| Hotline: 0983.970.780

Máy lên đồng chè

Thứ Năm 02/08/2012 , 13:52 (GMT+7)

Sau 2 năm đưa máy cải tạo, thu hái tập trung trên cánh đồng chè hơn 50 ha ở địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), Cty CP chè Minh Rồng đã có bước đột phá về chất lượng...

Sau 2 năm đưa máy cải tạo, thu hái tập trung trên cánh đồng chè hơn 50 ha ở địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), Cty CP chè Minh Rồng đã có bước đột phá về chất lượng chè, thu lợi nhuận khá.

Theo khảo sát của Cty Minh Rồng, hàng năm đồng chè 50 ha của Cty (được chứng nhận đủ điều kiện SX, sơ chế an toàn) luôn cần hàng trăm nhân công thu hái chè bằng tay, phải trả chi phí chiếm 32-33% tổng doanh thu SX-KD. Tính đến thời điểm tháng 7/2012, đơn giá công hái chè từ 1.000-1.100 đ/kg với các giống địa phương TB14, LDP1; từ 3.500-3.700 đ/kg với các giống nhập từ Đài Loan như Kim Tuyên, Tứ Quý…

Nếu gặp thời điểm vào mùa thu hái cà phê thì đơn giá này có thể tăng thêm hàng chục phần trăm. Từ tháng 7/2010, Cty Minh Rồng đã nhập khẩu 16 chiếc máy đốn, sửa tán, hái chè được trích từ nguồn vốn ngân sách sự nghiệp khoa học của Nhà nước hỗ trợ (1,9 tỷ đồng) cộng nguồn vốn đối ứng của Cty và các hộ nhận khoán (2,6 tỷ).

Trước đó, trên đồng chè 50 ha, giống địa phương TB14 và LDP1 (giao khoán cho 69 hộ dân) chỉ có các loại máy phục vụ SX như máy bơm nước, phun thuốc, cắt cỏ… Trong khi tuổi của vườn chè còn khá trẻ, chỉ chiếm hơn 11% diện tích trên 10 tuổi; gần 89% diện tích còn lại đang ở độ tuổi 7-10.

Ông Nguyễn Hữu Giảng, Phó GĐ Cty Minh Rồng cho biết: “Toàn bộ diện tích chè cành TB14, LDP1 nằm trên địa hình đất bằng phẳng của Cty đã giao khoán cho 69 hộ dân. Khi lần đầu đưa máy cải tạo, thu hái chè về sử dụng thay cho lao động tay chân, không chỉ hướng dẫn cho người SX biết cách vận hành từng chiếc máy, mà còn phải đầu tư cải tạo, chăm sóc theo quy trình mới”.

Theo đó, trên từng hàng chè đang phát triển với chiều dài trên 100 m thì cứ 50 m cắt bớt 2 cây, tạo thêm đường thông ngang qua từng lô để thuận lợi cho việc đốn sửa, thu hái bằng máy. Độ cao vết hái lần đầu tiên phải đạt từ 4-5 cm so với vết đốn sửa mặt tán để tăng diện tích lá dưỡng trên mặt tán.

Trước khi hái bằng máy từ 7-8 ngày, nên hái bằng tay những búp chè vượt còn sót lại ở hai biên tán chè. Với phân bón hữu cơ sinh học được bón theo chuẩn quy định sử dụng 5.000 kg/ha, bón liều lượng đạm, lân, kali với các tỷ lệ lần lượt là 3, 1 và 1. Bón phân trung vi lượng với lượng 150 kg/ha/năm. Cách bón phân tiến hành vào đầu mùa mưa hoặc sau từ 10-30 ngày thu hái và đốn sửa mặt tán...

Hiện 1 chiếc máy đốn sửa, tạo tán, thu hái chè nhập mới từ Nhật về, tùy theo các loại máy lớn nhỏ, giá mua từ 15-30 triệu đồng. Đây là khoản tiền không quá khó đối với nông dân, nếu mạnh dạn chuyển đổi SX, chăm sóc chè bằng phương pháp thủ công sang ứng dụng máy chuyên dùng như của Cty Minh Rồng.

Kết quả chăm sóc, thu hái chè búp tươi bằng máy trên 50 ha chè cành theo quy trình mới của Cty Minh Rồng cho thấy, thời gian thu hái mỗi lứa từ 45-50 ngày. Cụ thể 6 tháng cuối năm 2010, thu hái 3 lứa với năng suất mỗi ha đạt gần 9,5 tấn. Năm 2011, thu hái từ 6-7 lứa, đạt năng suất gần 22,8 tấn/ha. 6 tháng đầu năm 2012, thu hái 3-4 lứa, đạt năng suất gần 12 tấn/ha. Năng suất hái chè mỗi ngày 8 giờ đối với máy hái đơn (2-3 người sử dụng) đạt từ 340-360 kg; đối với máy hái đôi (từ 4- 5 người sử dụng) đạt từ 500-550 kg.

So sánh ban đầu với 1 chiếc máy hái chè đơn hoặc máy hái chè đôi đôi, đạt công suất bằng 15-20 người hái bằng tay. Ước tính trung bình trên 1 ha chè cành SX theo quy trình mới, có trang bị máy móc đốn sửa, thu hái, đạt lợi nhuận gần 43 triệu đ/năm, tăng hơn 35% so với phương pháp SX thủ công.

“Quá trình sử dụng máy để thu hái chè, một phần sâu bệnh hại được đưa ra khỏi vườn, giảm đáng kể số lần chi phí mua thuốc trừ sâu, mức độ an toàn của sản phẩm cao hơn…”, ông Giảng nói. Được biết từ nay đến cuối năm 2012, Cty này tiếp tục đưa máy về SX theo quy trình mới trên 40 ha. Rất nhiều hộ nông dân ở Bảo Lâm, Bảo Lộc đến tìm hiểu quy trình và luôn được Cty tích cực hướng dẫn.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.