kém phần dinh dưỡng, từ đó tạo nên quả mãng cầu có vị ngọt, dai, thơm lừng khác biệt hoàn toàn so với mãng cầu ở nhiều địa phương khác.
Để “mục sở thị” sản phẩm đặc trưng này, chúng tôi ghé thăm vườn mãng cầu của ông Nguyễn Văn Nam ở phường Thạnh Tân, TP. Tây Ninh. Ông Nam được xem là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu theo hướng VietGAP ở xứ này. Với gần 4 ha mãng cầu, ông Nam đầu tư quy mô bài bản từ hệ thống tưới tự động phủ khắp, đến quy trình chăm bón đúng chuẩn. Ngắm vườn cây được trồng ngay hàng thẳng lối, trái chi chít báo hiệu một mùa bội thu, mọi người đều có thể cảm nhận sự sung túc của ông Nam và nhiều bà con dịp Tết đến Xuân về.
Theo ông Nam, nếu như trước đây cây mãng cầu chỉ ra quả được 1 vụ, thì từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bón, bà con đã làm cho cây ra quả quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, mãng cầu còn thu hoạch rộ vào dịp Tết Nguyên đán, từ đó đem lại lợi nhuận rất cao cho nhà vườn. Ngày thường mãng cầu chỉ có giá tầm 20.000 đến 25.000 đồng/kg, thế nhưng, từ 15 tháng Chạp kéo dài đến 15 tháng Giêng, mãng cầu có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, có khi lên đến 60.000/kg. Không chỉ cung ứng cho bà con quanh vùng, mãng cầu còn được vận chuyển lên các chợ đầu mối tại TP.HCM để phân phối đi khắp mọi miền đất nước.
Cách đó không xa là vườn mãng cầu của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, mặc dù chỉ sở hữu hơn 1 ha nhưng mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình bà Lan không dưới 300 triệu đồng. Bà Lan chia sẻ, một năm vườn cho hai vụ thu hoạch, mỗi vụ khoảng 4 tháng. Những năm gần đây, mãng cầu hay bị sâu bệnh tấn công nên dễ bị rệp phấn, nứt, có sâu bệnh khiến người tiêu dùng không may gặp quả hư, không ăn được. Trong khi đó, mãng cầu trồng theo quy trình VietGap tại đây có kỹ thuật canh tác tốt, bao trái từ nhỏ nên bảo đảm chất lượng nên được khách hàng ưa chuộng.
“So với bắp, khoai mì, mía và hoa màu khác thì cây mãng cầu công chăm sóc ít hơn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Mặc dù ảnh hưởng bởi Covid -19 khiến ngành du lịch của địa phương gặp khó, đầu ra của một số nhà vườn bị ảnh hưởng, song với sự nổi tiếng vốn có, hầu hết sản lượng mãng cầu của các nhà vườn trồng theo hướng VietGap đều được các thương lái đặt hàng từ trước, bà con vẫn yên tâm sản xuất ”, bà Lan tiết lộ.
Tiếp tục khẳng định thương hiệu
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, tỉnh hiện có gần 8.000 ha mãng cầu, được trồng chủ yếu xung quanh khu vực núi Bà Đen. Những năm gần đây, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường về sản phẩm sạch, ngành nông nghiệp Tây Ninh giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp trồng mãng cầu thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, cấp giấy chứng nhận (80 triệu đồng) và 30% kinh phí mua vỏ sinh học bao trái (6 triệu đồng/ha) để chống ruồi vàng; đồng thời hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng, chủng loại theo danh mục cho phép và có thời gian cách ly (khoảng 15 ngày) trước khi thu hoạch, nhằm bảo đảm cho trái mãng cầu không còn dư lượng thuốc trừ sâu trước khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Xuân cho biết thêm, hàng năm, địa phương xuất ra thị trường khoảng 40.000 - 50.000 tấn mãng cầu. Sản phẩm mãng cầu của địa phương hiện đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Aeon, E-mart BigC, Co.opMart; các chuỗi cửa hàng tiện ích như Bách Hoá Xanh, VinMart. Ngoài thị trường trong nước, mãng cầu còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga và các nước Trung Đông.
“Xác định mãng cầu loại cây trồng có mức độ ưu tiên cao của tỉnh nên trong quá trình cơ cấu lại, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã định hướng sẽ duy trì diện tích đất trồng mãng cầu song song với việc nâng cao giá trị gia tăng.
Cụ thể, trong thời gian tới, cây mãng cầu sẽ được quan tâm chuẩn hoá, bảo đảm chất lượng để tiếp tục đưa vào các chuỗi tiêu thụ lẫn xuất khẩu có uy tín. Nếu có thể khép chuỗi và phát triển cụm ngành thì cây mãng cầu có thể mang lại giá trị gia tăng rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Ước tính, đến năm 2030, cây mãng cầu sẽ mang lại giá trị gia tăng hơn 1.360 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm cho 6.600 người”, ông Xuân nhấn mạnh.