| Hotline: 0983.970.780

'Mắc màn' cho mãng cầu tránh ruồi đục trái

Thứ Ba 28/05/2019 , 09:53 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Nhàn (Ba Nhàn) sinh năm 1953, ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, Tiền Giang là một nông dân tiêu biểu đi đầu với mô hình trồng mãng cầu Thái từ hạt trên vùng đất phèn.

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn trong huyện phải tỉa bỏ trái hoặc đốn bỏ cây mãng cầu vì dịch ruồi đục trái gây thất thu năng suất và giảm phẩm chất trái nhưng anh Ba Nhàn vẫn trồng mãng cầu cho năng suất cao.

Anh Ba Nhàn bên vườn mãng cầu được bao lưới

Sinh ra tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, trong gia đình nghèo nên anh Ba Nhàn phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Vào lập nghiệp tại xã Thạnh Mỹ từ năm 2014, với vỏn vẹn trong tay hơn 25 triệu đồng, anh đã thuê đất, mua cây giống  mãng cầu Thái từ Đồng Tháp về trồng trên đất khóm (dứa) cằn cỗi, chua phèn.

Với tiền thuê đất 10 năm là 120 triệu đồng, trong lần trả tiền đầu tiên cho chủ đất, kinh tế gia đình anh khó khăn lại càng khó khăn hơn. Với bản tính chịu thương chịu khó, anh ra sức làm thuê, kể cả bắt cua bắt cá tăng thêm thu nhập để phụ tiền vào chăm sóc vườn mãng cầu.

Trên diện tích 1 ha, anh trồng 1.500 cây mãng cầu, vượt qua mọi khó khăn, sau 18 tháng, vườn cho trái chiến (trái bói). Cách vài tuần, cây lại ra hoa, trái, anh bán lai rai kiếm thêm thu nhập.

Sang năm 2017, anh tăng cường bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho vườn. Cây mãng cầu không phụ công anh, 1 gốc cho khoảng 16 trái với trọng lượng trung bình từ 2-3 kg/trái. Anh đã thu hoạch trên 30 tấn trái, ước tính sau khi trừ đi chi phí, còn thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

Cứ tưởng mọi chuyện sẽ thuận lợi, đâu ngờ đầu năm 2018, dịch hại ruồi đục trái xuất hiện trên vườn mãng cầu khiến anh gần như lỗ vốn. Qua bao ngày trăn trở suy nghĩ, học hỏi nhiều nơi như bao trái, phun thuốc nhử ruồi, đặt bẫy Vizubon... cũng không mấy hiệu quả, cuối cùng anh về quê Đồng Tháp – nơi có nhiều anh em, bạn bè trồng mãng cầu đạt hiệu quả bằng sáng kiến dùng lưới cước bao cả vườn.

Từ đây, anh Ba Nhàn chạy vạy tiền để đặt may 1 ha lưới cước đen với chi phí 75 triệu đồng, rồi mướn 6 công làm trong ngày để phủ trùm cả vườn mãng cầu, sau đó chăm sóc, bón phân bình thường.

Nhờ bao lưới cả vườn mãng cầu đã hạn chế tối đa sâu bệnh hại, nhất là ruồi đục trái, giảm số lần phun xịt thuốc. Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, anh thu hoạch trái lần đầu tiên sau khi bao lưới được 2 tấn trái, với giá bán 20.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng, trong khi đó giá mãng cầu của các hộ khác cùng thời điểm chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Tiếp tục thu hoạch các lần sau, năng suất càng cao, trung bình 7-10 ngày thu hoạch 1 lần, trong tháng 3, tháng 4/2019 anh thu hoạch trên 6 tấn trái, giá bán xô 12.000 đồng/kg, tổng thu 72 triệu đồng, trừ chi phí 15 triệu đồng về chăm sóc, bón phân, anh còn lãi 57 triệu.

Như vậy theo cách bao lưới trồng mãng cầu của anh, thu hoạch từ tết 2019 đến nay, trừ mọi chi phí còn thu lãi trên 100 triệu.

Theo anh Ba Nhàn, việc bao lưới cước trồng mãng cầu giúp mẫu mã trái đẹp, được thương lái ưa chuộng và bán được giá cao. Khi bao lưới thì mỗi năm bón phân 4 đợt, cứ 2 tháng bón 1 lần bằng super lân, canxi và botrac.

Anh Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Mỹ nhận xét: Đến tháng 8/2019 này, vườn mãng cầu của anh Ba Nhàn đủ 5 năm, tốc độ cây phát triển tốt, không sâu bệnh, nhất là ruồi vàng. Với cách chăm sóc của anh, cây cho trái quanh năm, năng suất sẽ tăng cao khoảng 50 tấn/ha/năm, nếu giá trung bình 20.000 đồng/kg, anh thu về trên 1 tỷ đồng/năm.

Việc bao lưới vườn mãng cầu để khống chế ruồi vàng tuy kinh phí đầu tư ban đầu cao nhưng cho lợi ích lâu dài. Đây là cách làm hay và hiệu quả, bà con có thể đến tham quan vườn mãng cầu nhà anh Ba Nhàn để học hỏi và áp dụng, giúp việc trồng mãng cầu đạt hiệu quả.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.