| Hotline: 0983.970.780

Mạng lưới thú y cơ sở - 'tai mắt' của thú y Hà Nội

Thứ Sáu 06/01/2017 , 08:30 (GMT+7)

Về công tác thú y từ năm 2013 đến nay, Hà Nội không để dịch bệnh động vật lớn xảy ra, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Có được kết quả, thành tựu trên phải kể đến một đóng góp không nhỏ của mạng lưới thú y cơ sở (còn gọi là Ban thú y các xã, thị trấn).
 

Không có thú y cơ sở, như "cụt chân cụt tay"

Nhìn lại trước năm 2013 khi hệ thống thú y chưa được củng cố kiện toàn, thực trạng nguồn nhân lực thời điểm trước chuyển giao về Sở NN- PTNT quản lý là quá yếu.

19-02-18_img_0631
Cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch gia cầm mới giết mổ
 

Về trình độ chuyên môn, nhân viên kỹ thuật chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn gồm có 476 người, trong đó trình độ đại học 80 người (chiếm 17%); Cao đẳng 115 người (24%); Trung cấp 216 người (45%); không có bằng cấp chuyên môn mà chỉ có chứng chỉ nghề 65 người (14%).

Thực trạng nhân viên thú y thôn, bản có 2.083 người, trong đó không có trình độ đại học, cao đẳng, sơ cấp 1.749 người (84%), không có bằng cấp chuyên môn 334 người (16%).

Với đội ngũ cán bộ như trên nên về hoạt động chuyên môn còn quá nhiều bất cập, chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực thú y chưa được quan tâm, thậm chí bị xem nhẹ. Công tác tham mưu giúp chính quyền địa phương còn thụ động, yếu và thiếu về cả nội dung, chất lượng, số lượng. Công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó do trình độ chuyên môn không đồng đều, có cán bộ được giao nhiệm vụ nhưng không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thú y. Nhân viên Ban Thú y chủ yếu trung cấp và sơ cấp; làm việc trong điều kiện thiếu thốn, chế độ chính sách thấp và đôi khi chi trả chưa kịp thời; công tác đào tạo, tập huấn chưa được quan tâm đúng mức nên vai trò, trách nhiệm và trình độ của Ban Thú y còn yếu, lơ là, chủ quan.
 

Quyết định 34/2012- "đôi đũa thần"

Từ thực tiễn trên, với sự tham mưu quyết liệt của ngành Thú y, ngày 23/11/2013 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND về việc chuyển giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn, bản; kỹ thuật trồng trọt và BVTV thuộc các xã, phường, thị trấn về Sở NN- PTNT thôn quản lý.

Theo đó, Giám đốc Sở NN- PTNT tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế trang thiết bị tài sản, tài chính, trụ sở làm việc từ các huyện, thị xã để quản lý theo ngành dọc.

Thực hiện ký hợp đồng lao động, trả lương và phụ cấp đối với nhân viên Hợp đồng lao động làm công tác kỹ thuật chăn nuôi thú y, thú y viên thôn, bản thuộc các xã, phường, thị trấn theo quy định hiện hành; Rà soát đội ngũ nhân viên thú y, thú y viên thôn, bản; nhân viên BVTV để tuyển dụng vào như cán bộ viên chức nhà nước, nhằm bảo đảm ở mỗi xã, phường, thị trấn có 01 viên chức kỹ thuật chăn nuôi thú y.

Về chế độ chính sách các đối tượng trên nhân viên Hợp đồng làm công tác chăn nuôi thú y tại xã, phường, thị trấn thuộc Sở NN- PTNT quản lý được hưởng chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, phụ cấp theo trình độ chuyên môn đào tạo;

Được áp dụng bảng lương viên chức quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Đối với nhân viên thú y thôn, bản thực hiện theo hình thức mạng lưới cộng tác viên, hưởng phụ cấp hệ số 0,3 mức lương tối thiểu chung.
 

Không chỉ tăng lượng, mà còn thay đổi về chất

Từ khi có thú y cơ sở, các hoạt động chuyên môn đã có những bước đột phá được các cấp, các ngành ghi nhận. Trước hết với vai trò thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, từ khi có Ban Thú y việc thực hiện chức năng tham mưu văn bản quản lý nhà nước có chuyển biến rõ nét.

19-02-18_tiem-phong-vcxin-cho-dn-thuy-cm
Cán bộ thú y cơ sở tiêm phòng thủy cầm ở huyện Phú Xuyên
 

Hàng năm cán bộ thú y đã tham mưu được kế hoạch phòng chống dịch bệnh GSGC tại địa phương. Có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, hàng tháng có văn bản đôn đốc các thôn, xóm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như tiêm phòng, tổ chức tổng tẩy uế môi trường đến dự báo tình hình dịch bệnh.

Nhiều Ban Thú y đã tham mưu để địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển về chăn nuôi, thú y. Một số huyện có mạng lưới thú y hoạt động hiệu quả cao như Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì ...

Về công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh, đã có những “đột phá” so với giai đoạn trước năm 2013. Lực lượng “xung kích” này là những chân rết vững chắc, luôn bám sát cơ sở tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, báo cáo kịp thời với chính quyền và cơ quan chuyên môn cấp trên từ đó đã kịp thời khoanh vùng, khống chế không để lây lan ra diện rộng.

Về công tác tiêm phòng vacxin tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, từ khi mạng lưới được kiện toàn đã làm tốt công tác tiêm phòng định kỳ, bổ sung hàng năm cho đàn vật nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng ngày càng cao nhất là đối với bệnh nguy hiểm hàng năm đều đạt tỷ lệ trên 90%.

Thể hiện qua kết quả giám sát sau tiêm phòng, tỷ lệ bảo hộ các loại vắc xin đều đạt trên 70%. Từ kết quả này từ năm 2013 đến nay trên địa bàn Hà Nội không để dịch bệnh lớn xảy ra góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, đây là giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn các mầm bệnh nguy hiểm cho đàn GSGC và làm trong lành môi trường sống. Hàng năm bình quân có 6 đợt tổng tẩy uế môi trường đại trà với tổng diện tích phun vệ sinh tiêu độc khoảng 300 triệu m2 trên địa bàn toàn TP.

Bên cạnh các hoạt động trực tiếp về chuyên môn, mạng lưới thú y cơ sở còn có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ KHKT đến người dân trong lĩnh vực về phòng chống dịch bệnh và ATVSTP.

Đó là trực tiếp hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh. Hướng dẫn để người dân tiêm phòng, tẩy uế môi trường, việc thực hiện các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Với người dân phương pháp tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất đó là phương thức “cầm tay chỉ việc” thì chính mạng lưới thú y cơ sở đã giúp người dân thực hiện. Bên cạnh cán bộ thú y cơ sở còn tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các quy định của nhà nước, chế độ chính sách về công tác chăn nuôi, thú y.

Hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh cho vật nuôi trên địa bàn cũng được mạng lưới thú y quan tâm thực hiện tốt hơn khi mà họ được chính quyền địa phương công nhận. Nhiều nơi còn tạo lập được quỹ để chủ động thăm khám, bảo hiểm vật nuôi. Quy định mức thu phí dịch vụ, công khám chữa bệnh làm sao để người dân yên tâm khi không may gia súc gia cầm mắc bệnh.

Có thể khẳng định những chuyển biến tích cực của mạng lưới thú y cơ sở thời gian qua đã giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, lĩnh vực ATVSTP trên địa bàn TP thật sự chuyển biến rõ nét. Không để dịch bệnh xảy ra, người tiêu dùng dần tin vào sản phẩm động vật sử dụng được kiểm soát, người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, chế biến động vật sản phẩm động vật.

 

Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.