Từ đó đến nay, không ai nhìn thấy Valentich và cũng không ai có lời giải thích cho sự việc kỳ lạ.
Frederick Valentich trước thời điểm mất tích. Ảnh: News.com.au. |
“Nó đang lượn lờ bên trên và đó không phải một chiếc máy bay”. Đây là những lời cuối cùng mà Frederick Valentich nói trước khi bộ đàm của anh bị cắt và Valentich, cùng chiếc máy bay anh lái, biến mất không để lại bất kỳ dấu vết nào, theo News.com.au.
Ngày 21/10/1978, chàng trai 20 tuổi Valentich thuê một chiếc máy bay một động cơ tại phi trường Moorabbin, bang Victoria, Australia. Anh lên kế hoạch bay thẳng tới đảo King thuộc bang Tasmania để thưởng thức hải sản. Tuy nhiên, mọi thứ đột ngột chuyến biến theo chiều hướng tồi tệ: Valentich phát hiện bị bám đuôi.
Đã 4 thập kỷ trôi qua kể từ ngày Valentich mất tích trên eo biển Bass. Suốt những năm qua, không ai có thể đưa ra lời giải thích đủ hợp lý trả lời cho câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với chàng phi công trẻ tuổi. Manh mối duy nhất Valentich để lại chỉ là một đoạn đối thoại ngắn ngủi qua bộ đàm giữa anh với nhân viên kiểm soát không lưu Melbourne Steve Robey.
Vào khoảng 19h, Valentich liên lạc với trạm kiểm soát không lưu để hỏi liệu có máy bay nào xuất hiện trong khu vực không bởi “một thứ gì đó” vừa lướt qua trên đầu anh. Robey thông báo với Valentich rằng “không có chuyến bay nào được xác định” và yêu cầu Valentich cung cấp thông tin về loại máy bay anh vừa gặp.
“Tôi không dám chắc. Nó có 4 đốm sáng, tôi nghĩ nó là đèn báo đáp. Chiếc máy bay vừa lướt qua phía trên đầu tôi, chỉ cách khoảng 300 mét”, Valentich trả lời.
Cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra và câu chuyện càng trở nên đáng sợ hơn khi Valentich báo về rằng chiếc máy bay bí ẩn đang “chơi đùa” với anh.
“Dường như anh ta đang muốn chơi một trò gì đấy”, Valentich nói. “Anh ta bay qua đầu tôi hai, ba lần. Với tốc độ như vậy, tôi không thể xác định rõ ràng”.
Nhân viên kiểm soát không lưu cố gắng thu thập thêm nhanh nhất có thể thông tin nhằm tìm ra rút cục “vật thể” kia là gì. Valentich miêu tả nó khá dài, bằng kim loại và có một đèn màu xanh. Đôi lúc, nó vụt biến mất rồi bất ngờ xuất hiện trở lại.
Những lời cuối cùng Valentich nhắn về đến giờ vẫn gây hoang mang đối với không ít người. Anh nói: “Nó lơ lửng, lượn lờ bên trên và nó không phải máy bay”. Tiếp đó là một khoảng không yên lặng kéo dài 17 giây trước khi tín hiệu bị ngắt hoàn toàn, không thể kết nối trở lại.
Một cuộc tìm kiếm quy mô đã được triển khai tại vùng biển nơi Valentich mất tích cũng như xung quanh khu vực, song nhà chức trách không phát hiện bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào. Không có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay của Valentich đã rơi.
Vụ việc thu hút chú ý trên toàn cầu và làm dấy lên nhiều thuyết âm mưu, trong đó giả thuyết phổ biến nhất là Valentich đã bị một vật thể bay không xác định (UFO) ngoài hành tinh bắt cóc. Số khác kết luận rằng Valentich làm giả cái chết của chính mình để bỏ trốn hoặc thực tế, chiếc phi cơ anh điều khiển đã bị lật ngửa và những ánh đèn Valentich nhìn thấy chỉ là đèn máy bay phản chiếu trên mặt biển trước thời điểm nó lao xuống nước.
Tấm bảng ghi dấu vụ mất tích bí ẩn của Valentich được đặt tại ngọn hải đăng Otway, bang Victoria. Ảnh: News.com.au. |
Sau khi sự việc được đưa tin rộng rãi, không ít người tự hỏi vì sao một phi công trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, lại muốn tự mình bay tới hòn đảo. Valentich đã bảo với cha anh muốn tới đảo King để bắt tôm nhưng lại nói với cơ quan phụ trách hàng không rằng anh đến để đón vài người bạn. Điều gây hoài nghi hơn nữa là mục đích của Valentich khi người ta phát hiện ra anh không thông báo cho sân bay đảo King về thời gian hạ cánh.
Một sự trùng hợp đáng lo ngại khác là cơ quan điều tra phát hiện Valentich bị ám ảnh bởi UFO và đã xem vô số bộ phim cũng như thu thập hàng nghìn tài liệu, bài viết về chủ đề này.
Không lâu sau khi Valentich biến mất, Guido, cha anh, trả lời phóng viên rằng ông chắc chắn con trai mình vẫn sống và khẳng định anh bị UFO bắt cóc. “Tôi chỉ lo nó được thả ra ở một khu vực khác, rất xa nơi nó bị bắt”, ông nói.
Đến giờ, tất cả những gì còn lại liên quan đến chuyến bay nổi tiếng của Frederick Valentich chỉ là một tấm bảng lưu niệm tưởng nhớ anh tại ngọn hải đăng Otway, phía nam bang Victoria.