| Hotline: 0983.970.780

Sớm mở thêm càng nhiều chợ càng tốt để phục vụ người dân

Thứ Tư 21/07/2021 , 17:16 (GMT+7)

TP.HCM Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải sau khi kiểm tra thực tế tại một số chợ truyền thống của TP.HCM, ngày 21/7.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra mặt hàng trứng gia cầm tại chợ Bình Thới (quận 11). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra mặt hàng trứng gia cầm tại chợ Bình Thới (quận 11). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 21/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc cung ứng thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM gồm chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11).

Tại đây, đoàn đã trao đổi với các tiểu thương về tình hình mua bán, kinh doanh sau khi chợ được hoạt động trở lại. Đặc biệt, lưu ý đến việc đảm bảo nguồn cung ứng lương thực thực phẩm, giá cả, động viên thương nhân thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong thời gian buôn bán tại chợ.

Ghi nhận tại chợ An Đông (quận 5), đa số các tiểu thương đều niêm yết giá bán các mặt hàng trên các quầy kệ để khách hàng dễ dàng, thuận tiện trong quá trình mua sắm.

Đại diện Ban Quản lý chợ An Đông cho biết, từ ngày 17/7, chợ được hoạt động trở lại, tuy nhiên chỉ có 15 - 20 sạp, trên tổng số gần 180 sạp kinh doanh với các mặt hàng bày bán là rau xanh, củ, quả, thịt, cá…

Nguyên do là nhiều tiểu thương đang ở các tỉnh thành khác nên không thể trở lại trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và một số tiểu thương khác thì nằm trong khu vực phong tỏa nên số lượng người bán còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy sản tại chợ An Đông (quận 5) chia sẻ cùng đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy sản tại chợ An Đông (quận 5) chia sẻ cùng đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Là một trong những người kinh doanh nhiều năm liền mặt hàng thủy sản tại chợ An Đông, bà Nguyễn Thị Thoa cho biết, khi các chợ đầu mối tại TP.HCM tạm đóng cửa để phòng dịch Covid-19, bà chuyển sang nhập hải sản ở Vũng Tàu, tuy nhiên hiện nay việc vận chuyển hàng từ các tỉnh lên TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn.

“Giá cả không chênh lệch nhiều so với trước dịch, tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg thôi. Nguyên nhân tăng giá là do tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, trong khi đó, giấy này chỉ hiệu lực trong vòng 24 giờ lại phải test lại. Chi phí xét nghiệm cộng vào khâu vận chuyển là nguyên nhân khiến giá thành thực phẩm có phần tăng hơn trước”, bà Thoa chia sẻ.

Còn tại chợ Bình Thới (quận 11), có 240 hộ kinh doanh được chia theo ngày chẵn lẻ, đảm bảo mỗi ngày số người tập trung tại chợ không quá đông. Ghi nhận tại chợ, rau củ quả, trái cây, thịt cá được tiểu thương nhập về khá phong phú. Tại các quầy hàng đều được tiểu thương làm vách ngăn bằng nilong để đảm bảo khoảng cách cũng như an toàn trong phòng dịch cho người bán và người mua, cũng như an toàn giữa các tiểu thương với nhau.

Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, chợ Bình Thới mở cửa trở lại từ ngày 9/7 để phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân, trong đó các biện pháp kiểm soát phòng dịch được địa phương, ban quản lý chợ giám sát chặt chẽ hơn.

“Người dân trên địa bàn được phát thẻ đi chợ theo ngày hoặc đặt lịch đi chợ tự động qua tổng đài khi có nhu cầu để đăng ký thời gian chính xác đến chợ. Sau đó, tổng đài sẽ gửi tin nhắn cho người dân theo lịch đăng ký, nhắc nhở người dân trước giờ đi chợ 30 phút. Người dân khi đến chợ chỉ cần đưa điện thoại có tin nhắn, hoặc chứng minh nhân dân đối chiếu với thẻ đi chợ, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang là được vào chợ mua sắm”, ông Tùng cho hay.

Thăm hỏi tiểu thương kinh doanh thịt theo tại chợ Bình Thới (quận 11). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thăm hỏi tiểu thương kinh doanh thịt theo tại chợ Bình Thới (quận 11). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau khi kiểm tra tại các chợ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, nhìn chung nguồn cung hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho người dân tại các chợ đã đảm bảo; tuy nhiên một số mặt hàng, có giá khá cao so bình thường. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm chưa đủ để cung ứng cho người dân.

“Về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với TP.HCM, nhất là Sở Công thương TP.HCM để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý nhất trong tình hình hiện nay để cung ứng cho người dân TP.HCM”, ông Hải thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao nỗ lực của chính quyền TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM cũng như ban quản lý các chợ trong việc đảm bảo hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương mong muốn lãnh đạo TP.HCM, các sở ban ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp tạo điều kiện thêm cho các chợ truyền thống, chợ đầu mối sớm được hoạt động trở lại, giảm áp lực đối với hệ thống siêu thị hiện đại, cũng như một số trợ truyền thống đang mở hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với hàng hóa thiết yếu thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Hải, nhu cầu mua sắm, giao dịch tại 3 chợ đầu mối và các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 70%. Còn lại 30% là ở các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi.

“Ba chợ đầu mối của TP.HCM không chỉ cung cấp hàng hóa cho TP.HCM mà còn cung cấp cho các địa phương khác. Do đó, nếu đóng các chợ đầu mối và chợ dân sinh sẽ gây áp lực lên hệ thống siêu thị hiện đại, không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến đến việc cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM nghiên cứu để mở thêm một số chợ truyền thống và cả chợ đầu mối”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói.

Các tiểu thương niêm yết giá các mặt hàng chi tiết để người dân thuận tiện mua bán. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các tiểu thương niêm yết giá các mặt hàng chi tiết để người dân thuận tiện mua bán. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Hải, chỉ có chợ đầu mối mới có các kho để trữ được lượng hàng từ các tỉnh đưa về, nếu đóng các chợ đầu mối này thì phải tìm kho trung chuyển đảm bảo phòng dịch như hiện này cũng là một khó khăn.

“TP.HCM đang là vùng có dịch, muốn mở cửa hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền về biện pháp phòng dịch. Chúng ta có thể tính đến phương án buôn bán giãn cách theo từng ngày, luân phiên bán hàng. Cần sớm mở thêm càng nhiều chợ càng tốt trong thời gian sớm nhất, để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thành vào TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh thành với TP.HCM và ngược lại.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa phương áp dụng không đồng nhất, chưa tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ, cũng như của các Bộ ngành liên quan.

“Về việc này, chúng tôi có các buổi làm việc với các bộ ngành liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Y tế và các địa phương để sớm nhất có thể tháo gỡ các khó khăn cho công tác vận chuyển hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của người dân TP.HCM và các tỉnh thành liên quan, đặc biệt là 19 tỉnh thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16”, ông Hải thông tin.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.