Ấy vậy mà, có một người phụ nữ từ hơn 30 năm nay âm thầm chăm sóc, đưa họ trở lại cuộc sống đúng nghĩa.
Xua tan bóng tối
Trong lần về xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai công tác, tôi tình cờ gặp người phụ nữ bị bệnh phong đang đi chợ. Tôi khá ngạc nhiên, bởi bệnh phong thường bị mọi người xa lánh, sợ hãi. Ghé lại hỏi thăm, bà cười tươi và tự tin nói với tôi: “Già ở làng phong của mẹ Siu”.
“Mẹ Siu” mà người bệnh phong nhắc đến là bà Siu Jeb, người J’rai, năm nay 61 tuổi. Người trọn đời gắn bó với làng phong và bệnh nhân phong. Gặp tôi, bà nở nụ cười đôn hậu, bảo: “Chuyện ta chăm sóc người bệnh phong bình thường mà, có gì lớn lao đâu mà nói chứ. Ta không làm việc ni sẽ có người khác làm thôi mà”.
Mỗi ngày, bà Siu Jeb (trái) đều dành thời gian thăm hỏi, tâm sự với những bệnh nhân phong |
Cách đây 32 năm, cụ thân sinh của bà, ông Siu Proi bất ngờ phát hiện mình bị bệnh phong. Không lâu sau đó, dân làng bắt đầu xa lánh gia đình bà. Sau đó, thêm vài người nữa bị. Biết không thể sống chung với dân làng được nữa, ông Siu Proi dắt vợ con và những người bệnh phong khác đến một vùng cách xa làng để ở. Không lâu sau đó, những ngôi nhà của người bệnh phong mọc lên ngày một nhiều. Làng phong ra đời từ đó.
“Khi đó, người ta chỉ gọi đây là làng phong thôi chứ chưa có tên như bây giờ. Mà lúc đó, làng buồn lắm, không khí ảm đạm, bao trùm lên làng là mùi tanh lợm. Chỉ có những người bệnh chơi với nhau. Chẳng ai dám đến gần. Căn bệnh hành hạ, từng mảng thịt người bệnh bong tróc, lở loét, tứ chi cụt dần”, bà Siu nhớ lại.
Giữa lúc đó, "mẹ Siu" xuất hiện, gần gũi, chăm sóc, tắm rửa, lau chùi, băng bó vết thuơng cho người bệnh phong. Những người cụt chân, cụt tay hạn chế sinh hoạt, bà giúp họ làm mọi việc trong gia đình như gánh nước, chặt củi, nấu ăn. Giúp trẻ em cắt tóc, gội đầu, rồi dạy chữ cho chúng. Bà đi khắp nơi, xin áo quần về phân phát. Những chiếc rách quá, bà tỷ mẩn ngồi vá lại lành lặn.
“Coi vậy chứ giúp họ cũng không dễ, vì họ vốn có sẵn sự mặc cảm. Ban đầu, họ không cho đến gần, ta phải động viên, cùng ăn, cùng ở với họ, mặc chung quần áo với họ. Ta chăm bố ta thế nào thì chăm họ như thế. Trong làng hàn gắn giữa người bệnh với người lành đã khó, giờ vượt ra làng bên khó khăn càng gấp bội. Con cháu của bệnh nhân phong, hễ đi học là người ta né tránh vì sợ lây. Làng này đuổi, làng kia xua với những từ ngữ miệt thị: “Con làng phong không được học ở đây”. Tụi nhỏ đứa nào cũng buồn, nhìn thương lắm”, bà Siu Jeb kể.
|
Những bệnh nhân phong bảo rằng, nếu không có Siu Jeb thì họ không còn tồn tại |
Quyết không để những đứa trẻ làng phong mù chữ, bà về dựng lều, quây bạt, tập trung những đứa trẻ lại dạy chữ cho chúng. Đó là năm 1989, lớp học có lúc lên đến 70 em, bà Siu Jeb “kiêm” thêm nghề giáo từ đó. Năm 1990, có nhóm từ thiện biết chuyện, quyên góp tiền xây cho một căn nhà với 2 phòng học mang tên “Điểm trường tình thương”.
Từ ngày có bà Siu, những bệnh nhân phong vui hẳn lên. Người trong làng dần gắn kết, đùm bọc nhau. Bóng tối đã bị xua tan. Những mầm sống trỗi dậy, biệt hiệu làng phong biến mất. Thay vào đó là cái tên rất đẹp: Bluk Blui.
Hồi sinh những phận đời
Bà Rơ Chăm Cir bị phong "ăn" mất 10 ngón chân, đau hơn bà phát bệnh lúc tuổi thiếu nữ, bị dân làng đuổi ra khu nhà ma. Người làng muốn Cir chết đi, để khỏi lây bệnh. Cha mẹ Cir thương con, đem cơm ra nhà ma cho ăn nhưng không dám đến gần mà để thức ăn cách đó khá xa, rồi lấy ống tre ra gõ, báo hiệu có thức ăn để Cir đến lấy. Cir đau khổ, không muốn sống nữa. Đúng lúc đó thì bà Siu Jeb xuất hiện, mang Cir trở về với cuộc sống đúng nghĩa.
Còn bệnh nhân phong Rơ Chăm C'Mlo, là một nghệ nhân của làng phong. Ông đan gùi rất nhanh, rất đẹp, dù bàn tay bị bệnh phong “ăn” mất mấy ngón. Đôi bàn tay thiếu ngón thoăn thoắt chẻ tre, tách lạt, luồn dây gùi. Gùi làm xong ông phát cho người phong sử dụng, nhiều quá thì đem bán lấy tiền.
Sau khi bố mẹ qua đời, chị Rơ Chăm Pyoi bị con cháu bỏ rơi trong tình trạng thân thể lở loét, rướm máu. Trong cơn tuyệt vọng, chị được bàn tay bà Siu Jeb chìa ra. Về làng phong Bluk Blui, chị được dân làng đùm bọc, được bà Siu Jeb vỗ về, an ủi, chị Pyoi nhanh chóng hòa nhập. Tại làng phong, chị tìm được một nửa yêu thương của mình. Chồng chị là anh Krong, một bệnh nhân phong trong làng.
Mỗi ngày bà Siu đạp xe hàng chục cây số đi chăm sóc những bệnh nhân phong |
Tính đến nay, làng phong Bluk Blui có hơn 70 người bệnh, tất cả đều từng bị bỏ rơi, được bà Siu mang về chăm sóc. “Có 20 người sau khi được chăm sóc, điều trị, gia đình, người thân, con cháu đến nhận về, tái hòa nhập cộng đồng. Bây giờ con cháu làng phong đi qua làng bên hỏi vợ, cưới chồng bình thường. Hiện làng phong có 145 hộ với trên 500 nhân khẩu”.
Dẫn tôi ra điểm trường Làng Bluk Blui, Trường tiểu học số 2 Ia Ka, “Điểm trường tình thương” năm xưa, 40 em nhỏ mầm non, con cháu người bệnh phong đang chăm chú học. Cô giáo tên Siu Phưl, là em ruột bà Siu Jeb, tâm sự, vì thương tụi nhỏ, cô dạy học miễn phí cho các em, sau chính quyền huyện, xã quan tâm cho đi đào tạo chuyên ngành, tuyển thẳng vào nghề giáo.
“Đã 3 thế hệ lớn lên ở làng phong này. Sự kỳ thị đã chính thức lùi vào dĩ vãng. Bây giờ người ta bàn chuyện làm ăn, buôn bán, làm nương làm rẫy... làm giàu”, bà Siu Jeb nói.
Nhìn bà Siu Jeb liêu xiêu trên chiếc xe đạp, thật khó tin người phụ nữ nhỏ nhắn ấy lại có nghị lực phi thường và tấm lòng nhân hậu bao la nhường ấy.
“Cuộc sống của làng phong được như hôm nay là nhờ bà Siu Jeb. Nhờ có bà mà người dân hiểu và không xa lánh người bệnh. Hiện nay, chúng tôi cũng hỗ trợ làng phong, chia sẻ gánh nặng với bà Siu bằng cách mỗi tháng anh em cán bộ, nhân viên trong xã mỗi khi có lương lại bớt ra vài chục ngàn bỏ vào thùng từ thiện, sau đó mua gạo, mắm muối đem vào làng phong cho bà con”, ông Ksor Sum, Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai. |