Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong hai ngày qua, lượng hàng vận chuyển cung ứng về TP.HCM mỗi ngày một tăng, trong khi đó, sức mua giảm, lượng người đi mua sắm tại các siêu thị, chợ cũng giảm hẳn.
"Không còn việc người dân phải xếp hàng kéo dài hàng giờ như những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các đơn hàng mua sắm tại các hệ thống siêu thị hiện đại cũng có phần giảm xuống. Việc cung ứng hàng hóa cho người dân TP. HCM hiện nay tương đối ổn định", ông Phương thông tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM, các khó khăn liên quan đến khâu vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TP. HCM hiện nay tình hình đã được giải quyết, các đơn vị phân phối nhà cung cấp không còn phản ánh liên quan đến việc gặp khó khăn trục trặc trong khâu vận chuyển hàng hóa.
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 diễn biến còn phức tạp, khiến cho một số hệ thống cung ứng của TP.HCM cũng bị ảnh hưởng. Đến nay, có 32/234 chợ truyền thống, 9/106 siêu thị, 120/2.895 cửa hàng tiện lợi đã tạm ngưng hoạt động do liên quan đến dịch Covid-19.
Ông Phương cũng cho biết, nhằm tìm các giải pháp hỗ trợ TP.HCM trong công tác tìm kiếm nguồn hàng, cung ứng hàng hóa cho thị trường TP. HCM, mới đây Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã cử Tổ công tác tiền phương vào TP. HCM để cùng phối hợp hỗ trợ thành phố.
"Chúng tôi đã làm việc với Tổ công tác tiền phương của hai Bộ và Sở NN-PTNT. Qua đó, Tổ công tác đã đề nghị TP. HCM rà soát, đăng ký thông tin lượng hàng TP.HCM đang thiếu để tìm giải pháp cụ thể. Ở thời điểm đó, TP.HCM thiếu khoảng 1.500 tấn rau và khoảng 300.000 trứng gia cầm", ông Phương nói.
Sau khi Tổ công tác tiền phương của hai Bộ cung cấp danh sách các nhà cung ứng, đặc biệt là các HTX ở các địa phương cho TP.HCM, đồng thời, Sở Công thương các tỉnh cũng đã thông tin thêm một số mặt hàng hiện có dấu hiệu dư thừa ở các địa phương cần phải kết nối để cung ứng hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng trứng gia cầm.
"Cụ thể, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã liên hệ với chúng tôi và đề nghị TP.HCM đăng ký ngay lượng trứng gia cầm cần thiết để bổ sung cho TP. HCM và Đồng Nai sẵn sàng chia sẻ với TP.HCM.
Chúng tôi theo dõi, lượng rau, đặc biệt trứng gia cầm cung ứng trong hệ thống phân phối luôn luôn đầy đủ trên quầy kệ. Không có tình trạng trống hàng. Do đó, chúng tôi cũng đã thông tin lại với Tổ công tác tiền phương của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương và các địa phương về nhu cầu hiện nay, đối với hai mặt hàng trứng gia cầm và rau ở TP.HCM đang tạm ổn định.
Sở cũng đã ghi nhận tất cả danh sách các nhà cung cấp để bổ sung cho nguồn dữ liệu của TP.HCM để chuẩn bị cho các phương án, kịch bản trong trường hợp cần thiết, dự phòng cho hệ thống phân phối hiện nay", Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết.
Liên quan đến chủ trương mở lại các điểm bán thực phẩm tươi sống, thiết yếu nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Phương cho biết, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu các quận huyện, TP Thủ Đức xây dựng phương án để gửi về Sở Công thương và báo cáo lên UBND TP.HCM, chậm nhất ngày 23/7.
Sở Công thương TP.HCM cũng đã có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương theo dõi tình hình cụ thể trên địa bàn, nếu tiếp tục duy trì hoạt động các chợ thì phải đảm bảo vấn đề phòng chống dịch bệnh, chợ nào không đảm bảo thì phải tạm ngưng ngay.
Hiện các quận huyện đang tiếp tục chuẩn bị các phương án để mở lại các chợ truyền thống, chợ đầu mối nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện phòng dịch Covid-19.
Trước tình trạng số chợ truyền thống bị tạm dừng hoạt động ngày một tăng, liệu TP.HCM có tính đến phương án "đưa chợ ra phố", ông Phương cho biết, trực tiếp Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương tính toán, trong trường hợp các chợ truyền thống hiện nay với điều kiện thực tế chưa thể tổ chức điểm bán thì tìm kiếm các khu vực đất trống, rộng rãi, thiết kế, bố trí các điểm bán thực phẩm thiết yếu, trên tinh thần là kẻ ô, giãn cách, phân lối đi.