Theo Sở Công thương TP.HCM, đến nay, đã có 205/237 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó, có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Như vậy, hiện TP.HCM chỉ còn 32 chợ truyền thống hiện đang hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã nỗ lực mở thêm các điểm bán để phục vụ người dân. Đơn cử như ban Quản lý chợ Lạc Quang (Phường Tân Thới Nhất, quận 12) tổ chức thực hiện 20 gian hàng nhu yếu phẩm lưu động cho các tiểu thương bán dọc tuyến đường Dương Thị Giang, đoạn qua dự án 36,2 ha thuộc Khu phố 4 phường Tân Thới Nhất Quận 12.
Bên cạnh đó, các thương nhân tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12 cũng tổ chức bán hàng tại giao lộ đường DN6 và đường DN5 thuộc khu dân cư An Sương.
Tại Khu vực sân bóng xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, 10 hộ tiểu thương chợ Hòa Phú tổ chức kinh doanh tại lối ra vào theo hướng 1 chiều, giãn cách giữa các gian hàng 5 mét. Khu vực xã Bình Mỹ, 10 hộ kinh doanh trên địa bàn phường cũng tổ chức kinh doanh, tổ chức lối ra vào theo hướng 1 chiều.
Trước tình hình số chợ truyền thống dừng hoạt động ngày một nhiều, Sở Công thương TP.HCM có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, ban quản lý các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Theo đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chỉ đạo quán triệt các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chợ truyền thống.
Đồng thời, các đơn vị quản lý cần bố trí khu vực giữ xe cho khách đi chợ, bố trí khu vực xếp hàng vào chợ phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định, bắt buộc phải đeo khẩu trang đầy đủ, đúng cách và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào chợ; thực hiện khai báo y tế điện tử; giữ khoảng cách an toàn giữa người với người tối thiểu từ 2 mét.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các chợ kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration”;
Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm. Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp.
Bố trí vách ngăn/màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua; đề nghị tiểu thương treo bảng niêm yết giá, giá cả niêm yết rõ ràng, phù hợp để khách hàng thuận tiện trong mua sắm.
Ông Phương cũng yêu cầu các chợ nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “thẻ ra vào chợ” để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ, phân chia tần suất đi chợ: cách 2 ngày/lần hoặc cách 3 ngày/lần; theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày.
Đề nghị người dân chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên thẻ ra vào chợ/app đặt lịch hoặc tổng đài đặt lịch đi chợ và gửi thẻ vào chợ/quét mã QR Code khai báo cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ.
Người lao động, người bán hàng phải thông báo kịp thời khi có tiếp xúc với các trường hợp FO hoặc F1.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM yêu cầu các chợ truyền thống hoặc các điểm bán phù hợp trên địa bàn chỉ kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (trước mắt ưu tiên các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả), đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, thông báo cụ thể thông tin các hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và khu vực tổ chức kinh doanh tại chợ/các điểm bán để khách hàng, người dân được biết và thuận tiện trong việc mua sắm.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp.
Đối với một số địa phương có đặc thù như dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hoạt động các chợ truyền thống, Sở Công thương yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế nhu cầu của người dân để thiết lập các điểm bán với quy mô nhỏ (ưu tiên tập trung vào các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, trái cây) tại khu vực chợ hoặc các điểm bán với địa điểm phù hợp trong các khu dân cư để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch.
Chỉ tổ chức điểm bán khi đảm bảo đúng quy định phòng, chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, hàng hóa được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua...
Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực để tổ chức hoạt động chợ theo mô hình tự quản; hoặc triển khai các hình thức phù hợp để tổ chức cung ứng hàng hóa.
Các đơn vị quản lý chợ nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ, hoặc đặt hàng trước qua điện thoại và liên hệ lấy hàng tại điểm bán; các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người...
Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, Sở Công thương yêu cầu tuân thủ các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét âm tính đối với người ra vào điểm trung chuyển, thời gian triển khai và ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ cho người lao động tại điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối.
Chỉ tổ chức tập kết và trung chuyển hàng hóa, tuyệt đối không giải quyết việc giao dịch, buôn bán hàng hóa và thực hiện dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh nơi lưu đậu tập kết và trung chuyển hàng, vận chuyển tập kết rác vào trạm ép rác, giữ gìn vệ sinh chung…