| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng trà mãng cầu trên đất Hậu Giang

Thứ Tư 22/07/2020 , 09:58 (GMT+7)

Mãng cầu xiêm không chỉ để ăn trái tươi mà còn dùng làm nguyên liệu sản xuất loại sản phẩm đặc trưng của địa phương, đó chính là trà mãng cầu.

Ông Phạm Văn Vỹ phơi trà mãng cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phạm Văn Vỹ phơi trà mãng cầu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cây chịu mặn, cho trái làm trà uống

Những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang diện tích trồng mãng cầu xiêm phát triển lên đến cả ngàn hecta, tập trung nhiều nhất ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ và TP. Ngã Bảy. Đặc biệt Long Mỹ là huyện vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, là vùng đất bị nhiễm phèn và chịu ảnh hưởng nặng xâm nhập mặn. Hàng năm vào mùa khô, triều cường từ biển Tây xâm nhập sâu, đặc biệt hạn mặn ngày càng diễn ra khốc liệt hơn. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, cộng với sự quyết tâm của người dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, được triển khai và đã mang lại hiệu quả.

Điển hình là ông Phạm Văn Vỹ, ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm được 7 năm qua. Ông Vỹ cho biết: Mãng cầu trồng sau 2 năm cây cho trái. Thế nhưng khi đến mùa trái chín, do tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, nên hay bị ép giá, thu nhập của bà con nông dân rất bấp bênh. Thêm vào đó, việc bảo quản loại trái cây này cũng rất khó, thường thì thu hoạch xong phải bán nhanh cho thương lái, không dự trữ lâu.

Từ đó, ông Vỹ mày mò, tìm hiểu chế biến trái mãng cầu thành trà. Chỉ trong một thời gian ngắn, loại trà này được nhiều người biết đến. Người tìm đến hỏi mua ngày càng nhiều, ông Vỹ quyết định mở cơ sở sản xuất trà mãng cầu Bảy Vỹ. Hiện nay, mỗi kg trà có giá dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/kg cao gấp nhiều lần so với bán trái tươi.

Ông Vỹ chia sẻ: Ban đầu chuyển đổi từ đất lúa lên vườn trồng mãng cầu do không có vốn, rất may được Agribank Long Mỹ hỗ trợ vay vốn. Chỉ sau vài năm gia đình đã trả hết nợ và còn xây được căn nhà tường khan trang như hiện nay.

Còn ông Nguyễn Hữu Cảnh ở cùng xã với ông Vỹ, cũng đã kinh nghiệm qua nhiều loại cây trồng, như: lúa, cam, ổi và xoài... Tuy nhiên, các loại cây mà gia đình ông đã trồng trước đây, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2014, ông Cảnh quyết định chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. Với mong muốn mở rộng đầu ra và tăng giá trị cho vườn nhà, ông Cảnh đã học cách chế biến mãng cầu xiêm thành trà thay vì chỉ bán trái tươi. Chính vì vậy, thu nhập của gia đình ông Cảnh tăng cao hơn trước.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh chăm sóc mãng cầu xiêm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh chăm sóc mãng cầu xiêm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông nói: Nếu bán trái tươi sống cho thương lái thì cũng có lời, nhưng lời ít hơn. Còn nếu xắt làm trà mãng cầu thì tốn công nhưng có lời nhiều hơn.

Hiện nay, hầu hết bà con nông dân tại huyện Long Mỹ trồng mãng cầu xiêm được ghép trên gốc bình bát, nên khả năng chịu phèn, mặn của cây rất tốt. Bình quân năng suất từ 4,5 - 5 tấn/công, hiện giá bán từ 14.000 – 16.000 đồng/kg. Sau khi nông dân trừ hết chi phí còn lãi từ 40 - 42 triệu đồng/công/năm.  

Giờ đây  mãng cầu xiêm được người dân nơi đây sản xuất thành trà, đem lại thu nhập ổn định. Để cho ra 1kg trà thành phẩm cần 10kg trái tươi và qua nhiều công đoạn cầu kì.

Xây dựng thương hiệu mãng cầu xiêm Hậu Giang

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết: Mãng cầu xiêm (hay còn gọi là mãng cầu gai) ra trái quanh năm, trung bình nặng khoảng 1 – 3 kg/trái. Loại cây này có thể trồng trên nhiều nền đất khác nhau như: đất mặn, phèn, hạn, chua. Cây có sức đề kháng tốt, ít kén đất, năng suất và giá trị kinh tế cao.  Mãng cầu xiêm khi chín có hương thơm dịu, vỏ xanh thịt trắng sáng và nhiều xơ. Khi ăn mãng cầu xiêm hơi dai, có vị chua ngọt hấp dẫn.

Để bà con phát triển trồng mãng cầu xiêm ngày càng hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương thành lập HTX  trồng mãng cầu xiêm và từng bước xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó đẩy mạnh sản xuất, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn từ trái tươi và trà mãng cầu để phục vụ cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập.

Hậu Giang là vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó cây mãng cầu xiêm đang đem lại hiệu quả kinh tế.

Từ đầu năm đến nay Agribank Chi nhánh Long Mỹ hỗ trợ vay trồng và sản xuất trà mãng cầu xiêm gần 8 tỷ đồng với gần 200 khách hàng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ đầu năm đến nay Agribank Chi nhánh Long Mỹ hỗ trợ vay trồng và sản xuất trà mãng cầu xiêm gần 8 tỷ đồng với gần 200 khách hàng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thấu hiểu điều này, Agribank Chi nhánh Long Mỹ đã sát cánh, tiếp sức về vốn, nhờ vậy mà đã giúp nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất. Tính đến 30/6/2020, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh là hơn 1.300 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 78%. Trong đó, cho vay trồng và sản xuất trà mãng cầu xiêm gần 8 tỷ đồng với gần 200 khách hàng.

Ông Nguyễn Minh Lẽ - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ cho biết: Hiện nay xã Thuận Hòa có 95% số hộ đều canh tác cây mãng cầu xiêm, được xem là mô hình điểm của tỉnh Hậu Giang. Để phát triển cây mãng cầu xiêm bền vững, có sự đồng hành của Agribank. Từ đó người dân trên địa bàn xã Thuận Hòa đã tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng để đầu tư vào sản xuất trong nông nghiệp. Trong đó, sản xuất mãng cầu và trà mãng cầu được người dân rất quan tâm, ủng hộ đem lại hiệu quả kinh tế của nông hộ trong thời gian gần đây rất tốt. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay là 46,6 triệu/người/năm.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...