| Hotline: 0983.970.780

Màu xanh phủ trên cánh đồng bùn đá

Thứ Sáu 06/12/2024 , 14:16 (GMT+7)

Lào Cai Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng những người dân vùng cao huyện Bát Xát (Lào Cai) vẫn tin rằng có thể 'biến sỏi đá thành cơm', phục hồi đất canh tác sau mưa lũ.

Một người đân xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) đi xe máy trên phần đất trước đây là ruộng lúa. Ảnh: Hải Đăng.

Một người đân xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) đi xe máy trên phần đất trước đây là ruộng lúa. Ảnh: Hải Đăng.

Quyết tâm hồi sinh cánh đồng đá 

Đợt mưa lũ sau bão số 3, chỉ sau một đêm, những ruộng lúa xanh mướt ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) bỗng nhiên hóa đá. Không biết bao nhiêu khối đá lớn nhỏ bị lũ đưa về từ đâu, lấp đầy những mảnh ruộng. Cánh đồng màu mỡ nuôi sống bà con từ bao đời cứ ngỡ như chưa từng tồn tại.

Ông Sùng A Rùa, Bí thư Chi bộ thôn Nà Lặc (xã Trịnh Tường) cho hay, từ đời ông bà đã khai hoang những cánh đồng nơi đây để nuôi sống gia đình. Giờ cây ngô, cây lúa cũng không còn chỗ để trồng vì cánh đồng toàn đá là đá. 

Từ trên cao, có thể quan sát rõ hơn cánh đồng ven suối Nà Lặc trải dài nhiều cây số chỉ một màu trắng xóa của đá. So với mặt ruộng cũ, lớp đá lổn nhổn đổ lên dày tới cả mét. Chỉ riêng việc đi lại qua cánh đồng đá đã đủ thấy khó khăn thì việc khôi phục đất canh tác không biết sẽ gian nan nhường nào. 

“Suối, ruộng bị lấp đầy đất đá, muốn khôi phục lại như ban đầu sẽ rất tốn kém, sức người không thể làm nổi mà phải sử dụng máy móc. Có thể xếp, quây đá rồi đổ đất lên để cấy trở lại nhưng làm vậy cũng mất rất nhiều thời gian công sức. Song khó đến mấy cũng không thể khuất phục được ý chí bà con đâu", ông Sùng A Rùa nói.

Chính quyền địa phương hiện đã khảo sát cánh đồng suối Nà Lặc và xác định đất đá, cát sỏi bồi lấp với khối lượng lớn, khoảng 1 triệu mét khối. Từ mặt suối, có những vị trí đất đá vùi lấp cao tới 3 - 4m, cao hơn cả nền đường, phá hủy nhiều căn nhà kiên cố của người dân. Khoảng 50ha đất canh tác quanh suối Nà Lạc đã bị bồi lấp, rất khó khôi phục trạng thái ban đầu… Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề… để người dân ổn định cuộc sống. 

Cánh đồng ven suối Nà Lặc (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) chỉ còn đá và cát. Ảnh: Hải Đăng.

Cánh đồng ven suối Nà Lặc (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) chỉ còn đá và cát. Ảnh: Hải Đăng.

Theo ông Nguyễn Thế Tài, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, trước mắt sẽ khảo sát đánh giá chất lượng khoáng sản tại bãi bồi tụ có đảm bảo tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng hay không. Sau đó đề xuất bổ sung quy hoạch khoáng sản đối với phần diện tích này để khai thác theo quy định của pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc thu gom khai thác khoáng sản cũng sẽ khôi phục được một phần diện tích để người dân cải tạo đất, canh tác trở lại. Trước mắt, căn cứ thiệt hại sản xuất nông nghiệp để có hỗ trợ cho người dân…

Xanh lại cánh đồng bị vùi lấp

Xã Quang Kim, một trong những vùng rau màu của huyện Bát Xát chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng mưa lũ sau bão số 3, gây ngập diện rộng. Sau khi nước rút, cát bồi lấp dày lên diện tích canh tác cũ. Không ngại khó, người dân khôi phục để gieo trồng ngay gần 30ha ngô. Chưa kịp bén rễ, ngô mới trồng lại bị lũ nhấn chìm. Công sức của bà con đổ sông, đổ bể. 

Hiện bà con đang tiếp tục tập trung sản xuất rau vụ đông. Thế nhưng, khó khăn là lớp đất mặt màu mỡ đã bị nước cuốn trôi, buộc phải cải tạo đất mới để khôi phục sản xuất. 

Ông Đỗ Văn Nguyên ở thôn An Thành (xã Quang Kim) có khoảng 1ha đất sản xuất nhưng nay đã bị lớp đất tạp pha cát bồi lấp dày tới cả mét. Gia đình ông đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mua phân bón về rải, cải tạo lớp đất mới. Ước tính chi phí sản xuất tăng gấp 3 - 4 lần, song nếu không làm ngay thì kế sinh nhai cũng không còn. Chưa kể, nếu hoang hóa thì đất cũng vì thế bạc màu theo năm tháng.

"Cát phủ hết lên đất thịt cũ, muốn trồng lại phải bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho đất nhưng tốn kém quá. Chắc chắn không thể có lãi vụ này, nhưng lâu dài vẫn phải làm mới ổn định được", ông Đỗ Văn Nguyên chia sẻ. 

Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân xã Quang Kim chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Hải Đăng.

Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn người dân xã Quang Kim chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Hải Đăng.

Dù đối diện với rất nhiều khó khăn, chính quyền địa phương cùng người dân hiện đang tích cực chung tay tái thiết sản xuất, trước mắt là hỗ trợ cây, con giống cho bà con. Tới nay, hơn 10ha khoai tây đã được trồng lại trên diện tích bị ngập lụt của xã Quang Kim.

Theo ông Sý Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát, cây ngô hiện đã hết thời vụ sản xuất vụ đông nên bà con tập trung vào nhóm cây vụ đông ưa lạnh như cây khoai tây và rau. Một số sản phẩm đã được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra trong lúc khó khăn này.

"35kg hạt giống được hỗ trợ đã được gieo trồng tập trung vì nhiều hộ chỉ có vài trăm mét vuông, trong khi định mức 1ha chỉ gieo 2,7 lạng hạt giống. Những nơi được doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm được hỗ trợ hạt giống trên cơ sở liên kết giữa xã, người dân và doanh nghiệp để tránh tình trạng thất thoát, lãng phí hạt giống", ông Sý Trung Kiên nói.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện quán triệt tới người dân kỹ thuật canh tác sao cho đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp đề ra. 

Biến đất cằn thành vùng rau xuất khẩu

Ông Trần Quang Quản ở xã Y Tý, huyện Bát Xát canh tác bắp cải, su hào, súp lơ… trên diện tích 20ha dưới chân núi Lảo Thẩn. Trước đây, vùng đất này hoang hóa, mùa đông giá rét, tuyết rơi nên đất để không. Từ tình yêu với mảnh đất này, ông quyết định rời thành phố lên Y Tý sinh sống, biến đất thành “vàng xanh".

Sau hơn 20 năm cần mẫn cải tạo đất để canh tác, ông đã trồng được những loại rau màu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Gần đây, sau khi xã Y Tý được quy hoạch, giá đất ở đây tăng vọt, mảnh đất 20ha bỗng có giá trị hàng chục tỷ đồng. Song ông Quản vẫn quyết giữ để trồng rau

Cánh đồng bắp cải vụ đông của người dân Y Tý. Ảnh: H.Đ.

Cánh đồng bắp cải vụ đông của người dân Y Tý. Ảnh: H.Đ.

“Có nhiều người bảo bán nhưng tôi không nghe. Nông sản mình đang bị tác động lớn bởi hàng Trung Quốc sang. Còn đất của mình đồi núi trùng điệp, canh tác không đưa máy móc vào được nên phải làm theo thủ công, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, mình phải làm gì đó để thay đổi”, ông Quản tâm sự.

Cũng theo ông Quản, muốn phát triển nông nghiệp ở địa bàn có khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù này, phải tìm được cây trồng phù hợp, giữ được môi trường sinh thái trong lành, không dùng thuốc hóa học. Ở vùng cao như Y Tý khí hậu mát mẻ, mùa đông lạnh sâu kéo dài nên côn trùng, sâu bệnh hại ít nên rất có lợi thế trồng rau trái vụ. Hiện bắp cải, cải thảo đã được ông bán khắp nơi từ Bắc vào Nam. Riêng bắp cải đã có những đơn hàng từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)…

Tuy nhiên, khó khăn để phát triển sản xuất rau màu ở Y Tý hiện nay không chỉ do mưa lũ đã phú hủy, bào mòn dinh dưỡng đất mà còn phá hỏng cả đường sá. Sau bão số 3, hạ tầng giao thông hỏng, đường sá đi lại hết sức khó khăn khiến việc vận tải nông sản bị đội chi phí… Chính vì vậy, người dân mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có như vậy các loại rau màu mới có thể sản xuất được thường xuyên, cho thu nhập cao hơn nhiều lần cây lúa, ngô.

Khi thay đổi thói quen canh tác, từ tự cung tự cấp sang trồng rau quy mô lớn, quy mô hàng hóa và có thu nhập cao, người dân sẽ cải thiện điều kiện sống, thu hẹp khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa và miền xuôi. 

Ước tổng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Bát Xát khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện Bát Xát đang tập trung ổn định cuộc sống của các hộ bị ảnh hưởng thiên tai, khôi phục sản xuất, sửa chữa công trình thủy lợi, đường giao thông để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Xem thêm
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

NGHỆ AN Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.