| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 16/07/2024 , 06:32 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 06:32 - 16/07/2024

Mất mùa ngay từ trên bờ

Sau Phú Thọ, Hải Dương, mới đây, tại huyện nghèo Mù Cang Chải (Yên Bái), nhiều hộ nông dân lại khốn khổ vì những cánh đồng lúa 'trẻ mãi không già', không trổ bông, kết thực!

Đọc thông tin, tôi không chỉ xót xa, mà còn phẫn nộ!

Những ruộng lúa “trẻ mãi không già” là cách nói về những giống lúa không vào hạt, bao nhiêu dưỡng chất chỉ vào hết thân và lá. Nếu có trổ đòng, ra bông thì cũng chỉ là những hạt lem lép…

Đó là hậu quả mà nhiều nông dân đang phải hứng chịu từ việc mua giống lúa không có nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, người mua không biết mặt người bán. Ác một cái, nghề nông, thành quả ra sao phải đợi đúng thời vụ, đủ vòng đời sinh trưởng ba bốn tháng sau mới có thể biết được mặt hoa, mặt quả. Với cây lúa, càng phải đợi kết quả thực tế.

Giữa tháng 6, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Vân chia sẻ câu chuyện về trường hợp 2 nông dân ở thành phố Chí Linh (Hải Dương) quê ông cấy 9 sào lúa mà “không ra hoa kết quả”. Ông đã phải tận mục sở thị, ra tận cánh đồng thị sát tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

Dưới con mắt chuyên gia, kỹ sư Nguyễn Hữu Vân nhận định: “Khu ruộng lúa của anh Lực lại có màu xanh như ruộng cói, đứng thẳng chọc trời; cây lúa khóm rõ to, nở bụi nhưng chỉ những dảnh cái là có bông, bông dài đến hơn gang tay mà chẳng kết thực, còn nhiều dảnh trên cùng một khóm thì bóc ra mãi chẳng thấy đòng đâu”.

Không chỉ xót tiền của bỏ ra mua lúa giống (100 ngàn đồng/kg), mà thời gian chăm sóc, chờ đợi… mới là điều đáng nói. Cực chẳng đã, anh Dân (chủ ruộng lúa trẻ mãi không già) phải mang máy ra lồng ruộng, phá bỏ 9 sào lúa để lấy mặt bằng cho kịp vụ tới.

Ngày 4/7 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố 7 đối tượng trú tại huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) về hành vi lừa bán giống lúa không có thật (VST-899) trên mạng xã hội. Thủ đoạn của chúng là lấy thóc thu hoạch của gia đình, mua thêm các loại thóc giá rẻ rồi đóng thành các túi nhỏ (1kg), đặt in nhãn mác giống lúa VST-899 dán lên bao bì. Tiếp đó, các đối tượng lấy các hình ảnh, video trên mạng sau đó chạy quảng cáo trên các trang facebook để tiếp cận nhiều người.

Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã bán và giao 23.000 đơn hàng, chiếm đoạt số tiền 7,8 tỷ đồng.

23.000 đơn hàng, nếu mỗi đơn hàng là 1kg thóc giống “giả”, sẽ có 23 tấn thóc giống chất lượng không đảm bảo sẽ được gieo cấy trên những cánh đồng, đồng nghĩa với rất nhiều rất nhiều hec-ta lúa giả nói trên sẽ không có hạt, “trẻ mãi không già” như nhiều trường hợp đã gặp phải; và hàng ngàn hộ nông dân thất thu, mất mùa ngay từ khi còn trên đầu bờ.

Sự vào cuộc khẩn trương, kịp thời của cơ quan Công an tỉnh Thái Bình đã góp phần ngăn chặn các đối tượng trên không tiếp tục lừa đảo người nông dân, từ đó nhiều người khác may mắn không trở thành nạn nhân của chúng.

Tuy nhiên, đó chỉ là việc giải quyết sự vụ đã rồi. Điều mà bà con nông dân cần tỉnh táo, tự rút ra bài học, đó là phải tìm hiểu kỹ khi chọn giống, mua giống…, bởi không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ cả một vụ mùa.

Người nông dân vốn đã yếm thế, nghề nông vốn đã cực nhọc, phải lao lực và chờ đợi nhiều ngày tháng mới có thành quả. Chỉ vì một cái tặc lưỡi “mua trên mạng cho tiện” mà bán rẻ cả vụ mùa, mua về sự bực bội và cầm trong tay thất bát ngay khi còn trên bờ, thì thật không đáng đánh đổi!