| Hotline: 0983.970.780

Miền Bắc chìm trong rét buốt, nhiều nơi 'căng mình' phòng chống gia súc chết

Thứ Tư 20/12/2017 , 08:25 (GMT+7)

Mưa rét đang bao trùm miền Bắc. Tuyết phủ kín đỉnh Fansipan. Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ những năm trước, người dân đã biết tự bảo vệ SX, nên đàn gia súc tuy có chết nhưng không nhiều.

Đặc biệt ở Yên Bái, hầu như chưa có trâu, bò chết rét...

Đêm 18/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường tại tỉnh Lào Cai. Nền nhiệt nhiều nơi giảm thấp hơn nữa. Lúc 7 giờ sáng ngày 19/12, các trạm khí tượng quan trắc được nhiệt độ đồng loạt giảm sâu. Cụ thể, TP Lào Cai giảm xuống 12,1 độ C; Phố Ràng (Bảo Yên) rét hại 10,9 độ C; Bắc Hà xuống 5,5 độ C; Sa Pa rét nhất 3,3 độ C.

17-13-12_1
Hình ảnh mưa tuyết trên đỉnh Fansipang sáng 19/12

Đặc biệt, tại đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương (cao 3.143 mét) đã xuất hiện mưa tuyết phủ trắng đường đi, mái nhà, cây cỏ, nhà ga khu cáp treo du lịch Fansipan. Khi hay tin có mưa tuyết, lượng du khách đã đổ về Sa Pa tăng đột biến. Trung tâm KTTV Lào Cai dự báo, sáng nay 20/12, đỉnh Fansipan hết mưa tuyết nhưng sẽ có sương muối, nền nhiệt ở mức rét đậm, rét hại.

Trong khi đó, Văn phòng PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại những ngày qua, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Lào Cai đã xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét, chết cóng. Thống kê chưa đầy đủ, đã có 76 con gia súc bị chết rét (trâu 68 con, bò 8 con).

Số trâu, bò chết rét nhiều nhất là tại huyện Sa Pa (67 con), 2 huyện Văn Bàn và Si Ma Cai chết 9 con. Tổng thiệt hại khoảng 932 triệu đồng. Chưa có ghi nhận thiệt hại về người, nhà ở cũng như cây trồng. Tại huyện Sa Pa, dọc tuyến QL4D, những gia đình có gia súc bị chết đã đem mổ thịt, bán cho khách qua đường với giá cao, khoảng 200 nghìn đồng/kg.

Trước sự cực đoan của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP chủ động phòng, chống rét và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể xảy ra đối với người, hoa màu, vật nuôi. Cụ thể, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết để có kế hoạch, biện pháp phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến thời tiết để phòng, tránh.

Đàn trâu bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 134.600 con, trong đó đàn trâu 106.000 con, đàn bò 27.800 con. Những năm trước, vào đầu vụ rét hàng trăm con trâu, bò gục đổ vì rét và thiếu thức ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, trâu, bò chết đói, chết rét đã giảm. Đấy là khi người dân đã chủ động phòng chống rét từ làm cây rơm, chuồng trại đến việc trồng cỏ. Chính vì thế, đến lúc này đàn gia súc của Yên Bái vẫn trụ được giá rét….

17-13-12_2
Trâu, bò chết rét được người dân mổ thịt bán

Chiều ngày 19/12 trên đường từ Trạm Tấu xuống TX Nghĩa Lộ, chúng tôi bắt gặp những đàn trâu người dân đang lùa từ trên núi xuống. Giàng A Chu người dân xã Trạm Tấu bảo: "Năm nay rét đậm quá, mình phải đưa trâu về nhà không để chúng ở trên rừng chết nhiều như mọi năm à…".

Nhà A Chu có 8 con trâu, nhà em Chu có 5 con, buổi sáng 2 nhà thay nhau lùa đàn trâu lên núi, chiều tắt nắng thì lùa về. Vụ rét đầu năm 2016, băng giá và tuyết trút xuống Trạm Tấu vào nửa đêm 25/1 khiến hàng trăm con trâu, bò bị đốn ngã. Nhưng gia đình Chu không chết con nào, bởi sau khi được huyện hỗ trợ làm chuồng và cây rơm từ năm 2015, anh còn làm thêm chuồng và “nhà rơm” cho trâu, nên chúng không bị chết.

Chu bảo: "Mỗi con trâu mình bán, con bé được 12-15 triệu, con lớn được hơn 20-25 triệu. Làm cây rơm không quá 1 triệu, sao không làm? Chuồng hơn 3-4 triệu, bán một con trâu thì đủ làm mà".

Đàn trâu, bò huyện Trạm Tấu hiện có 12.134 con, trong đó đàn trâu có 7.598 con, đàn bò 4.536 con. Từ năm 2015, Trạm Tấu trích ngân sách hỗ trợ 665 hộ khó khăn ở 12 xã và thị trấn làm chuồng cho trâu, bò, với mức 2 triệu/chuồng, tổng số tiền hỗ trợ 1,33 tỷ đồng, giúp bà con mua xi măng, sắt thép để làm cột và đổ nền. Ngoài ra, Trạm Tấu còn hỗ trợ người dân làm 500 cây rơm, mỗi cây 300.000đ, bà con tự làm 1.200 cây rơm.

17-49-14_5
Rơm được rẩy thêm nước muối cho bò ăn

Từ năm 2016 thì người dân Trạm Tấu không nhận hỗ trợ làm cây rơm, họ tự làm cây rơm và nhà để rơm. Tổng số cây rơm của Trạm Tấu mùa đông năm 2016 dân tự làm 1.700 cây, mùa đông 2017 làm 2.200 cây. Toàn huyện Trạm Tấu hiện có trên 3.700 hộ có chuồng trại theo tiêu chí “3 cứng” (cứng cột, cứng nền, cứng mái) bằng 83% số hộ.

Mùa khô ở Trạm Tấu bị ảnh hưởng gió của Lào, nên mùa đông cỏ chết cháy, chỉ một số loại cỏ chịu đựng được rét và khô hạn, trong đó có cỏ VA06. Đây là thức ăn xanh cần thiết cho đàn gia súc, nên Trạm Tấu hỗ trợ và vận động người dân tích cực trồng cỏ. Hầu như xã nào cũng trồng cỏ VA06, xã Tà Si Láng cao và xa xôi nhất huyện cũng đã trồng cỏ. Thống kê chưa đầy đủ, Trạm Tấu có 380 ha cỏ VA06.

Gia đình bà Lò Thị Hặc ở bản Hát I, nhà có 5 con trâu, chiều nắng ấm bà mới lùa trâu ra ngoài cho chúng đỡ cuồng chân, còn trong nhà bà đủ thức ăn cho chúng từ rơm, cỏ rừng đến thân cây ngô non. Năm nào bà cũng chuẩn bị ni nông và chăn bông rách làm áo ấm cho những con nghé, nên đàn trâu của gia đình bà mấy năm rồi không bị chết rét.

17-49-14_2
Mặc áo ấm cho trâu

Huyện Mù Cang Chải có 60.850 con trâu bò, đàn trâu 13.652 con, đàn bò 6.324 con. Mù Cang Chải năm 2017 hỗ trợ dân làm 200 cây rơm, người dân tự làm 7.000 cây. Rơm đánh thành cây và để trên nóc chuồng trâu chuồng bò, người dân gọi là nhà rơm. Tổng số chuồng trâu bò kèm theo nhà rơm có gần trên 6.000 chuồng, ngoài ra bà con tự trồng trên 500 ha cỏ VA06, đây là chuyện hiếm thấy ở vùng cao.

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT Mù Cang Chải cho biết: Đầu năm 2016 do băng tuyết, số trâu bò chết rét vài trăm con, tới vụ rét 2016-2017 chỉ chết vài chục con. Số trâu bào chết rét giảm là do bà con đã ý thức việc bảo vệ đàn gia súc…

Ông Đoàn Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Đầu tháng 12/2017 Chi cục đã cử 2 đoàn công tác tới các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn kiểm tra việc chống rét cho gia súc. Đến thời điểm này tỉnh Yên Bái chưa có bất cứ một con gia súc nào chết rét…

10-47-11_nguoi_dn_huyen_qun_b_tn_dung_vt_lieu_lm_o_khoc_chong_ret_cho_gi_suc
Tận dụng vật liệu làm áo khoác cho gia súc chống rét

 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.